Chợ cổ hồn quê

05:53 | 09/02/2015
Hà Nội hiện có những phiên chợ tết độc đáo mà mỗi năm chỉ có một lần. Những phiên chợ ấy mang đậm phong vị nơi đất kinh kỳ phồn hoa nhưng vẫn phảng phất chất quê

Chợ Ngái họp từ năm cũ sang năm mới

Mỗi khi gió lạnh lùa về, mưa bụi lất phất bay bên thềm cửa, cây mai cây đào trong vườn nhà đã lác đác bung hoa thì cũng là lúc nhiều người dân làng Ngái, xã Hương Ngải, huyện Thạch Thất vẩn vơ nhớ về phiên chợ quê mình. Thuở trước, khi cái ăn, cái mặc còn phải lần hồi thì những phiên chợ Ngái cuối năm là dịp cả làng nô nức, vui tươi và no đủ nhất. Cho đến tận bây giờ, cho dù đã đi qua bao năm tháng đổi thay, nhưng phiên chợ độc đáo này vẫn còn giữ nguyên phong vị đặc trưng, không pha trộn.

Chợ Ngái có 5 phiên. Chợ vàng mã, chợ lá dong, chợ hàng cam, chợ hàng cá, chợ hàng gà, nghe tên đã thấy mộc mạc, thân thương. Cụ Nguyễn Quý Thao, 81 tuổi, người gốc làng Ngái kể: “Phiên chợ vàng mã họp sáng 16 tháng chạp, bán mua vàng mã để chuẩn bị cho ngày tiễn ông Công-ông Táo về trời. Phiên chợ lá dong diễn ra vào ngày 21 tháng Chạp. Người dân đem lá dong, lạt nứa ra chợ mua bán để chuẩn bị gói bánh chưng  tết, cả chợ như nhuộm nguyên màu xanh mướt của lá dong. Kế đến là phiên chợ hàng cam họp vào ngày 26 tháng chạp, mua bán các loại hoa quả để bày biện mâm ngũ quả. Phiên chợ hàng cá họp vào ngày mùng 3 Tết, người dân mua bán các loại cá để làm cỗ cúng đầu năm. Phiên chợ hàng gà họp đúng sáng mùng 6 Tết, chuyên mua bán gà, chuẩn bị cho lễ hạ cây nêu mùng 7 tháng Giêng.

Chợ Ngái bây giờ không còn họp trên khu đất trống như xưa nữa mà đã được xây cất, quy hoạch cẩn thận. Những hôm họp chợ hàng hóa xếp chật kín. Người dân các xã lân cận như Chàng Sơn, Lại Thượng, Phùng Xá  biết tiếng chợ Ngái cũng tìm đến đây.

Ngày nay, khi đời sống kinh tế đã đổi thay, cái ăn cái mặc không còn phải lo toan như trước nhưng chợ Ngái vẫn giữ được hồn cốt xưa. Để phục vụ nhu cầu của người dân, chợ Ngái giờ còn có thêm cả dãy hàng rau củ quả, đồ khô. Đối với mỗi người dân làng Hương Ngải, dù đi đâu vẫn luôn nhớ về phiên chợ đã nuôi dưỡng họ trong những ngày thơ ấu.

Chợ Nủa may mắn

Đi ngược đại lộ Thăng Long chừng 20 phút  xe  máy, rẽ vào hướng chùa Tây Phương qua  trung tâm huyện Thạch Thất chừng 3 km, là đến chợ Nủa.  Trong cái rét ngọt đầu xuân, chúng tôi dường như lạc giữa một khu chợ tết đầu thế kỷ trước. Nửa quen nửa lạ, hình ảnh những phiên chợ tết từ ký ức lại ùa về. Chúng ta có thể gặp ở chợ Nủa những bà cụ áo nâu sồng, miệng bỏm bẻm nhai trầu, chào hỏi nhau bằng những câu dân dã mà đã từ lâu lắm không được nghe.  

Anh Nguyễn Đức Trường sắm đồ lễ ngày tết ở chợ Nủa

58439

Chợ Nủa nằm trên một gò đất rộng 3,2 mẫu, gần đường lớn xuyên qua xã Bình Phú. Phiên chợ Nủa cuối năm luôn đông nghẹt người và mang một không khí rất riêng.  Câu chuyện truyền miệng từ thời xa xưa kể lại thì chợ Nủa bắt nguồn từ phong tục người phụ nữ đi chợ thường mua sắm rau quả cùng những đồ trang trí trong nhà, còn đàn ông mua những đồ bằng sắt hoặc nông cụ lao động. Dần dần, thói quen ấy thành nếp, dù chẳng cần nông cụ gì nhưng bây giờ đàn ông vẫn đến chợ Nủa mua vài ba món đồ ấy cầu may, mong sức khỏe. Theo lề lối từ ngàn xưa, cứ ngày 2,  ngày 7 là chợ họp. Tính ra, cả tháng có 6 phiên họp trong buổi sáng và cả năm chỉ có 3 phiên quan trọng kéo dài sang nửa buổi chiều ấy là phiên chợ tết vào các ngày 22, ngày 27 và ngày mùng 2 Tết Nguyên đán.

Người dân vùng Thạch Thất ai cũng thuộc câu tục ngữ “Gái 22, trai 27”. Cụ Nguyễn Thị Đức, một người dân xã Bình Phú cho biết: “Ngày xưa, tôi cũng hỏi rất nhiều người về ý nghĩa của câu nói này nhưng chẳng ai giải thích được. Mọi người chỉ hiểu nôm na đó là lời các cụ nhắc nhở con cháu dù đi đâu thì cũng phải nhớ tới ngày 22 là phiên chợ tết dành cho đàn bà, còn ngày 27 là của đàn ông. Cả hai phiên chợ này, các mặt hàng không có gì khác nhau nhưng ngày 22 thì  đàn bà đi chợ đông hơn, còn ngày 27 đàn ông đông hơn. Phiên chợ ngày mùng 2 Tết đủ cả đàn ông đàn bà đi để lấy may.

Thanh Nhàn, phiên chợ hoài cổ

Chợ Thanh Nhàn, ở xã Thanh Xuân, Sóc Sơn họp trên bãi đất trống, trước gọi là gò Nhan, nằm lọt thỏm giữa cánh đồng thôn Nga. Chợ họp vào các ngày 3, 5, 8,10. Phiên chợ tết cuối năm bao giờ cũng là phiên đặc biệt nhất

Nhiều cụ cao niên trong làng kể lại rằng, khi xưa chợ Thanh Nhàn tiêu điều, lèo tèo có vài quán bán hàng xén lợp mái rạ. Hàng hóa chủ yếu là những sản vật đồng quê, con tôm, mớ tép, bánh đa, bánh đúc làm quà cho lũ trẻ. Cũng do khi đó dân trong vùng thưa thớt và hàng hóa đều tự cung tự cấp nên người dân tự họp chợ từng phiên theo chẵn lẻ song hành.

Qua bao tháng năm, đến giờ, phiên chợ tết Thanh Nhàn không khác chợ ngày xưa là mấy, bởi muốn lên chợ huyện phải mất gần chục cây số, vì thế chợ vẫn đông đúc. Hàng hóa chủ yếu vẫn là hàng nông sản, nhưng đông, tấp nập hơn trước.  Người dân quanh vùng, ven chợ từ thôn Nga, thôn Thanh Nhàn cũng tranh thủ đến bán vài mớ rau trồng được, mớ cua hay tôm tép mới bắt. Các quán hàng bây giờ được lợp bằng những tấm pro xi măng thay thế cho lợp rơm hay lá cọ trước kia. Chợ phiên Thanh Nhàn ngày nay vẫn thắm đượm tình quê, mộc mạc, giản dị như những người nông dân chất phác, thật thà nên vẫn giữ được cái hồn quê xưa và lưu giữ nét văn hóa chợ quê khi xưa, mặc dù chợ chỉ cách trung tâm Hà Nội chưa đầy 30 cây số.

Dịp Tết đến, xuân về, hòa mình vào dòng người trong những phiên chợ quê hương ký ức thuở xa xưa ùa về thấy lòng thanh thản lạ lùng...

Hải Hậu

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này