Đánh tráo nguồn gốc xuất xứ:

Thiệt hại không chỉ thuộc về doanh nghiệp

13:58 | 12/07/2019
(LĐTĐ) Thời gian qua, liên tiếp các thương hiệu nổi tiếng của Việt Nam như Khai Silk, Asanzo, Sunhouse… bị phát hiện có hành vi lừa dối người tiêu dùng khi áp dụng phương thức kinh doanh “treo đầu dê bán thịt chó”. Từ những sự vụ trên cho thấy, hiện ở Việt Nam nhiều doanh nghiệp đang tận dụng kẽ hở pháp luật để đưa ra những thông tin mù mờ, đánh lừa người tiêu dùng, khiến thị trường xuất hiện nhiều sản phẩm “bát nháo” về nguồn gốc, chất lượng…
thiet hai khong chi thuoc ve doanh nghiep Tạo đột phá trong truy cứu nguồn gốc sản phẩm
thiet hai khong chi thuoc ve doanh nghiep Chấn chỉnh tình trạng kinh doanh thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ
thiet hai khong chi thuoc ve doanh nghiep Xe nhập tăng đột biến, Hải quan yêu cầu "truy" nguồn gốc xuất xứ

Thị trường đang “bát nháo” nguồn gốc xuất xứ

Những năm qua, trong khi các bộ, ban, ngành tập trung triển khai, phát động Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” với mục đích khuyến khích, kêu gọi người Việt dùng hàng Việt. “Chung tay” cùng vào cuộc với các cơ quan chức năng, không ít các doanh nghiệp Việt đã nhanh chân tập trung khai thác thị trường nội địa, một miếng bánh “béo bở” mà họ đã bỏ quên từ lâu.

thiet hai khong chi thuoc ve doanh nghiep
Thương hiệu doanh nghiệp bị ảnh hưởng sẽ ảnh hưởng đến uy tín quốc gia

Thế nhưng, bất chấp sự nỗ lực của các cơ quan nhà nước, sự vào cuộc của các doanh nghiệp làm ăn chân chính… hiện, nhiều người Việt, bất chấp già, trẻ, lớn, bé đều mang tâm lý xính ngoại. Bởi thế, chỉ cần dạo qua một vài trung tâm mua sắm, một vài con phố nhỏ, không khó để chúng ta bắt gặp nhiều người tiêu dùng “khoác" lên mình những sản phẩm mang “thương hiệu” châu Âu, Mỹ, Nhật… dù nó được làm giả, làm nhái. Bởi thế, có một thời gian “hàng hiệu xách tay” trở thành “hàng hót” được nhiều người dân săn đón.

Tất nhiên, khi xã hội có nhu cầu thì mới có hàng xách tay, nhưng nó không phải hàng nhập khẩu nên không hải quan, không thuế vụ, không kiểm dịch… có trời mới biết xuất xứ thật, trong khi đó giá cả mỗi người một giá…

Cũng chính bởi tâm lý “xính ngoại” này, vô tình tạo ra cơ hội để một số doanh nghiệp, nhà sản xuất nắm bắt “thị hiếu” rồi lao vào sản xuất hàng giả, hàng nhái bất chấp mọi thủ đoạn. Từ đây, nhiều thủ phủ hàng nhái mọc lên tấp nập, lợi nhuận mang lại hàng nghìn tỉ đồng như ở Thổ Tang (Vĩnh Phúc); Ninh Hiệp (Gia Lâm, Hà Nội); La Phù (Hà Đông, Hà Nội); Phú Xuyên (Hà Nội)…

Trong khi hàng giả, hàng nhái trong nước còn đang bị “ngớ lơ” bởi các cơ quan chức năng, thì có một giai đoạn hàng Trung Quốc giá rẻ bất ngờ “bùng nổ” và chiếm được rất nhiều “thiện cảm” của người tiêu dùng Việt nhờ giá rẻ, mẫu mã phong phú… Tuy nhiên, “làn sóng” hàng Trung Quốc giá rẻ cũng chỉ tồn tại được một thời gian ngắn, rồi dần dần vấp phải sự tẩy chay của người Việt do chất lượng sản phẩm, cùng sự vào cuộc mạnh mẽ của các cơ quan chức năng trong việc xây dựng, khẳng định lại thương hiệu Việt.

Nhờ cách làm đúng đắn, chỉ một thời gian ngắn hàng loạt các chương trình “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, hàng Việt Nam chất lượng cao, thương hiệu Việt ra đời… đã và đang gây được thiệt cảm với người tiêu dùng. Tuy nhiên, từ Cuộc vận động nhiều doanh nghiệp Việt đã lợi dụng kẽ hở của luật pháp, lợi dụng sự mập mờ, chưa rõ ràng trong các quy định về nguồn gốc xuất xứ sản phẩm… đặc biệt là sự nóng vội, đi tắt đón đầu lừa dối người tiêu dùng, trà trộn, nhập khẩu hàng Trung Quốc xóa nhãn mác, gắn mác hàng xuất xứ tại Việt Nam và bán cho người Việt. Qua đó, tạo nên một thị trường “bát nháo” về nguồn gốc xuất xứ…

Không chỉ là thương hiệu của doanh nghiệp…

Từ sự “bát nháo” về nguồn gốc xuất xứ sản phẩm mang nhãn hiệu “made in Việt Nam”, quay trở lại câu chuyện của thương hiệu Khai Silk 2 năm về trước. Sau khi bị dư luận “phanh phui” trà trộn khăn lụa Trung Quốc nhiều người mới giật mình nhìn lại và đặt câu hỏi, vì sao một doanh nghiệp không có vùng nguyên liệu dâu tằm, không có nhà máy dệt lụa, nhưng vẫn có lụa Việt Nam để bán? Cuối cùng, hóa ra là mua lụa Trung Quốc, bóc nhãn mác và cài nhãn mác Việt Nam để lừa dối người tiêu dùng. Nhưng vì sao thương hiệu này vẫn có thể tồn tại hàng chục năm?.

Trong khi câu chuyện về thương hiệu Khai Silk vẫn chưa được xử lý, mới đây, Asanzo bán tivi Trung Quốc nhưng gắn mác hàng Việt Nam; Sunhouse - một thương hiệu lớn về đồ gia dụng tại Việt Nam cũng bị người tiêu dùng phát hiện bán nồi cơm điện Trung Quốc dán nhãn hàng Việt thêm một lần nữa khiến dư luận hết sức bất bình và mất lòng tin vào thương hiệu Việt…

Từ những câu chuyện trên có thể thấy, chuyện đánh tráo nguồn gốc xuất xứ hàng hóa đang diễn ra ngang nhiên, dễ dàng mà không bị phát hiện. Trước vấn đề này, theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, một phần là do trách nhiệm của các nhà quản lý, nhưng một phần là do đạo đức, mánh khóe của doanh nghiệp. Thực tế cho thấy, hiện không có nhiều doanh nghiệp Việt có thể làm chủ được công nghệ, cũng như không thể thiết kế được sản phẩm… nên phải nhờ toàn bộ nhà cung cấp làm cho. Và để giảm chi phi, các doanh nghiệp thường lựa chọn nhà cung cấp từ Trung Quốc.

Khi đặt hàng, doanh nghiệp có thể đặt nhà cung cấp sản xuất ra những sản phẩm như tivi, nồi cơm điện, bình lọc nước… hoàn chỉnh, nhưng không lắp thành sản phẩm mà để ở dạng rời, đóng gói xuất về Việt Nam, sau đó mới lắp ráp. Những sản phẩm này còn được nhà sản xuất đánh dấu sẵn vị trí, để khi về cứ nhìn vào đó mà vặn ốc vít cho thuận tiện. Thậm chí cả bao bì, muốn in tiếng Việt như thế nào, họ cũng sẵn sàng làm hết.

Khi về Việt Nam, các sản phẩm này nhanh chóng được khoác lên mình một nguồn gốc xuất xứ mới. Do đó, cái chết ở đây là cứ bóc nhãn mác Trung Quốc để ghi nhãn mác Việt Nam vào, thậm chí, nhiều doanh nghiệp còn gửi hồ sơ xin công nhận là hàng Việt Nam chất lượng cao. Vì sao phải làm như vậy? Bởi vì như vậy mới bán được hàng, lợi nhuận sẽ cao hơn, vì người tiêu dùng Việt hiện vẫn có tâm lý “tránh” hàng Trung Quốc. Hơn nữa, khi nhập linh kiện về lắp ráp thì được hưởng thuế thấp hơn nhập sản phẩm nguyên chiếc…

Tinh vi hơn, nhiều doanh nghiệp sử dụng “mánh khóe”, lợi dụng câu chữ, từ ngữ mơ hồ để đánh lừa người tiêu dùng như sử dụng công nghệ Nhật Bản, công nghệ, Đức, Mỹ… nhưng từ ngữ “công nghệ” trở nên quá mơ hồ đối với người tiêu dùng Việt.

Thực tế, trên thế giới chỉ có công nghệ của các nước phương Tây, còn lại là cả thế giới làm theo nên khi giới thiệu công nghệ nước này, công nghệ nước kia là vô nghĩa. Cái người tiêu dùng cần được biết là hàng hóa này chính xác sản xuất ở đâu, làm ra từ doanh nghiệp nào… chính bởi sự nhập nhèm đó, các doanh nghiệp đã lợi dụng lừa dối người tiêu dùng, thậm chí gian lận những khoản thuế lớn.

Liên quan đến vấn đề trên, mới đây đại diện Bộ Công Thương cho biết, hiện tượng gian lận thương mại thông qua ghi nhãn xuất xứ hàng hóa sản xuất tại Việt Nam ngày càng gia tăng. Nhiều sản phẩm, hàng hóa được nhập khẩu từ nước ngoài, hoặc đặt gia công tại nước ngoài, nhưng lại gắn mác là hàng Made in Vietnam để gian lận thương mại, lừa dối người tiêu dùng.

Có thể thấy, trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt hiện nay, doanh nghiệp muốn tồn tại và phát triển bền vững chỉ có một con đường duy nhất là kinh doanh có đạo đức. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng nhấn mạnh rằng “Văn hóa doanh nghiệp không chỉ là hình ảnh doanh nghiệp mà còn là hình ảnh quốc gia”.

Bởi thế, doanh nghiệp bước vào thương trường nếu không coi trọng văn hóa kinh doanh, làm ăn chụp giật, đánh lừa người tiêu dùng đều sẽ gây tổn hại đến môi trường hợp tác, cạnh tranh kinh doanh chung, làm giảm hiệu quả của chính sách điều hành kinh tế và tạo tâm lý xa lánh sản phẩm hàng hóa Việt Nam…

Đỗ Đạt

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này