Dân số Việt Nam đạt ngưỡng 96 triệu dân: Câu chuyện của hiện tại và tương lai

13:58 | 12/07/2019
(LĐTĐ) Vào đúng Ngày dân số thế giới, Việt Nam đã công bố kết quả Tổng điều tra dân số trên địa bàn cả nước. Theo đó, tính đến thời điểm 0h ngày 1/4/2019 dân số nước ta là 96,208,984 người, trong số đó dân số nam là 47,881,061 người (chiếm 49.8%) và dân số nữ là 48,327,923 người (chiếm 50,2%).
dan so viet nam dat nguong 96 trieu dan cau chuyen cua hien tai va tuong lai Dân số Hà Nội vượt 8 triệu người
dan so viet nam dat nguong 96 trieu dan cau chuyen cua hien tai va tuong lai Quận Ba Đình mít tinh hưởng ứng ngày Dân số Thế giới
dan so viet nam dat nguong 96 trieu dan cau chuyen cua hien tai va tuong lai Hà Nội mít tinh kỷ niệm Ngày Dân số thế giới 11/7

Với kết quả này, Việt Nam là quốc gia đông dân thứ 15 trên thế giới và thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á (sau Indonesia và Philippines). So với năm 2009, vị trí xếp hạng về quy mô dân số của Việt nam trong khu vực Đông Nam Á không thay đổi và giảm hai bậc so với các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

dan so viet nam dat nguong 96 trieu dan cau chuyen cua hien tai va tuong lai
Dân số gia tăng đang gây áp lực rất lớn về hạ tầng lẫn xã hội đối với TP Hà Nội.

Những con số “biết nói”

Đây là những thông tin được đưa ra tại Lễ mít tinh kỷ niệm Ngày Dân số thế giới (11/7) với chủ đề: Việt Nam - 25 năm thực hiện Chương trình hành động Hội nghị Quốc tế về Dân số và Phát triển (ICPD Cairo, 1994), do Tổng cục DS-KHHGĐ (Bộ Y tế) tổ chức sáng 11/7.

Trong những năm qua, các cấp uỷ Đảng, chính quyền từ Thành phố đến cơ sở đã kiên trì chỉ đạo công tác dân số, đầu tư cho mục tiêu ổn định quy mô, cơ cấu dân số, từng bước nâng cao chất lượng dân số, đáp ứng nguồn nhân lực chất lượng cao cho thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa Thủ đô và đất nước.

Trong suốt 25 năm qua, công tác Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần to lớn vào công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tốc độ gia tăng dân số được khống chế thành công.

Số con trung bình mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ đạt mức sinh thay thế 2,09 con năm 2006 và tiếp tục được duy trì cho đến nay.

Phát biểu tại Lễ mít tinh, GS.TS Nguyễn Viết Tiến - Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế cho biết, tại Việt Nam, với sự quan tâm, chỉ đạo và đầu tư của Đảng và Nhà nước, sự phối hợp và hỗ trợ của Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc tại Việt Nam (UNFPA), các tổ chức quốc tế và chính phủ nhiều nước, công tác dân số Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, đóng góp quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội.

Tốc độ tăng dân số bình quân hàng năm 1,7%/năm giai đoạn 1989-1999 đã giảm xuống dưới 1,2% giai đoạn 1999-2009 và khoảng 1% giai đoạn từ 2010 đến nay. Dân số trong độ tuổi lao động (15-64 tuổi) tăng từ 56,1% lên 68,4%.

Đặc biệt, từ năm 1993 đến nay, chiều cao trung bình của thanh niên Việt Nam tăng thêm 3cm, đạt 164cm ở nam và 153cm ở nữ. Tuổi thọ trung bình tăng từ 65,5 tuổi năm 1993 lên 73,5 tuổi năm 2018, cao hơn hẳn các nước có cùng mức thu nhập bình quân đầu người.

Dịch vụ dân số được mở rộng, chất lượng ngày càng cao. Các dịch vụ nâng cao chất lượng dân số như khám sức khỏe trước hôn nhân; tầm soát, chẩn đoán và điều trị sớm các bệnh, tật trước sinh và sơ sinh được triển khai, từng bước mở rộng. Dịch vụ chăm sóc người cao tuổi, cũng như các dịch vụ phục vụ nhu cầu của người cao tuổi bước đầu phát triển.

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế, hiện Việt Nam phải đối mặt với rất nhiều thách thức cần vượt qua như: Mức sinh còn chênh lệch lớn giữa các khu vực và đã xuất hiện tình trạng mức sinh giảm quá thấp ở một số khu vực; tỷ số giới tính khi sinh tăng nhanh và đã ở mức nghiêm trọng.

Những lợi thế của cơ cấu "dân số vàng" mang lại chưa được khai thác tốt. Bên cạnh đó, già hóa dân số và nhu cầu chăm sóc người cao tuổi tăng nhanh nhưng chưa có chiến lược thích ứng phù hợp; phân bổ dân số chưa hợp lý, quản lý dân cư phân tán, lạc hậu…

Bởi vậy, GS.TS Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế cho biết: Thiết thực hưởng ứng Ngày Dân số thế giới năm nay, Việt Nam cam kết tiếp tục triển khai các ưu tiên quốc gia theo tinh thần của Hội Nghi Dân số và Phát triển. Đây chính là một thách thức lớn nhưng lại là một trong những hình thức đầu tư mang lại hiệu quả cao với chi phí thấp nhất.

Lãnh đạo Bộ Y tế tin tưởng rằng, với việc điều chỉnh chính sách phù hợp, dân số nước ta sẽ tiếp tục có những thay đổi về nhân khẩu học theo hướng tích cực (cả về quy mô, chất lượng dân số, đặc biệt có những thay đổi mạnh về cơ cấu dân số và phân bố dân cư) tạo ra những tiền đề thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nhanh và bền vững.

Đầu tư cho công tác dân số là đầu tư cho phát triển

Cũng theo các chuyên gia y tế, công tác dân số là công tác vừa có tính cấp bách vừa là chiến lược, lâu dài. Đầu tư cho công tác dân số là đầu tư cho con người, đầu tư cho phát triển. Vấn đề dân số không phải là vấn đề có thể nhìn thấy được ngay như các vấn đề điều trị bệnh trong y tế, vấn đề môi trường... Giải quyết vấn đề trong dân số không thể một sớm một chiều có thể giải quyết được, đó là vấn đề phải giải quyết lâu dài.

Phát biểu chỉ đạo tại Lễ mít tinh, Ông Uông Chu Lưu - Ủy viên BCH Trung ương, Phó Chủ tịch Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam cho biết, nhận thức đầy đủ và sâu sắc những thách thức và yêu cầu đặt ra đối với công tác dân số trong những mối quan hệ hữu cơ với sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh của đất nước trong tình hình mới, Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 6 khóa XII đã có Nghị quyết số 21 về công tác dân số trong tình hình mới.

Nghị quyết đề ra hệ thống các quan điểm, mục tiêu và giải pháp có tính bước ngoặt trong chính sách dân số nước ta cho giai đoạn tới, hướng đến duy trì mức sinh thay thế, đưa tỷ lệ giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên, khai thác tối đa lợi thế cơ cấu dân số vàng, thích ứng với già hóa dân số, phân bổ dân cư hợp lý và nâng cao chất lượng dân số.

Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh: Mục tiêu, nhiệm vụ của công tác dân số trong thời gian tới hết sức nặng nề. Do đó, để thực hiện thành công Nghị quyết 21, đạt được các mục tiêu đề ra, ông Uông Chu Lưu yêu cầu các cấp ủy Đảng, chính quyền cần quan tâm hơn nữa tới việc lãnh đạo, chỉ đạo, đầu tư cho công tác dân số.

Trọng tâm, cần quán triệt sâu sắc Nghị quyết 21 và Nghị quyết 137, đề ra các chủ trương, kế hoạch thực hiện phù hợp với tình hình cụ thể của ngành, địa phương; thường xuyên đôn đốc, kiểm tra quá trình thực hiện. Trước mắt, cần khẩn trương xây dựng ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các đề án đã được phân công trong chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 21 và Nghị quyết 137.

Đối với Bộ Y tế, Tổng cục DS – KHHGĐ, đơn vị có chức năng quản lý và tổ chức thực hiện công tác dân số cần nhanh chóng củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy và cán bộ làm công tác dân số từ Trung ương đến địa phương theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; tích cực tham mưu, đề xuất các chính sách, chiến lược, kế hoạch về công tác dân số; tổ chức thực hiện tốt các chiến lược, kế hoạch và chính sách nhằm đưa nội dung của Nghị quyết 21 thành thực tế sinh động.

"Tôi tin tưởng sâu sắc rằng, với những thành công và bài học kinh nghiệm quý báu thu được về công tác dân số trong thời gian qua, trên cơ sở thống nhất nhận thức và hành động của toàn Đảng, toàn dân về nội dung và nhiệm vụ công tác dân số trong thời gian tới, chúng ta sẽ tiếp tục thành công trong công tác dân số, góp phần phát triển bền vững đất nước, hiện thực hóa khát vọng đưa đất nước "hóa rồng"", Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh.

Tuy nhiên, với dân số vượt ngưỡng 96 triệu người, trong bối cảnh tài nguyên thiên nhiên ngày càng cạn, biến đổi khí hậu ở mức khó lường, tốc độ tăng dân số cơ học tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh đang đặt chúng ta trước những bài toán tầm vĩ mô cả ở hiện tại, lẫn tương lai.

Minh Khuê

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này