Giảm thiểu lao động trẻ em: Thay đổi từ nhận thức

10:33 | 13/08/2019
(LĐTĐ) Thời gian vừa qua, tỷ lệ lao động trẻ em ở Việt Nam đã đạt được mức giảm ấn tượng. Nếu như năm 2000, tỷ lệ trẻ em trong độ tuổi từ 5 đến 14 tham gia lao động là 28% thì hiện nay, con số này là dưới 10%. Để giảm thiểu và tiến tới chấm dứt lao động trẻ em, cần sự vào cuộc của cả cộng đồng. Quan trọng nhất, sự thay đổi phải bắt đầu từ nhận thức.
giam thieu lao dong tre em thay doi tu nhan thuc Nỗ lực giảm thiểu lao động trẻ em
giam thieu lao dong tre em thay doi tu nhan thuc Nỗ lực ngăn ngừa lao động trẻ em
giam thieu lao dong tre em thay doi tu nhan thuc Tích cực tham gia phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em

Những tín hiệu đáng mừng

Theo “Báo cáo tuổi thơ toàn cầu năm 2019” của Tổ chức Cứu trợ Trẻ em, Việt Nam đã có được nhiều tiến bộ vượt bậc trong hai thập kỉ qua. Cụ thể, việc giảm tỷ lệ lao động trẻ em đã đóng góp rất lớn trong việc giúp cuộc sống của trẻ em Việt Nam ngày hôm nay tốt hơn rất nhiều so với thế hệ của 20 năm trước đây. Tỷ lệ lao động trẻ em ở Việt Nam đã đạt được mức giảm ấn tượng. Nếu như năm 2000, tỷ lệ trẻ em trong độ tuổi từ 5 đến 14 tham gia lao động là 28% thì hiện nay, con số này là dưới 10%.

giam thieu lao dong tre em thay doi tu nhan thuc
Giảm thiểu lao động trẻ em cần sự chung tay của cả cộng đồng (ảnh minh họa)

Cách đây chục năm, em Lê Văn Hưng (24 tuổi, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa) ngay khi kết thúc chương trình giáo dục Trung học cơ sở đã được bố mẹ cho lên Hà Nội làm việc tại một quán ăn bình dân. Công việc của em là bưng bê và quét dọn, mỗi ngày trung bình em phải làm việc hơn 10 giờ. Hưng chia sẻ:“Gia đình em có 4 anh chị em, hoàn cảnh gia đình lại khó khăn nên em nghỉ học sớm, đi làm thêm giúp đỡ bố mẹ. Khi ấy em mới 14 tuổi”.

Đây hoàn toàn không phải là câu chuyện hiếm trong nhiều năm trước ở Việt Nam. Bởi thời điểm đó, có rất nhiều trẻ em trở thành nguồn lao động trong gia đình. Rõ ràng trong những câu chuyện như vậy, cả bố mẹ các em đều không ý thức được rằng mình đang vi phạm pháp luật về lao động trẻ em.

Bên cạnh việc Chính phủ đã thực hiện nhiều chương trình, mục tiêu quốc gia về giảm thiểu lao động trẻ em, thì việc Việt Nam giảm nghèo thành công cũng góp phần cải thiện điều kiện sống cho nhiều gia đình.

Giảm nhu cầu bắt buộc trẻ em phải đi làm việc cũng như gia tăng đầu tư vào giáo dục, đảm bảo tỷ lệ trẻ đến trường cao, đặc biệt chú trọng trẻ em dân tộc thiểu số và trẻ em ở vùng núi, vùng sâu vùng xa. Truyền thông đại chúng và các tổ chức phi chính phủ quốc tế cũng đã giúp nâng cao nhận thức về quyền trẻ em và tác hại của lao động trẻ em.

Trên thực tế, việc trẻ em miền núi bán đồ lưu niệm ở những khu du lịch như ở Lào Cai, Hà Giang, Sơn La…cũng xuất hiện khá nhiều. Ngay trên địa bàn Hà Nội, nhiều làng nghề của huyện Chương Mỹ, Gia Lâm, Hoài Đức, Thường Tín, Thanh Oai… cũng sử dụng lao động trẻ em.

Việc trẻ em phải lao động sớm đã và đang để lại hậu quả nặng nề, ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất, tâm lý hài hòa của các em, cản trở việc tiếp cận và thụ hưởng nền giáo dục phù hợp, ảnh hưởng tới tương lai của chính các em, đồng thời tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội, nhất là chất lượng nguồn nhân lực trong tương lai.

Dưới góc độ pháp lý, luật sư Hà Văn Thêm (Công ty Luật Hợp danh The Light) cho biết: “Người sử dụng lao động là trẻ em dưới 15 tuổi làm những công việc nặng nhọc, nguy hiểm không phù hợp với độ tuổi hay làm thêm giờ… đều là hành vi sử dụng lao động trái pháp luật.

Pháp luật Việt Nam chỉ cho phép được sử dụng lao động dưới 15 tuổi đối với một số công việc nhẹ theo danh mục Quy định tại Thông tư Số: 11/2013/TT-BLĐTBXH ngày 11/6/2013. Việc sử dụng người lao động dưới 15 tuổi, chủ sử dụng lao động phải tuân thủ các quy định của Bộ luật lao động và các văn bản hướng dẫn thi hành”.

Lấy ví dụ cụ thể về vấn đề này, luật sư Thêm cũng cho biết, khi tuyển dụng lần đầu người dưới 15 tuổi vào làm việc phải thông báo bằng văn bản về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi cơ sở đặt trụ sở chính trong vòng 30 ngày kể từ ngày bắt đầu tuyển dụng; Hằng năm, người sử dụng lao động phải báo cáo việc sử dụng người dưới 15 tuổi làm việc cùng với báo cáo công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội; Nơi làm việc bảo đảm các yếu tố vệ sinh môi trường lao động đạt quy chuẩn, tiêu chuẩn vệ sinh cho phép.

“Hơn hết, việc sử dụng lao động dưới 15 tuổi dựa trên nguyên tắc phải bảo đảm sự phát triển thể lực, trí lực, nhân cách và có trách nhiệm quan tâm chăm sóc người lao động chưa thành niên về các mặt lao động, tiền lương, sức khoẻ, học tập trong quá trình lao động”, Luật sư Thêm nhấn mạnh.

Thay đổi từ nhận thức

Hiện nay, trong bối cảnh hội nhập và tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, việc thực hiện các cam kết quốc tế về lao động, trong đó có lao động trẻ em trong các chuỗi cung ứng sẽ ngày càng được được quan tâm hơn. Do đó, việc giảm thiểu và tiến tới chấm dứt lao động trẻ em phải được thay đổi từ nhận thức của chính trẻ em, gia đình, cộng đồng và người sử dụng lao động.

Chị Lê Thu Hương (chủ một quán ăn trên đường Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ: “Trước đây, có rất nhiều cháu trong độ tuổi 13, 14 đến xin việc vào dịp nghỉ hè. Nhiều năm về trước, tôi cũng có nhận các cháu vào làm thời vụ.

Tuy nhiên những năm gần đây, sau khi được tiếp cận với thông tin đại chúng, tôi được biết nhận trẻ em tham gia lao động cũng là vi phạm pháp luật. Không chỉ tôi, mà nhiều người sử dụng lao động khác cũng đã chủ động từ chối việc nhận lao động trẻ em. Bản thân tôi hi vọng rằng, trẻ em sẽ có nhiều điều kiện để được học tập, vui chơi và phát triển hơn nữa trong tương lai”.

Ông Đặng Hoa Nam – Cục Trưởng Cục Trẻ em, Bộ Lao động Thương Binh và Xã hội cho biết, hiện nay Việt Nam đang triển khai dự án hỗ trợ nâng cao năng lực quốc gia về phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em. Chương trình nhằm triển khai các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã phê chuẩn và thực hiện các mục tiêu trong việc phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em.

Chương trình đã được triển khai tại ba địa phương Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, An Giang từ năm 2015, dự án tập trung vào giảm thiểu lao động trẻ em trong một số ngành, nghề trọng điểm như may mặc, nông nghiệp, thủy sản, thủ công mỹ nghệ….

Bên cạnh đó, chương trình quốc gia phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em giai đoạn 2016 – 2020 đã nhắc đến trách nhiệm các bên liên quan, hướng đến nhận thức, năng lực, trách nhiệm của chính quyền các cấp, các ngành, các tổ chức có liên quan đến người sử dụng lao động, cộng đồng và trẻ em.

Tuy nhiên, ông Đặng Hoa Nam cũng cho rằng nhận thức của xã hội về lao động trẻ em ở Việt Nam hiện nay chưa thực sự rõ ràng. Hơn nữa, đây là một vấn đề rất nhạy cảm, khó xử lý bởi nó liên quan đến quan hệ ruột thịt, họ hàng giữa người sử dụng lao động trẻ em là lao động.

Cục trưởng Cục Trẻ em cũng nhấn mạnh, để hạn chế lao động trẻ em cần thiết phải tuyên truyền rộng rãi đến người dân các quy định của pháp luật. Đầu tiên là việc vận động gia đình đưa trẻ em đến trường và xác định việc đi học, học nghề là cách tạo thu nhập ổn định và bền vững nhất. Tiếp đó, các cơ quan chức năng cần tuyên truyền rộng rãi hơn việc sử dụng lao động là vi phạm pháp luật, sẽ bị xử lý nghiêm.

K. Tiến

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này