Hà Nội: Bốn công trình giao thông lớn chào Xuân

22:09 | 18/02/2015
Năm 2014, ngành GTVT với sự chỉ đạo quyết liệt của Bộ trưởng Đinh La Thăng, đã có sự đổi mới mang tính đột phá. Cùng với việc tái cơ cấu, Bộ GTVT đã cổ phần hóa được 53 doanh nghiệp, hàng loạt các công trình giao thông quan trọng được hoàn thành đưa vào khai thác. Diện mạo Thủ đô Hà Nội đã có những thay đổi quan trọng nhờ cơ sở hạ tầng giao thông đi trước mở đường.

1.Cầu Đông Trù bắc qua sông Đuống, thuộc Dự án Đường 5 kéo dài có tổng mức đầu tư 6.661 tỷ đồng. Đây là tuyến đường đô thị chính cấp I, được nối từ khu đô thị Bắc Thăng Long - Vân Trì tới QL5, với chiều dài 13,32 km, mặt cắt ngang nền đường 68,5m. Cầu Đông Trù cùng với tuyến đường 5 kéo dài hoàn thành sẽ tạo nên trục giao thông chính nhằm đảm bảo các điều kiện về hạ tầng giao thông vận tải phục vụ đầu tư phát triển các khu công nghiệp, khu đô thị phía Bắc sông Hồng.

58171

58164

58165

2.Cầu Nhật Tân chính thức thông xe ngày 4/1/2015. Đây là một trong ba dự án giao thông quan trọng của cả nước nói chung và của Thủ đô nói riêng. Cầu Nhật Tân được thiết kế với ý tưởng hình dáng của cây đào với chiều dài 8,93 km, quy mô 8 làn xe, trong đó phần cầu chính theo phương án cầu dây văng liên tục 5 trụ tháp dài khoảng 3,75km, đường 2 đầu cầu dài khoảng 5,2km, mặt cắt ngang rộng 33,2m. Tổng mức đầu tư của cầu Nhật Tân lên tới hơn 13.600 tỷ đồng.


3. Đường nối từ sân bay quốc tế Nội Bài đến cầu Nhật Tân kết nối với trung tâm Thủ đô Hà Nội được mang tên Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Đại lộ này có tổng mức đầu tư  6.742 tỷ đồng với tổng chiều dài 12,1 km, phần đường chính được thiết kế là theo tiêu chuẩn đường phố chính chủ yếu, vận tốc thiết kế 80km/h, các đường gom được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cấp V, vận tốc thiết kế theo đường nội đô 40km/h.

Đường Võ Nguyên Giáp được coi là con đường đối ngoại quốc gia, phục vụ chiến lược phát triển sân bay Nội Bài. 


4. Nhà ga hành khách T2 Cảng hàng không quốc tế Nội Bài là nhà ga là cửa ngõ hàng không hiện đại, có công suất phục vụ 25 triệu hành khách đến năm 2020. Cùng với các dự án cơ sở hạ tầng đồng bộ như cầu Nhật Tân, đường Nhật Tân - Nội Bài sẽ rút ngắn khoảng cách giữa sân bay và trung tâm Hà Nội còn 20 phút.

Nhà ga hành khách T2 Nội Bài có diện tích sàn 139.216 m2, gồm 4 tầng. Với tổng mức đầu tư gần 1 tỷ USD từ nguồn vốn vay ODA của Chính phủ Nhật Bản, nhà ga hành khách T2 Nội Bài có công suất phục vụ 30.000 hành khách/ngày với 230 lượt cất hạ cánh; công suất đáp ứng 10 triệu hành khách/năm (giai đoạn 2015 đến 2020) và 15 triệu hành khách/năm (giai đoạn 2020 đến 2030).

Nằm trong khu liên hợp Nhà ga hành khách T2, khu hành khách VIP A được xây dựng nhằm phục vục việc đón tiếp các đoàn lãnh đạo cấp cao của Việt Nam đi thăm các nước, cũng như đón tiếp các đoàn lãnh đạo cấp cao của các nước đến thăm Việt Nam theo đúng nghi thức ngoại giao quốc tế.

Hồ Thu Thủy

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này