Phải nhập khẩu muối đến bao giờ?

11:20 | 13/01/2015
Năm 2014, chúng ta đã sử dụng khoảng 64 ngàn tỷ đồng để nhập khẩu nguyên liệu và thức ăn chăn nuôi gia súc với lý do thức ăn của ta kém vi chất; dù là quốc gia sản xuất nhiều ngô, đậu tương! Nay lại đến việc hai Bộ: Công thương- Nông nghiệp & Phát triển nông thôn đồng ý nhập khẩu trên 100. 000 tấn muối công nghiệp để tránh lượng thiếu hụt khoảng 300 ngàn tấn muối mà Bộ Công thương đã dự báo. Lại một lần nữa, dư luận đặt câu hỏi, với bờ biển dài trên 2.000 km sao chúng ta vẫn phải nhập khẩu muối?

Là thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Việt Nam tham gia sân chơi toàn cầu là rất bình thường. Có nhập, có xuất khẩu để cạnh tranh. Song câu chuyện về nhập khẩu muối không đơn thuần như vậy. Cách đây khoảng 10 năm, tại các cuộc họp về quy hoạch muối của Bộ Công nghiệp (cũ), nhiều ý kiến cũng nói rằng tại sao chúng ta sản xuất muối rất nhiều, nhưng lại phải đi nhập khẩu muối? Một quan chức nói rằng, tại vì sản xuất muối trong nước đơn thuần là của diêm dân nên không đáp ứng nhu cầu cho ngành công nghiệp (như da giày, dệt, hóa chất, y tế- PV). Thế nhưng,  đến nay chúng ta vẫn phải bỏ ra nhiều triệu USD để nhập khẩu muối, trong khi đời sống diêm dân vẫn... rất nghèo.

Theo Quyết định 4513 ngày 21/10/2014 của Bộ trưởng Bộ NN- PTNT về việc phê duyệt quy hoạch phát triển muối đến năm 2020 tầm nhìn 2030:  “Năm 2015 diện tích dùng cho sản xuất muối công nghiệp khoảng 4.853 ha, sản lượng đạt  538 ngàn tấn; đến năm 2020 diện tích sản xuất muối công nghiệp đạt 8.000 ha, tổng sản lượng 1,31 triệu tấn, và đến năm 2030 sản xuất muối đáp ứng đủ nhu cầu cho các ngành sản xuất”.... Nếu theo QĐ này thì từ nay đến năm 2030 Việt Nam mỗi năm phải nhập khẩu một lượng muối công nghiệp không hề nhỏ.

Vậy chúng ta thiếu muối hay muối của chúng ta không đạt chất lượng? Theo thống kê của Bộ Công thương  năm 2014, sản lượng muối cả nước ước đạt 1,2 triệu tấn; trong đó, muối công nghiệp đạt 347.700 tấn. Dự kiến năm 2015, sản lượng muối qua chế biến sẽ đạt khoảng 450.000 tấn, đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng trong nước. Tuy vậy, cái khó của muối trong nước cũng giống như thức ăn chăn nuôi là chất lượng muối do các doanh nghiệp trong nước sản xuất không đáp ứng được yêu cầu cho việc sản xuất.  Theo tìm hiểu của PV, không chỉ nguyên nhân các DN ngại sản xuất muối công nghiệp vì giá thành rẻ trong khi trang thiết bị máy móc lại đắt thì sự nhập nhằng trong công tác quản lý ngành muối cũng là một lý do. Xét về góc độ chuyên môn, từ sản xuất đến lưu thông, Bộ Công thương là ngành có kiến thức về muối nhất. Nhưng thực tế quản lý (quy hoạch, chế biến) nay lại thuộc Bộ NN- PTNT, bộ chuyên quản lý về nông nghiệp và phát triển nông thôn! Vì thế, dẫn đến việc chuyên môn hóa trong chích sách đầu tư chưa đáp ứng được đòi hỏi của thực tiễn.

Hiện Việt Nam đang tích cực đàm phán để hoàn tất việc gia nhập khu vực thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP). Khi tham gia chính thức khu vực này đồng nghĩa với việc, những lĩnh vực như da giày, dệt may, hóa chất... phát triển rất mạnh vì được hưởng lợi từ chính sách thuế trong khuôn khổ TPP mang lại. Khi đó, lượng muối công nghiệp phục vụ cho các lĩnh vực này cũng rất lớn, nếu chúng ta không có những biện pháp để thúc đẩy công nghiệp sản xuất muối phát triển thì vẫn xảy ra ngịch lý quốc gia biển nhưng vẫn đi nhập khẩu muối. Theo các chuyên gia, sự khác biệt giữa muối ăn thông thường và muối công nghiệp nằm ở hàm lượng NaCl cao, thấp mà thôi. Muối công nghiệp đòi hỏi thành phần NaCl phải cao. Song cũng như thức ăn chăn nuôi, đến nay chúng ta vẫn không sản xuất nổi đành phải chi cả mấy trăm triệu USD chỉ để cho việc nhập khẩu muối!

L. Hà

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này