Gặp vạ vì… ăn cho sướng miệng

08:49 | 22/01/2015
Cho dù được cảnh báo về những tác hại khi ăn uống một số loại thực phẩm nhưng điều lạ là nhiều người vẫn không quan tâm, vẫn ăn “nhiệt tình” theo sở thích. Hậu quả là đã có không ít người gặp tai vạ vì thói quen ăn uống kiểu vô tội vạ này: Nặng thì mất mạng, còn nhẹ thì ngộ độc, “tiền mất tật mang”!.

 Từ thuốc độc trở thành “thuốc quý”!

Đầu tiên phải nhắc đến “bài thuốc” từ mật cá trắm được mọi người truyền miệng, bày kinh nghiệm cho nhau về công dụng chữa các bệnh như: Nhức mỏi, giảm thị lực, hen, mề đay, đường ruột... mặc dù không có tài liệu khoa học nào chứng minh. Thế nhưng điều này đâu quan trọng, dân ta vẫn thường có thói quen ăn uống, sử dụng đồ nói chung theo kiểu truyền tai cho nhau như vậy. Hễ một vài người nói thực phẩm hay sản phẩm này tốt thì dần dần sẽ tạo thành “hiệu ứng đám đông” và nhiều người đều tin là tốt.

Chính vì những “niềm tin ngây thơ” đó mà không cần kiểm chứng độ chính xác, tính an toàn, hễ ai mách gì thì đều tin và áp dụng một cách vô điều kiện. ai thấy kiểu nào phù hợp với mình thì áp dụng tùy ý. Người dễ tính thì có thể “ăn sống nuốt tươi” luôn cả túi mật; người khó ăn hơn một chút thì pha với nước, rượu hoặc mật ong, đường...

Bệnh nhi bị ngộ độc mật cá trắm

57385

Bởi quá dễ dãi với sức khỏe của chính mình, của người thân nên nhiều người trong số đó đã lĩnh hậu quả: Mất tiền, thêm bệnh. Tại Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai từng cấp cứu một cháu bé 14 tuổi ở Bắc Ninh bị ngộ độc mật cá trắm trong tình trạng gan bị phá hủy, men gan tăng gần 200 lần so với bình thường; vàng da, mệt lả; đau dữ dội vùng thượng vị, nôn mửa, đi ngoài…

Theo mẹ cháu bé thì con chị vốn mắc bệnh đường ruột, chị nghe có người mách uống mật cá trắm sẽ khỏi nên chiều mùng 3 Tết, khi mổ con cá trắm nặng gần 4kg để nấu lẩu, chị đã chọc túi mật của con cá và hòa với đường trắng cho con uống. Khoảng 3 tiếng đồng hồ sau, cháu bé bắt đầu có dấu hiệu ngộ độc và được đưa đi cấp cứu.

Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cảnh báo, đến nay chưa có tài liệu khoa học nào khẳng định việc nuốt mật cá có tác dụng chữa bệnh mà thực tế rất nhiều trường hợp nuốt mật cá đã dẫn đến tử vong. Người dân tuyệt đối không sử dụng mật cá trắm dưới bất kỳ hình thức và mục đích nào vì độc tố chính trong mật cá trắm là một Alcol steroid có 27 C gây tổn thương chủ yếu là viêm gan, thận. Mật của cá trắm từ 3 kg trở lên thì chắc chắn gây ngộ độc, gây viêm thận cấp và có thể dẫn đến tử vong sau 2 ngày nếu không được cấp cứu, điều trị kịp thời.

 Dịch bệnh chỉ là chuyện nhỏ

Dễ dàng tin và làm theo những lời đồn thổi, truyền miệng vô căn cứ nhưng nhiều người lại không quan tâm, hoặc cố tình bỏ ngoài tai những lời khuyên đầy cơ sở khoa học và để tốt cho sức khỏe của họ. Đơn giản chỉ vì họ muốn làm theo điều mình thích, ăn món khoái khẩu có từ “ngàn xưa”.

Có thể dẫn chứng sinh động nhất là thói quen “ăn sống nuốt tươi” của người dân ở mọi vùng miền. Vùng núi thì thói quen ăn tiết canh ngựa, miền xuôi thì ăn tiết canh ngan, vịt, lợn, thậm chí cả tiết canh chó. Dẫu cho các cơ quan chức năng đã nỗ lực rất nhiều trong việc khuyên người dân nên từ bỏ thói quen này nhưng sự thay đổi nhận thức, hành vi chẳng được đáng là bao.

“Cúm gia cầm đang lan rộng ư?; liên cầu lợn, viêm não mô cầu à?... Không sao hết, lợn/ngan/vịt của nhà nuôi làm gì có bệnh. Món tiết canh lợn này phải ăn với gan hơ qua lửa nhưng ở trong vẫn còn đỏ tươi mới ngọt. Cứ ăn đi, có tí rượu vào vi trùng hay sán lá gan cũng…chết hết.”-Đó là những lối tư duy và lời bao biện của những “điếc không sợ súng” khi dịch bệnh đang tràn lan và rình rập.

Những thói quen có phần thiếu trách nhiệm với chính sức khỏe của mình đã được trả lời bằng hàng loạt các ca nhập viện, ca tử vong vì món ăn mang tên “tiết canh”. Tuy nhiên, để thay đổi nhận thức và hành vi của cộng đồng, bên cạnh những nỗ lực của các cơ quan chức năng trong việc tuyên truyền, truyền thông thì rất cần ở mỗi người dân ý thức trách nhiệm với sức khỏe của chính mình và gia đình để từ bỏ những thói quen trở thành “thâm căn cố đế”, rất có hại.

Phương An

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này