Thâm nhập đường dây chuyên thu mua, giết mổ lợn ốm chết: Ẩn họa khôn lường từ thịt lợn bẩn

03:11 | 10/01/2015
Việc mua bán, giết mổ lợn thải, ốm chết đem lại siêu lợi nhuận cho những “đồ tể” làm ăn thất đức, còn người tiêu dùng thì cứ âm thầm lãnh trọn hậu quả.

56687Tiền mất tật mang

Có thể nói, thịt lợn là thực phẩm cơ bản trong bữa ăn của mỗi gia đình người Việt. Tuy nhiên, không phải ai cũng có kinh nghiệm trong việc lựa chọn thịt lợn tươi ngon. Dựa vào đó, những kẻ làm ăn bất lương đã nghĩ ra cách “phù phép” thịt lợn “bẩn” nhằm đánh lừa người tiêu dùng.
Đứng bên phản thịt, loay hoay không biết nên chọn loại thịt nào, bà Nguyễn Thị Duyên trú tại Dân Tiến, Khoái Châu, Hưng Yên chia sẻ: “Mặc dù nghe nhiều về tình trạng tuồn lợn ốm chết ra thị trường, nhưng bây giờ chẳng biết ăn gì. Thôi đành nhắm mắt mua liều, tôi chỉ nhìn bằng mắt thường, thấy tươi, không có mùi hôi thì mua. Thực tình, tôi chẳng biết được đâu là thịt lợn sạch, đâu là thịt bẩn cả”.

Còn theo chị Vũ Thị Vui, một công nhân đang làm việc trong KCN phố Nối (Hưng Yên) thì chị thường được ăn bữa trưa tại công ty. Nhà bếp nấu thế nào thì chị ăn như vậy. Chị không có thời gian và thẩm quyền để tìm hiểu nguồn gốc của thực phẩm là như thế nào. “Phận đi làm thuê đành chịu thế, nếu không ăn thì lấy sức đâu mà làm”, chị Vui nói.

Cũng theo chị Vui, vì hai vợ chồng làm công nhân, thu nhập thấp, có con nhỏ lại phải thuê nhà nên kinh tế không dư giả gì. Thỉnh thoảng vợ chồng chị mới mua ít thịt lợn để cải thiện bữa ăn. Khi ra chợ, thấy hàng nào bán rẻ, quen biết thì mua chứ không biết cách lựa chọn thịt ngon, thịt sạch. Tất cả phó mặc cho sự may rủi.

Không chỉ có bà Duyên, chị Vui, trong quá trình khảo sát thực tế, phóng viên nhận thấy đa phần mọi người đi chợ mua thịt lợn đều dựa vào kinh nghiệm cảm tính. Rất ít người quan tâm đến nguồn gốc thịt lợn lấy từ đâu, đã được kiểm dịch chưa.
Chia sẻ với phóng viên, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên là cán bộ Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm (ĐH Bách khoa Hà Nội) cho biết: Thịt lợn bơm nước về cơ bản không gây hại cho người tiêu dùng nhưng thịt lợn ốm chết có nguy cơ nhiễm bệnh  cao. Có thể chia ra thành hai loại: Loại thứ nhất là lợn ốm, chết do các bệnh như than, lở mồm long móng, nhiễm khuẩn, tai xanh… người ăn sẽ bị nhiễm bệnh: liên cầu khuẩn, lở mồm, tả, tụ huyết trùng…Còn đối với lợn chết trong quá trình vận chuyển do để lâu ngày không mổ, dễ sinh ra vi khuẩn và gây các chứng bệnh về đường ruột, tiêu hóa.
Như vậy, nguy cơ bị nhiễm bệnh từ việc sử dụng thịt lợn thải, ốm, chết là không thể phủ nhận. Trong khi đó, người tiêu dùng lại không thể nhận biết được đâu là thịt lợn sạch, đâu là thịt lợn bẩn nên rất dễ rơi vào tình trạng tiền mất tật mang. Chỉ những kẻ làm ăn bất lương được hưởng lợi.

Người mua khó phân biệt được đâu là thịt lợn sạch, đâu là thịt lợn “bẩn”

Cơ quan chức năng bị qua mặt

Chính vì những món lợi lớn, những kẻ “đồ tể” chuyên mua bán, tiêu thụ thịt lợn thải, ốm chết đã nghĩ ra nhiều mánh khóe để lừa gạt người tiêu dùng và “qua mắt” các cơ quan chức năng, quản lý ở địa phương.

Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Quang Hiền, Đội trưởng đội 4, Chi cục quản lý thị trường tỉnh Hưng Yên cho biết: Vừa qua, ngày 17/12/2014, Chi cục quản lý thị trường tỉnh phối hợp với Phòng cảnh sát môi trường, Công an tỉnh Hưng Yên đã phát hiện, bắt giữ vụ vận chuyển 4.300 kg lòng lợn thối. Đây là số thực phẩm được chuyển từ nơi khác về.

Cũng theo ông Phạm Quang Hiền, đơn vị đã nhận được thông tin, phản ánh về việc có đối tượng tổ chức mua bán, giết mổ thịt lợn thải, ốm chết. Năm 2014, Chi cục đã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành xác minh thông tin này nhưng không phát hiện được. Chi cục quản lý thị trường tỉnh cho nhiều  trinh sát nằm vùng, nhưng những đối tượng giết mổ lợn thải, ốm, chết rất cảnh giác và nhiều mánh khóe nên chưa phát hiện được. Ví dụ thấy xe bám theo là các đối tượng sẽ cho xe chạy đi địa phương khác. Các đối tượng này không giết mổ tại địa phương mà đi thu mua ở các tỉnh khác về.

Câu hỏi đặt ra là: Liệu cơ quan chức năng ở đây đã thực sự làm hết trách nhiệm để phát hiện, ngăn chặn tình trạng này hay chưa? Bởi thực tế, chỉ gần một tháng cải trang nằm vùng, nhóm phóng viên đã giáp mặt được nhiều “ông trùm” giết mổ lợn thải, ốm chết. Thậm chí, nhiều “ông trùm” còn khẳng định rằng có thể cung cấp được số lượng lớn, và thường xuyên loại thịt lợn này.
Thiết nghĩ, cơ quan chức năng  tỉnh Hưng Yên cần vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa nhằm dẹp bỏ tình trạng này.

Ngô Hùng

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này