Yêu thương không chỉ trên bục giảng

06:58 | 31/01/2015
Đối với những học trò có hoàn cảnh khó khăn, bên cạnh việc truyền đạt kiến thức, các thầy cô còn dành cho các em thêm sự giúp đỡ, động viên, chia sẻ. Tấm lòng nhân ái của các thầy cô là điểm tựa, tạo động lực giúp các em vượt qua khó khăn, nỗ lực học tập, vươn lên trong cuộc sống.

Mỗi trò là một công thức riêng biệt

Hàng nghìn học sinh là hàng nghìn cá nhân có cá tính, hoàn cảnh gia đình khác nhau. Mong muốn của nhà trường và gia đình là giáo dục như thế nào để các em trở thành học sinh giỏi nhưng trước tiên phải là một con người trưởng thành cả về thể chất và tư duy. Câu hỏi này khiến những thầy cô tâm huyết luôn đau đáu trong quá trình theo đuổi nghề giáo.

Cô Hà Ngọc Thủy, giáo viên Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm chia sẻ, cô đã từng suýt từ bỏ làm công tác chủ nhiệm lớp. “Tôi dạy, học sinh làm việc riêng. Tôi nói, học sinh nói to hơn. Tôi quát, nhiều trò nghênh cái mặt lên, rồi ngay sau đó úp mặt xuống bàn không ghi bài…Thậm chí thầy cô bộ môn nào tôi hỏi về tình hình lớp cũng lắc đầu nói: Dạy lớp này mệt lắm!”, cô Thủy nhớ lại. Một kế hoạch chi tiết được cô Thủy vạch ra để giáo dục những học sinh chậm tiến là yêu thương, nghiêm khắc, bao dung… Năm học kết thúc, cô Thủy nhận được lời nhắn: “Cô ở lại làm mẹ chúng con đi”. Nhiều nhân vật “cộm cán” ở lớp từ nguy cơ lưu ban đã thành sinh viên đại học. Thành quả cô được nhận là niềm vui, còn trò nhận được là cả một tương lai tươi sáng.

 “Không có công thức nào chung cho cả lớp mà mỗi trò là một công thức riêng biệt”. Đó là đúc kết kinh nghiệm của cô giáo Tạ Thị Vĩnh Hà, Chủ tịch CĐ Trường THCS Nam Trung Yên (Cầu Giấy) sau nhiều năm dạy dỗ các học trò đặc biệt này. Theo cô Hà, mọi việc làm của người thầy đều xuất phát từ tình yêu thương các em, coi các em là con của mình, thậm chí thấy thương hơn vì nhiều em sống thiếu vắng bố, mẹ. “Cách làm của tôi là phải biết bỏ qua những gì các em chưa làm mình vui, lấy tình yêu thương, sự chia sẻ để dạy dỗ các em. Đặc biệt, mỗi năm học tôi đều có một cuốn sổ bí mật ghi chép từng trò. Những mặt tốt, mặt chưa tốt của các em và cả phương pháp uốn nắn các em tôi đều ghi lại”.

Còn theo cô Trần Bích Hạnh, giáo viên một trường THPT, người có 16 năm kinh nghiệm làm công tác giảng dạy và làm chủ nhiệm: “Không có học sinh cá biệt, chỉ có những học sinh cá tính, hãy kiềm chế không nóng vội để luôn tôn trọng học sinh. Đừng gán nhãn xấu cho học sinh, hãy tự đặt mình vào vị trí của học sinh để hiểu và thấu cảm. Hãy đối xử với học sinh bằng sự bao dung của người cha, sự nhân từ của người mẹ, sự gần gũi như người chị và thân thiết giống người bạn. Hãy thu phục, cảm hóa học trò bằng chính trái tim mình.

Tăng cường công tác tư vấn tâm lý học sinh

Đề cập đến việc giáo dục trẻ có hoàn cảnh đặc biệt, thầy Đàm Tiến Nam, Phó hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm cho biết, có những học sinh do hoàn cảnh đặc biệt của gia đình, học hành sa sút, quậy phá, chơi bời, không thiết tha học tập và rèn luyện. Cũng có những HS không tìm thấy động cơ phấn đấu, chán nản vì gia đình đổ vỡ, cha mẹ mải lo làm ăn, thiếu quan tâm. Nhiều học sinh bị chấn thương tâm lý do đời sống hiện đại mang lại… Nhiều nơi các học sinh này được gọi chung là “HS cá biệt”, nhưng ở trường chúng tôi lại coi đó là những HS “cần quan tâm đặc biệt”. Quan tâm đặc biệt để hiểu, để chia sẻ với những khó khăn của các con để giúp đỡ các con tiến bộ. Đây cũng là phương châm hành động của giáo viên trường chúng tôi. Các thầy cô,đặc biệt là các thầy cô chủ nhiệm ở trường đã chăm lo, làm việc vì học sinh không chỉ tính bằng những giờ đứng trên bục giảng.

Trước sẻ chia về những khó khăn, vất vả để chăm lo từng học sinh chưa ngoan của các giáo viên chủ nhiệm, ông Phạm Ngọc Tuấn, Trưởng phòng Công tác HS-SV (Sở GD-ĐT Hà Nội) cho rằng, việc giáo dục đạo đức học sinh đang được Sở quan tâm và kết quả từ thực tế giảng dạy trong các trường học sẽ được nhân rộng. Có thể thấy, bên cạnh việc dạy kiến thức thì làm sao để hoàn thiện nhân cách, lối sống của học sinh vẫn đang bị coi nhẹ, trong khi đây mới là điều mà phụ huynh mong mỏi. Đấy là chưa kể các vấn đề về sức khỏe tâm thần của học sinh cũng ngày càng phức tạp. “Trong khi các hiện tượng rối nhiễu tinh thần ở học sinh như tăng động, trầm cảm, tự kỷ… ngày càng tăng trong các trường học thì việc bố mẹ, thầy cô phát hiện ra thường ở giai đoạn muộn, khó can thiệp hiệu quả. Đây cũng là nguyên nhân phát sinh những hành động thiếu suy nghĩ, gây hại cho bản thân học sinh cũng như bạn bè. Điều này rất cần các thầy cô quan tâm và có phương pháp để nhận biết sớm những học sinh có triệu chứng này bởi đã có những trường hợp không phát hiện kịp thời dẫn tới hậu quả đau lòng”, ông Phạm Ngọc Tuấn đề nghị.

Còn theo ông Nguyễn Hiệp Thống, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, Hà Nội đang khuyến khích và đặt ra định hướng có biên chế cho cán bộ tâm lý trong nhà trường. “Các trường chất lượng cao, tiến tới gồm cả trường chuẩn quốc gia đều phải có văn phòng tư vấn tâm lý với cán bộ có chuyên môn sâu. Hiện một số trường ở Hà Nội đã phát triển bền vững hoạt động này và đem lại hiệu quả cao”, ông Thống chia sẻ.

K.Thoa

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này