Xúc động bức thư của cô bé 11 tuổi: “Xin đừng thả bóng bay trong ngày khai giảng”

23:31 | 26/07/2019
(LĐTĐ) Ngày 24/7, cô bé Nguyễn Nguyệt Linh - học sinh lớp 6 trường Marie Curie Hà Nội đã gửi email cho một số các trường học trên địa bàn Thủ đô, bày tỏ mong muốn các trường không thả bóng bay trong ngày khai giảng sắp tới. Bởi theo cô bé, thả bóng bay trong ngày khai giảng có thể hiện được ước mơ bay cao của học sinh nhưng lại giết ước mơ của bao chú chim và rùa biển, ảnh hưởng môi trường.  
xuc dong buc thu cua co be 11 tuoi xin dung tha bong bay trong ngay khai giang Hà Nội: Học sinh tựu trường sớm nhất vào ngày 1/8
xuc dong buc thu cua co be 11 tuoi xin dung tha bong bay trong ngay khai giang Phường Giang Biên: Khai giảng lớp học “Bơi tự cứu” miễn phí cho học sinh
xuc dong buc thu cua co be 11 tuoi xin dung tha bong bay trong ngay khai giang LĐLĐ quận Long Biên khai giảng lớp hạt nhân văn hóa cơ sở

Khai giảng không thả bóng bay, không xả rác lên trời

Kỳ nghỉ hè đã gần kết thúc, một năm học mới sắp bắt đầu, trong khi hầu hết các bạn cùng trang lứa đều suy nghĩ về việc chuẩn bị cặp sách mới, quần áo mới thì Nguyệt Linh (11 tuổi), học sinh trường Marie Curie lại trăn trở về việc làm sao để có thể hạn chế sử dụng bóng bay trong dịp lễ khai giảng.

xuc dong buc thu cua co be 11 tuoi xin dung tha bong bay trong ngay khai giang
Nguyệt Linh đã gửi một bức thư xin đừng thả bóng bay trong ngày khai giảng tới 40 hiệu trưởng các trường học tại Hà Nội. (Ảnh NVCC)

Để thực hiện mục tiêu đó, cô bé Nguyệt Linh đã tự mình viết một bức thư với nội dung xúc tích, ngắn gọn nhưng lại là vấn đề mà có thể là cả thế giới đang rất quan tâm, với thông điệp: "Khai giảng không thả bóng bay, không thả rác lên trời" gửi tới một số trường học trên địa bàn Hà Nội.

Bức tâm thư của cô bé Nguyệt Linh được lan truyền trên mạng xã hội và nhận được nhiều ý kiến đồng tình. Nhiều ý kiến cho rằng đây là một bức thư với mong muốn hết sức cụ thể, thiết thực nhưng thể hiện được sự cấp bách về việc bảo vệ môi trường - điều vô cùng quan trọng nhưng những người lớn lại vô tình bỏ qua.

Bức thư như sau:

"Kính thưa thầy/cô Hiệu trưởng.

Con là Nguyễn Nguyệt Linh, chuẩn bị năm nay là con lên lớp 6. Năm lớp 5 con là học sinh 5M2, Trường Marie Curie Hà Nội.

Con biết là hằng năm khi bắt đầu khai giảng, nhà trường thường cho các lớp thả bóng bay lên trời.

Sau những thông tin con tìm thấy được thì bóng bay được làm từ nilon, tức là từ nhựa và khi thả bóng bay lên thì các chú chim hoặc các động vật khác khi nuốt vào, nó có thể bị chặn đường ruột và dẫn đến chết đói.

Còn khi bóng bay rơi xuống đất hoặc biển thì những chú rùa biển và các loài sinh vật biển khác được biết là đã bị nhầm lẫn giữa bóng bay và sứa biển. Ruy băng và dây buộc bóng có thể khiến chúng mắc kẹt và dẫn tới cái chết ạ.

Vậy nên bây giờ con nghĩ rằng trường mình có thể dừng thả bóng bay vào hôm khai giảng hoặc hạn chế số lượng bóng bay, có được không ạ?

Con chỉ muốn gửi thông điệp: “Thả bóng bay lên trời: bay cao ước mơ của các học sinh - giết ước mơ của bao chú chim và rùa biển”.

Hiện nay, thế hệ chúng con bắt đầu quan tâm đến các vấn đề liên quan đến môi trường. Con rất mong nhận được sự quan tâm và giúp đỡ của các thầy cô ạ.

Con xin chân thành cảm ơn!"

Nhân rộng những điều tốt đẹp

Rất nhiều người sau khi đọc bức thư của Nguyệt Linh đã vô cùng xúc động. Anh Nguyễn Văn Nam, giáo viên một trường tiểu học trên địa bàn Hà Nội chia sẻ: “Không ngờ một cô bé 11 tuổi đã có những suy nghĩ tích cực như vậy. Đã đến lúc chúng ta phải chung tay hành động rồi”.

xuc dong buc thu cua co be 11 tuoi xin dung tha bong bay trong ngay khai giang
Bức thư của nguyệt Linh đã gây xúc động đến nhiều người

Đặc biệt, thầy giáo Nguyễn Xuân Khang - Hiệu trưởng trường Marie Curie sau khi đọc bức thư, ngay trong tối 25/7 đã gửi thư hồi đáp tới Nguyệt Linh. Trong bức thư, thầy Khang cho biết thầy rất bất ngờ và xúc động vô cùng với ý tưởng: “Không thả bóng bay lên trời để bảo vệ môi trường”.

Thầy Khang cho rằng việc thả bóng bay ở lễ khai giảng, nhiều sự kiện ở trường đã thành một thói quen “sang trọng”. Nhưng không mấy ai nghĩ đến những hệ luỵ mà cô học sinh bé nhỏ Nguyệt Linh đề cập trong thư.

Bên cạnh đó, trong bức thư hồi đáp, thầy Khang khẳng định tất cả các thầy cô trường Marie Curie ủng hộ triệt để đề nghị của Nguyệt Linh: “Lễ khai giảng năm học sắp đến sẽ không còn bóng bay thả lên trời, nhưng tất cả thầy trò trường ta sẽ vui hơn rất nhiều. Thầy sẽ đặt tên cho lễ khai giảng năm học 2019 - 2020 là “Lễ khai giảng Nguyệt Linh” để ghi nhận ý kiến tuyệt vời của con. Thầy hy vọng việc làm có ý nghĩa tốt đẹp của thầy trò chúng ta sẽ được nhiều nơi hưởng ứng”.

Chia sẻ về việc làm của con, chị Nguyệt - mẹ Nguyệt Linh hiện đang là giảng viên một trường đại học cho biết, cách đây 1 năm, Linh theo dõi và biết đến những thông tin về hành trình xuyên Việt của nhiếp ảnh gia Nguyễn Việt Hùng – người đi gần 7.000 km bờ biển Việt Nam để chụp rác. Thích thú với vấn đề môi trường, Linh quyết tâm tìm hiểu thêm.

Cô bé tự làm clip, viết kịch bản rồi dựng thành phim để tuyên truyền và kêu gọi mọi người giảm thiểu việc sử dụng nhựa dùng một lần. Chị Nguyệt kể, thời gian gần đây nghe con gái than phiền vì sắp đến khai giảng và các trường sẽ lại thả bóng bay, vì vậy, chị đã gợi ý cho con có thể làm một điều gì đó để các trường không sử dụng bóng bay nữa.

Đầu tiên, hai mẹ con nghĩ đến phương án viết thư tay, nhưng sau đó Nguyệt Linh đã nảy ra ý tưởng viết thư rồi chuyển qua email để tránh lãnh phí giấy. Theo chị Nguyệt, Linh đã mất 3 ngày để hoàn thành các công đoạn từ viết thư và gửi đi. Đến giờ, đã có một số trường viết thư phản hồi và Linh rất vui về điều đó.

Được biết, nhiều năm trở lại đây, đề xuất không thả bóng bay trong dịp lễ khai giảng đã được một số trường học thực hiện, nhưng trên thực tế số lượng này là không nhiều. Trước đó, trường THPT Anhxtanh (Hà Nội) đã ra quyết định không cho phép học sinh thả bóng bay trong lễ khai giảng. Hoặc thay vì thả bóng, một số trường đã trồng cây, xếp hình bản đồ Việt Nam nhân dịp khai giảng…

Hi vọng rằng, trong thời gian tới, ý tưởng độc đáo của cô bé Nguyệt Linh sẽ được các trường học trên địa bàn Hà Nội nói riêng và các trường trên địa bàn cả nước nói chung nhiệt tình ủng hộ và thực hiện. Bởi, chỉ có hành động mới có thể làm nên sự thay đổi.

K.T

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này