Phiên họp thứ 36 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Giải quyết chồng chéo chức năng Kiểm toán và Thanh tra

09:53 | 13/08/2019
(LĐTĐ) Sáng qua 12/8, Ủy Ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã khai mạc phiên họp thứ 36.
giai quyet chong cheo chuc nang kiem toan va thanh tra Liên quan đến tăng giá điện: Đề nghị Kiểm toán vào cuộc cho khách quan
giai quyet chong cheo chuc nang kiem toan va thanh tra Việt Nam và Anh đẩy mạnh hợp tác trên lĩnh vực kiểm toán
giai quyet chong cheo chuc nang kiem toan va thanh tra Yêu cầu về nhân sự đối với gói thầu kiểm toán

Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, phiên họp thứ 36 diễn ra từ 12-16/8. Tại Phiên họp này, UBTVQH cho ý kiến về 5 dự án Luật và 2 dự thảo Nghị quyết, gồm: Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước; dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi); dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi); dự án Luật Lực lượng dự bị động viên; dự án Luật Thư viện; dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về miễn tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và khai thác tài nguyên nước; dự thảo Nghị quyết giải thích một số điều của Luật Quy hoạch.

giai quyet chong cheo chuc nang kiem toan va thanh tra
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu (ảnh Đ.B)

Cũng tại Phiên họp này, UBTVQH sẽ tiến hành giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách nhà nước giai đoạn 2013-2018”; tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn về việc thực hiện các nghị quyết giám sát chuyên đề và kết luận về chất vấn và trả lời chất vấn của UBTVQH từ đầu nhiệm kỳ đến hết năm 2018.

Bên cạnh đó, UBTVQH cho ý kiến về báo cáo kết quả chuyên đề của Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy giai đoạn 2014- 2018” để Đoàn giám sát hoàn thiện báo cáo để trình ra Quốc hội tại Kỳ họp thứ Tám. Cạnh đó, UBTVQH cũng cho ý kiến về việc bổ sung dự toán ngân sách nhà nước năm 2019 (vốn ngoài nước) cho 2 tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình.

Tiếp đó, dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, UBTVQH đã cho ý kiến về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán. Một trong những nội dung được các đại biểu quan tâm là làm sao tránh được sự chồng chéo chức năng giữa cơ quan kiểm toán và các cơ quan thanh tra chuyên ngành.

Thực tế lâu nay không ít đơn vị, doanh nghiệp than phiền trong một năm đã bị cơ quan kiểm toán vào còn tiếp không ít cơ quan thanh tra gây khó khăn trong công tác kinh doanh. Chính vì vậy, trình bày báo cáo, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính- Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, có ý kiến đề nghị quy định về cơ chế phối hợp giữa các cơ quan trong việc cung cấp, kế thừa kết quả kiểm toán, thanh tra. Cùng với đó cần bổ sung quy định để giải quyết chồng chéo giữa thanh tra chuyên ngành của các Bộ, ngành và Kiểm toán Nhà nước.

Nêu ý kiến về vấn đề này, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đặt vấn đề: Ai điều hoà khi có sự chồng chéo giữa hai cơ quan này? Đây là thẩm quyền của Quốc hội. Do đó, cần có quy định phù hợp để hai cơ quan thực hiện nhiệm vụ theo luật giao.

Còn Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh, “để giải quyết sự chồng chéo này thì trước hết Luật Kiểm toán Nhà nước phải minh định cái gì kiểm toán phải làm. Bên cạnh đó, trong thực tế vấn đề nào còn vướng mắc thì hai bên thực hiện theo cơ chế phối hợp, trường hợp không giải quyết được thì báo cáo lên cấp cao hơn”.

Tuy nhiên, Kiểm toán Nhà nước là cơ quan trực thuộc Quốc hội, Thanh tra Nhà nước là cơ quan thuộc Chính phủ, thanh tra chuyên ngành thuộc Chính phủ, mỗi cơ quan có nhiệm vụ riêng, do đó rất khó phối hợp trong công tác. Chính vì thế, bà Nguyễn Thanh Hải – Trưởng Ban Dân nguyện cũng đề nghị cần một “trọng tài” giải quyết khi phát sinh sự chồng chéo giữa kiểm toán và thanh tra.

Về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, kế hoạch kiểm toán được Quốc hội thảo luận, thông qua hàng năm bằng Nghị quyết là cơ sở rất quan trọng để các bên căn cứ vào đó mà thực hiện. Bởi trước khi trình Quốc hội, các cơ quan, trong đó có Kiểm toán Nhà nước và Thanh tra Chính phủ đã có sự trao đổi. Còn trong quá trình thực hiện có phát sinh thì hai bên cần theo quy chế phối hợp cũng như cần cơ quan có thẩm quyền điều hoà mà cụ thể là Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.

Còn trên bình diện Luật, ông Nguyễn Đức Hải cho biết, một nội dung mới được Kiểm toán Nhà nước đề xuất bổ sung so với Dự thảo Luật Kiểm toán đã trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7 là sửa nhiệm vụ Kiểm toán Nhà nước “thực hiện kiểm toán theo yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ” chuyển thành “xem xét, quyết định việc kiểm toán khi có đề nghị của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ”.

Về nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, nhu cầu kiểm toán luôn gắn với quản lý, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong thực tế. Tuy nhiên, dự Luật cần thể hiện cơ chế như thế nào để tránh mâu thuẫn trong việc Kiểm toán Nhà nước thực hiện Nghị quyết của Quốc hội. Vì Kiểm toán Nhà nước trước hết thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, còn phát sinh thì phải báo cáo Quốc hội, UBTVQH xem xét chứ không phải ai cũng có thể chỉ đạo được kiểm toán làm cái này cái kia.

H.Phạm- X.Hải

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này