Cháy chợ, cơn ác mộng của tiểu thương

08:03 | 27/01/2015
Cháy chợ, chỉ 2 từ ấy đã đủ khái quát nỗi kinh hoàng và di chứng buồn mà nó để lại. Rất nhiều tiểu thương đã phải đối mặt với nợ nần, trắng tay chỉ sau một đêm. PV Báo Lao động Thủ đô đã tiếp xúc với nhiều tiểu thương rơi vào thảm cảnh này. Cháy chợ có muôn vàn nguyên nhân và hậu quả thì ai cũng biết, vậy nhưng cháy chợ vẫn xảy ra…

Bài 1: Nước mắt sau đống tro tàn

Kinh doanh trong môi trường có nguy cơ hỏa hoạn cao, không tham gia bảo hiểm cháy nổ nên khi xảy ra hỏa hoạn, tiểu thương phải lãnh trọn hậu quả. Bài học từ các vụ cháy chợ, trung tâm thương mại thời gian vừa qua có làm cho tiểu thương và nhà quản lý thức tỉnh.

Trắng tay

Cứ mỗi dịp tết, tiểu thương lại vay mượn, thu gom tiền chuẩn bị số lượng hàng lớn bán tết. Vậy nên, thời điểm giáp tết nếu xảy ra cháy nổ thì thiệt hại sẽ lớn hơn rất nhiều.

Ngồi trong cửa hàng với vài mặt hàng như chăn, nệm, thảm trải nhà giá rẻ, trong góc chợ Cầu Diễn (Bắc Từ Liêm), chị Nguyễn Thị Nhung buồn thiu và lo lắng về cuộc sống hiện tại. Đã hơn 1 tháng nay, chị không sao chợp mắt được vì không tin tai họa đổ ập lên đầu gia đình mình là sự thật. Ngày 3/12/2014, khi nghe tin chợ Cầu Diễn cháy đúng khu vực kinh doanh của nhà mình, chị hớt hải cùng gia đình chạy đến. Trước mắt chị một cảnh tượng kinh hoàng, đám lửa chẳng khác gì quái vật đang hung dữ thiêu sạch 2 ki ốt và 7 gian hàng của gia đình.

Lúc ấy, mấy mẹ con chị khóc ngất, chỉ muốn lao vào đống lửa để giành giật lại chút vốn liếng. May có người can ngăn, nếu không chị và người thân cũng cháy thành than, cùng với hơn tỷ đồng hàng hóa của mình. Bất lực, hai mẹ con chị chỉ biết ôm nhau, khóc nấc.

Chia sẻ với phóng viên báo Lao động Thủ đô, chị Nhung không giấu được nước mắt: “Gia đình tôi có gần chục người, người thì còn nhỏ, đau yếu, khiếm thị, người lại già nua. Tất cả chỉ trông cậy vào mấy gian kiot. Trước khi vụ

Chị Nguyễn Thị Nhung là một trong những người bị thiệt hại nặng nhất trong vụ cháy chợ Cầu Diễn

57689

57688cháy xảy ra, gia đình đã phải cầm cắm sổ đỏ, vay mượn hơn 1 tỷ đồng để gom hàng bán tết. Ấy vậy mà chỉ mới lấy hàng được vài hôm thì xảy ra vụ cháy. Tất cả hàng hóa chỉ còn là đống tro tàn. Không biết bao giờ gia đình mới trả được hết nợ?”.

Cũng theo chị Nhung, sau khi vụ cháy xảy ra, được sự động viên, hỗ trợ của gia đình, chính quyền địa phương và bạn hàng, chị mới gượng dậy được. Với số tiền ít ỏi, chị mua một ít hàng rẻ tiền về kinh doanh tạm thời trang trải cuộc sống. “Số tiền kiếm được từ gian hàng bây giờ không đủ để duy trì cuộc sống gia đình, chứ đừng nói đến việc trả nợ”, giọng chị Nhung nghẹn trong nước mắt.

Cũng bị thiệt hại nặng từ vụ cháy chợ Cầu Diễn, gia đình anh Nguyễn Việt Dũng bị cháy 2 kiot. Sau gần 2 tháng, chỉ 1 trong 2 kiot của gia đình anh được mở lại để kinh doanh. Buôn bán hàng mã, nên khi lửa cháy, gần như toàn bộ hàng bị thiêu rụi. Nghe tin cháy chợ ở phía gian hàng nhà mình, anh Dũng vội chạy đến, nhưng cũng bất lực, đứng nhìn toàn bộ tài sản của gia đình đang ngùn ngụt cháy. May mắn được chính quyền địa phương hỗ trợ 7,5 triệu đồng, vay mượn thêm nên gia đình anh cũng mở lại được một cửa hàng để kinh doanh. Theo anh Dũng, hiện tại cứ duy trì kinh doanh tạm thời, nợ nần sẽ cố gắng làm trả sau.

Vụ cháy chợ Xanh ngày 16/12/2013, đã có 30 kiot bị cháy, do sát tết nên các chủ kiot nhập rất nhiều hàng về để bán nên khi hỏa hoạn xảy ra, thiệt hại về tài sản rất lớn. Tay trắng và gánh theo món nợ lớn là thực trạng mà vợ chồng anh Dũng và rất nhiều tiểu thương khác ở đây đang phải đối mặt.

Giành giật mưu sinh

Đã hơn 1 tháng kể từ vụ cháy xảy ra nhưng giờ đây chợ Nhật Tân (đường Âu Cơ, Tây Hồ) vẫn chỉ là một đống hoang tàn. Theo ghi nhận, góc chợ Nhật Tân nơi xảy ra vụ cháy vào ngày 11/12/2014 vẫn bị niêm phong, đóng cửa. Bên cạnh gian hàng cháy xém, ám khói đen sì là đống quần áo, giày dép, giấy bóng, thùng các tông, kệ hàng vứt ngổn ngang.

Các tiểu thương tràn ra lòng đường vì không có chỗ bán hàng

Theo phản ánh cửa nhiều tiểu thương, sau vụ cháy, chợ chưa được sửa chữa, cơ quan chức năng cũng chưa bồi thường thiệt hại giúp người dân ổn định làm ăn. Chợ đóng cửa, tiền mất sạch, nhưng gánh nặng áo cơm, nợ nần buộc người dân tràn ra dọc hai bên đường kinh doanh.

Cô Công Thị Chúc (46 tuổi) kinh doanh nhỏ lẻ tại khu vực này chia sẻ: “Gian hàng trong chợ là miếng cơm manh áo hàng ngày của chúng tôi. Giờ chợ cháy, không có chỗ để kinh doanh, buôn bán nên bất đắc dĩ phải lấn chiếm lòng đường để kiếm miếng ăn. Bao nhiêu vốn liếng dồn hết vào trong gian hàng này nhưng chỉ vài phút đã bị lửa thiêu rụi thành đống tro tàn. Cuộc sống của tiểu thương nơi đây giờ rất khó khăn. Có những nhà thiệt hại đến cả tỉ đồng, có những hộ phải đi vay lãi để làm ăn, giờ đây cũng bị lửa thiêu rụi hết”.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, trong những vụ cháy chợ, trung tâm thương mại thời gian gần đây như chợ Xanh, Cầu Diễn, Nhật Tân, chợ Mới (Sóc Trăng), Ba Đồn (Quảng Bình), phố Hiến (Hưng Yên), TTTM Hải Dương… thiệt hại thường rất lớn từ vài chục đến vài trăm tỷ đồng. Tuy nhiên, hầu hết  tiểu thương đều không mua bảo hiểm cháy nổ nên bị rơi vào cảnh trắng tay, nợ nần. Bên cạnh đó, công tác bảo vệ cháy nổ hết sức sơ sài, không đảm bảo.

Đa phần những chợ, trung tâm thương mại bị hỏa hoạn trong thời gian qua đa phần đều kinh doanh những mặt hàng dễ cháy như vải vóc, giày da, hàng mã, hàng hóa vứt ngổn ngang, việc phòng cháy rất sơ sài, bình chữa cháy chỉ để cho có. Đa phần tiểu thương không được tập huấn, trang bị kiến thức trong việc phòng chống cháy nổ.

Những tiểu thương mà PV tiếp xúc đều không biết đến BHCN là gì, muốn tiếp cận nó ra sao. Mặc dù Nghị định số 130/2006/NĐ – CP ngày 08/11/2006 của Chính phủ; Nghị định số 118/2008/NĐ- CP ngày 27/11/2008 và Thông tư hướng dẫn số 220/2013/TT – BTC của Bộ Tài chính quy định về việc bắt buộc tham gia BHCN với các chợ và TTTM đã có hiệu lực.

Bài 2: “Giải pháp nào tránh nguy cơ mất trắng tài sản?”

Phước Long – Ngô Hùng – Kim Oanh

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này