Triển vọng nào cho du lịch Việt Nam?

17:08 | 18/07/2019
(LĐTĐ) Với những kết quả đã đạt được trong năm năm 2018, năm nay các chuyên gia nhận định, ngành Du lịch, lữ hành Việt Nam năm 2019 hứa hẹn sẽ tiếp tục tăng trưởng khi Việt Nam đang nổi lên là một điểm đến du lịch hấp dẫn trên thế giới.
trien vong nao cho du lich viet nam Du lịch Việt Nam năm 2019: Những kết quả ấn tượng
trien vong nao cho du lich viet nam Cơ hội lịch sử để quảng bá vẻ đẹp đất nước, con người Việt Nam

Bối cảnh và thách thức

Giới thiệu về Báo cáo thường niên Du lịch Việt Nam 2018, Ông Lê Tuấn Anh - Giám đốc Trung tâm Thông tin du lịch cho biết, theo đánh giá triển vọng kinh tế thế giới của Quỹ Tiền tệ Quốc tế IFM tháng 10/2018, đà tăng trưởng kinh tế tiếp tục được duy trì đối với các thị trường lớn như Mỹ, Trung Quốc, Ấn độ và Đông Nam Á, điều này có thể thúc đẩy sự phát triển du lịch khu vực.

Tầng lớp trung lưu với các khả năng chi tiêu ngày càng cao ở các thị trường mới nổi khiến thị trường nguồn du lịch quốc tế ngày càng đa dạng hơn, trong khi khả năng kết nối thuận tiện, mức giá du lịch ngày càng phù hợp và sự đổi mới sáng tạo của các dịch vụ du lịch tiếp tục thức đẩy sự phát triển của du lịch thế giới. Dự báo tăng trưởng khách du lịch đến châu Á và Thái Bình Dương khoảng 5-6% năm 2019 với tiềm năng đáng kể ở nhiều thị trường mới nổi và sự phát triển của nhiều điểm đến.

trien vong nao cho du lich viet nam
Ảnh minh họa (Bảo Thoa)

Khách du lịch Hàn Quốc đến Việt Nam có xu hướng tiếp tục tăng trưởng cao, cả về khách du lịch công vụ và khách du lịch tham quan, nghỉ dưỡng do kết quả của các hoạt động xúc tiến quảng bá, giao lưu, trao đổi thương mại, đầu tư, văn hóa, thể thao giữa hai nước; điểm đến đối với khách du lịch Hàn Quốc tại Việt Nam ngày càng đa dạng, trải đều các khu vực tại Việt Nam. Sự liên kết chặt chẽ hơn trong ASEAN khiến dòng khách trong khu vực có xu hướng tăng. Khách du lịch từ Bắc Mỹ và châu Úc ngày càng quan tâm đến Việt Nam.

Đối với hầu hết các thị trường, hình ảnh du lịch Việt Nam đang ngày càng hấp dẫn hơn do các hoạt động xúc tiến quảng bá thời gian qua; quan hệ gần gũi và chính sách thị thực nhập cảnh ngày càng thuận lợi của Việt Nam. Tuy nhiên, thị Trường khách du lịch trong khu vực cạnh tranh quyết liệt trong việc thu hút khách du lịch quốc tế thông qua các chính sách như tăng cường đầu tư xúc tiến quảng bá, phát triển sản phẩm, đẩy mạnh kết nối hàng không, tạo điều kiện thuận lợi về thị thực nhập cảnh. Biến đổi khi hậu, dịch bệnh có khả năng xuất hiện những diễn biến phức tạp, khó lường.

Riêng đối với Việt Nam, mức tăng khách du lịch cao liên tục trong 3 năm qua khiến năng lực, sức chứa tại một số trung tâm du lịch vào một số thời điểm trong năm qua vượt quá giới hạn. Khách du lịch tập trung quá đông tại một điểm đến gây ra tình trạng quá tải, lộn xộn, mất vệ sinh, không an toàn, không bảo đảm chất lượng dịch vụ, kiểm soát giá cả không chặt chẽ dẫn đến những ảnh hưởng tiêu cực đối với hình ảnh du lịch Việt Nam

Những xung lực tạo ra dư địa phát triển mới đang hình thành tại các địa bàn trọng điểm và các điểm đến phụ cận, có thể chưa đáp ứng ngay được yêu cầu tiếp tục tăng trưởng với tốc độ cao, bền vững.

Theo đánh giá của Diễn đàn kinh tế thế giới WEF, môi trường tự nhiên bị ô nhiễm, mức độ mở cửa quốc tế, hạ tầng dịch vụ du lịch của Việt Nam còn hạn chế so với yêu cầu phát triển. Chính sách, hoạt động quản lý du lịch, xúc tiến du lịch Việt Nam còn chưa thực sự linh hoạt, hiệu quả, tính kết nối đồng bộ chưa cao.

Tại cuộc họp báo về tình hình du lịch 6 tháng đầu năm 2019, ông Vũ Quốc Trí, Chánh Văn phòng Tổng cục Du lịch cũng cho rằng hoạt động du lịch thời gian qua còn bộc lộ những hạn chế cần tập trung khắc phục: Công tác bảo đảm an ninh, an toàn, vệ sinh môi trường vẫn còn nhiều thiếu sót, rác thải ô nhiễm, tai nạn ảnh hưởng đến an toàn của khách du lịch tại các điểm du lịch còn xảy ra, đặc biệt vào các dịp lễ hội, mùa cao điểm du lịch; ý thức chấp hành pháp luật của một số tổ chức, cá nhân trong hoạt động du lịch chưa cao.

Triển vọng 2019

Theo Tổng cục Du lịch, trong 5 tháng đầu năm 2019, khách quốc tế đến Việt Nam ước đạt gần 7,3 triệu lượt, tăng 8,8% so với cùng kỳ năm 2018. Khách du lịch nội địa ước đạt 38,5 triệu lượt, trong đó có 19,4 triệu lượt khách lưu trú; tổng thu từ khác du lịch ước đạt 285.700 tỷ dồng, tăng 9,8% so với cùng kỳ

Cả năm 2019, lượng khách quốc tế đến Việt Nam dự kiến sẽ tiếp tục tăng trưởng nhưng ở mức thấp hơn so với mức tăng của năm 2018 (19,9%) do bối cảnh, xu hướng quốc tế và lượng khách quốc tế đến Việt Nam đã đạt quy mô lớn hơn thời kỳ trước; tuy nhiên, vẫn sẽ cao hơn đáng kể so với tốc độ tăng trưởng bình quân thế giới là 3 - 4% và khu vực châu Á và Thái Bình Dương là 5-6% (theo dự báo của Tổ chức du lịch thế giới).

Đối với thị trường khách du lịch quốc tế: Trung quốc và Hàn quốc tiếp tục là hai thị trường nguồn lớn nhất của du lịch Việt Nam, tuy nhiên tăng trưởng từ thị trường Trung Quốc sẽ chững lại, khó có thể đạt được mức cao như năm 2017 và 2018. Bên cạnh đó thị trường Nhật, Đài Loan, Nga, ÚC, Đông Nam Á tiếp tục tăng trưởng tích cực. Thị trường Tây Âu và Mỹ tiếp tục duy trì mức tăng trưởng ổn định.

Ông Hà Văn Siêu - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch cho hay, trước tình hình giảm sút khách Trung Quốc, ngành du lịch đã tổ chức 3 cuộc họp với các doanh nghiệp khai thác thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản… để tìm biện pháp tăng trưởng lượng khách từ các thị trường này. Trong tháng 6 đã có 4 hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch Việt Nam ở Trung Quốc và Hàn Quốc, trong đó có 2 hội chợ ở Trung Quốc, 1 hội chợ ở Hàn Quốc.

Tổng cục Du lịch cũng đang trình lãnh đạo Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch để xin chuyển một số gói kinh phí cho thị trường Mỹ, Trung Đông sang cho thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc để đón đầu lượng khách từ hai quốc gia này, kỳ vọng quý IV sẽ khôi phục được lượng khách Trung Quốc đến Việt Nam, cũng như nhắm tới tăng trưởng thị trường khách du lịch các nước khối ASEAN.

Thị trường du lịch nội địa tiếp tục sôi động với hàng loạt các chương trình kích cầu du lịch của các hãng hàng không, các công ty lữ hành, cơ sở lưu trí… tốc độ tăng trưởng dự báo đạt khoảng 6,5-8,5%. Tổng thu từ khách du lịch dự báo tăng khoảng 10-12% so với năm 2018.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu cho rằng dù lượng khách quốc tế 6 tháng tăng 7,5% so với cùng kỳ năm 2018 song tổng thu từ khách du lịch tăng 8,4%. Điều này cho thấy chất đã tăng nhanh hơn lượng, là một điều đáng mừng. Mặt khác, bên cạnh chỉ tiêu về con số khách du lịch, còn có các chỉ tiêu về chất lượng dịch vụ, môi trường… Tuy nhiên, ông cũng cho rằng trong 6 tháng cuối năm, ngành du lịch cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa để đạt mục tiêu tăng trưởng đã đề ra.

Chánh Văn phòng Tổng cục Du lịch Vũ Quốc Trí cũng cho biết, hoạt động du lịch 6 tháng đầu năm đã đạt khoảng 47% kế hoạch năm 2019, do đó, trong 6 tháng cuối năm, ngành cần nỗ lực hơn nữa để đạt mục tiêu Chính phủ đề ra. Dự kiến năm 2019, ngành du lịch sẽ đón, phục vụ khoảng 17,5 - 18 triệu lượt khách quốc tế, 85 triệu lượt khách nội địa; tổng thu từ khách du lịch phấn đấu đạt 700.000 tỉ đồng.

Bảo Thoa

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này