Dự án giãn dân phố cổ Hà Nội: Nỗi lo kẻ ở, người đi

10:09 | 20/01/2015
Theo dự kiến, trong tháng 3/2015, UBND quận Hoàn Kiếm sẽ khởi công xây dựng các dự án hạ tầng giao thông đô thị, xã hội khu nhà ở giãn dân ở Việt Hưng (Long Biên).

Theo đó, người dân phố cổ hoàn toàn có thể yên tâm về một môi trường đô thị mới đầy đủ các tiện ích trong tương lai không xa. Tuy nhiên bên cạnh việc bảo tồn và tu bổ các di tích, tại các khu phố cổ thì việc ổn định cuộc sống của những người ở lại vẫn còn nhiều bất cập.

Phố cổ mới giữa lòng đô thị hiện đại

Từ lâu nay, việc mưu sinh của người dân phố cổ chủ yếu dựa vào  hoạt động kinh doanh, buôn bán. Chính vì thế khu tái định cư giãn dân phố cổ Việt Hưng (quận Long Biên) sẽ được thiết kế phù hợp. ông Dương Đức Tuấn – Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm cho biết, thiết kế của những khu nhà tái định cư phục vụ cho việc giãn dân phố cổ đã được tính toán  kỹ, tham khảo các chuyên gia quy hoạch xây dựng của TP Toulouse (Pháp) để xây dựng nên khu nhà đầy đủ các tiện ích, thân thiện môi trường. Cụ thể, khu giãn dân phố cổ có diện tích 11,12 ha, gồm 16 tòa nhà cao 8-9 tầng, một tòa nhà hỗn hợp (trung tâm thương mại dịch vụ, chung cư, công trình công cộng) cao 15 tầng. Khu nhà ở được bố trí đầy đủ các công trình phúc lợi như nhà trẻ - mẫu giáo, trạm y tế, không gian sinh hoạt cộng đồng, tuyến phố đi bộ. Theo đó, những mặt tiền của căn hộ đều tiếp giáp với mặt đường để thuận lợi cho việc kinh doanh, buôn bán. Khoảng 39% số hộ dân di dời sẽ được bố trí kiốt kinh doanh, bán hàng ở tầng 1 các tòa nhà. Các cửa hàng kinh doanh được bố trí theo nhóm ngành hàng. Độc đáo hơn, phía trong “lõi” của mỗi tòa nhà được thiết kế phố đi bộ với những cách bài trí gian hàng theo chuyên đề đảm bảo tính truyền thống nhưng vẫn mang hơi thở hiện đại...

Qua khảo sát về nhu cầu của nhóm dân cư phố cổ thuộc diện di dời, không ít người đặc biệt quan tâm đến chính sách hỗ trợ cũng như quyền lợi cụ thể từ dự án đầu đi và dự án đầu đến. Liên quan đến vấn đề này, Phó chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Lâm Quốc Hùng cho biết: “4 nhóm đối tượng trong diện di dời sẽ được hưởng chính sách GPMB mà Nhà nước đang thực hiện với mức giá cao nhất là 162 triệu đồng/m2, đồng thời được hưởng chính sách tái định cư. Đối với các hộ dân không đủ tiền mua căn hộ tái định cư với diện tích trên 30 m2 sẽ được tạo điều kiện thuê lại với giá rẻ hoặc áp dụng chính sách trả chậm nếu có nhu cầu sở hữu căn hộ đó”

Ông Lâm Quốc Hùng - Phó chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm

57272

Áp lực tăng dân số trở lại

Bà Lê Quỳnh Anh, Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng khu nhà giãn dân phố cổ cho biết, UBND TP.Hà Nội đã có quyết định chỉ định nhà đầu tư thực hiện dự án này.  Đơn vị thực hiện phải là đơn vị có năng lực tài chính, có chuyên môn đảm bảo để thực hiện dự án. Tổng vốn đầu tư xây khu giãn dân giai đoạn một khoảng 5.000 tỷ đồng bằng nguồn vốn ngoài ngân sách. Đồng thời đơn vị thực hiện sẽ được hưởng một số quyền lợi như vay vốn ngân hàng, ứng vốn trước để thi công dự án. Sau khi hoàn thành sẽ bán nhà cho người dân khu phố cổ thu hồi vốn.

Nói rõ thêm về đề án, ông Dương Đức Tuấn, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm cho biết: “Mục tiêu đề án là phấn đấu giảm mật độ dân cư khu vực phố cổ từ 823 người/ha năm 2010 xuống còn 500 người/ha  năm 2020. Đề án giãn dân phố cổ sẽ kết thúc vào năm 2020”.  Tuy nhiên, trên thực tế để đạt được mục tiêu này, UBND quận Hoàn Kiếm và các cơ quan liên quan gặp không ít khó khăn, chủ yếu từ ý thức của một bộ phận người dân đang sống bám vỉa hè. Ông Phạm Thái – một cư dân sống gần đình Thanh Hà (Ngõ Gạch) bày tỏ lo ngại về mức thu nhập có nguy cơ bị suy giảm sau khi di dời: “Từ bao đời nay, ngoài ưu điểm thông thương do đặc thù giao thông của các tuyến phố thì phần lớn thu nhập từ việc kinh doanh buôn bán đều ăn theo khu chợ Đồng Xuân sầm uất. Những lợi thế này sẽ không bao giờ có được khi chúng tôi di chuyển đến khu nhà mới...”. Thậm chí, không ít người tỏ ra chây ì khi tính kế quay về nhân cơ hội lực lượng chức năng lơ là quản lý để “hoạt động chui”. Điều đó cho thấy, bên cạnh việc tiếp tục vận động tuyên truyền, UBND quận Hoàn Kiếm nên quan tâm đến việc bố trí kinh doanh hợp lý, đảm bảo thu nhập ổn định và tránh tình trạng các hộ dân quay lại nơi đã thu hồi gây khó khăn cho công tác xử lý.

Những hộ dân sở hữu diện tích nhà ở hợp pháp được ở lại thuộc diện ở lại phố cổ để sinh sống trên cơ sở tuân thủ theo quy định, gìn giữ tinh hoa cũng như phong cách sống của người Hà Nội. Tuy nhiên, với những đối tượng này, họ hoàn toàn có quyền bán hay sang nhượng nhà cho đối tượng khác có nhu cầu. Điều này tiềm ẩn nguy cơ tăng dân số trở lại, gây khó khăn trong công tác quản lý.

Anh Đinh Hùng – một cư dân trên phố Hàng Đào cho biết, mặc dù anh không thuộc diện di dời sang khu tái định cư nhưng sắp tới gia đình anh có ý định bán lại căn hộ mặt tiền đang kinh doanh quần áo trên phố Hàng Đào cho vợ chồng một người bạn để vào thành phố Hồ Chí Minh sinh sống. Trong khi đó, hộ khẩu gia đình anh Hùng có 3 người nhưng chủ nhà mới lại có tổng cộng là 5 người bao gồm 2 vợ chồng và 3 đứa con. “Như thế, số người đến và người đi có sự chênh lệch nên về lâu dài có thể các cơ quan chức năng lại phải xây dựng kế hoạch giãn dân thêm lần nữa...” – anh Hùng bày tỏ.

Bà Nguyễn Thị Yến – tổ 36 (phường Hàng Buồm – Hà Nội) cho biết : “Hiện nay gia đình tôi đủ tiêu chuẩn để ở lại và tiếp tục sinh sống trong phố cổ. Sang đầu năm gia đình sẽ tổ chức đám cưới cho con trai đồng nghĩa với việc sẽ nhập hộ khẩu cho con dâu, rồi việc các cháu của tôi sẽ ra đời. Đó cũng là nguyên nhân khiến mật độ dân số ở phố cổ tăng thêm mỗi năm”

Đứng trước nguy cơ Hà Nội trong vòng 10 – 20 năm nữa lại phải thực hiện một cuôc giãn dân thêm lần nữa để giảm tải mật độ dân số, Phó chủ tịch quận Hoàn Kiếm Lâm Quốc Hùngcho biết: “Quận đã nghĩ đến việc này và đang họp bàn để đưa ra phương án giải quyết hiệu quả lâu dài và ít tốn kém nhất. Trong quá trình đề án được triển khai không tránh khỏi những bất cập phải chấp nhận. Vì thế cần sự đồng lòng phối hợp từ các cấp lãnh đạo và người dân vì mục đích chung của cộng đồng...”

Kiều Linh

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này