Bệnh nhân đầu tiên ghép tế bào gốc trị ung thư hồi phục tốt

11:12 | 22/02/2015
Đã có lúc tuyệt vọng nghĩ tới cái chết, nhờ phương pháp ghép tế bào gốc tạo máu tự thân điều trị ung thư vú, bà Đinh Thị Liễu sau hơn một tháng xuất viện sức khỏe tiến triển tốt.

Xuất viện ngày 11/12 năm ngoái, bà Đinh Thị Liễu (53 tuổi, ở thị trấn Yên Thành, Nghệ An) đến nay khá mạnh khỏe, bước đi nhanh nhẹn và luôn nở nụ cười khi tiếp chuyện cùng mọi người. Giọng nhỏ nhẹ, bà Liễu hồ hởi nói: "Mừng lắm, vui lắm. Nay tôi còn đi chợ, phụ chồng bán hàng, rồi nấu cơm được rồi, đêm còn hát karaoke nữa. Tôi như người được sinh ra lần hai...".

Bệnh nhân đầu tiên ghép tế bào gốc trị ung thư hồi phục tốt
Chị Liễu nở nụ cười tươi bên chồng. Ảnh: Hải Bình.

Bà Liễu nhớ lại giữa năm 2013, lúc phát hiện khối u nhỏ bằng hạt ngô ở ngực, vợ chồng bà chở nhau tới bệnh viện tư ở Nghệ An thăm khám. Bác sĩ bảo khối u bình thường, không ảnh hưởng gì tới sức khỏe. Trung tuần tháng 10/2014, thấy khối u to bằng đầu ngón tay rồi đau nhức, bà đã tới Bệnh viện Ung bướu Nghệ An khám thì được kết luận u ác tính, phải điều trị truyền hóa chất.

"Nghe kết luận xong tôi suy sụp, tưởng mình như sắp chết và tính phải ra bệnh viện ở Hà Nội điều trị mới có hy vọng. Lúc đề nghị chuyển viện, bác sĩ khuyên cái này ở đây mổ được, không phải đi nơi khác", bà Liễu nhớ lại.

Tháng 8/2014, bà Liễu bàn với chồng và quyết định ở lại Bệnh viện Ung bướu Nghệ An chữa bệnh. Sau hai đợt truyền hóa chất, một hôm bác sĩ gọi tất cả bệnh nhân đang điều trị ung thư vú tới thông báo bệnh viện có phương pháp chữa trị ung thư mới bằng ghép tế bào gốc tạo máu tự thân. Đây là phương pháp tiên tiến nhất ở Việt Nam, lần đầu được tiến hành.

Lúc đó PGS.TS Nguyễn Trung Chính, cố vấn cao cấp của Bệnh viện Ung bướu Nghệ An, nguyên là Trưởng khoa Ung bướu Bệnh viện 108, đã tới từng giường bệnh trực tiếp tư vấn về phương pháp mới. Sau đó bác sĩ Chính hỏi: "Ai là người đầu tiên đăng ký thực hiện ca phẫu thuật này?".

"Bác sĩ Chính dứt lời, tôi vội đứng lên đăng ký. Thật sự sau đó nơm nớp lo sợ, tự hỏi không biết mình có phải là người đầu tiên trở thành nạn nhân bất thành của phương pháp này, nhưng rồi tặc lưỡi tự lấy quyết tâm", bà Liễu kể và cho biết lúc đó chưa kịp bàn bạc với chồng con.

Sau khi Bệnh viện thông báo tiền viện phí cho ca phẫu thuật hết 140 triệu đồng, dù là khoản tiền lớn nhưng được sự động viên của chồng "còn người thì còn của", bà Liễu quyết tâm hơn.

Bệnh nhân đầu tiên ghép tế bào gốc trị ung thư hồi phục tốt
Trở về nhà gần hai tháng, sức khỏe của chị Liễu tốt và có thể đi chợ phụ giúp chồng con. Ảnh: Hải Bình.

Nói về ca ghép tế bào gốc tạo máu tự thân đầu tiên được tiến hành tại Việt Nam, bác sĩ Trương Công Tú, Khoa máu ghép tủy (Bệnh viện Ung bướu Nghệ An), cho biết bệnh nhân được điều trị qua 3 giai đoạn. Ngày thứ nhất người bệnh được đặt Catheter (tĩnh mạch trung tâm) để truyền hóa chất. Sau khi nghỉ dưỡng khoảng một tuần, huy động tế bào gốc đủ thì bệnh nhân được tách tế bào gốc, rồi lưu trữ và tiếp tục nghỉ một tuần lễ.

Giai đoạn 2 là ghép hóa chất phác đồ, sau 6 ngày liên tục đánh hóa chất thì bệnh nhân sẽ được nghỉ một ngày. Sang ngày thứ tám tiến hành ghép tế bào gốc, đây được xem là bước quan trọng nhất. Ca ghép tế bào gốc do ê kíp bác sĩ 10 người tiến hành trong hơn hai giờ. Khi ca ghép hoàn thành thì giai đoạn cuối cùng là bệnh nhân nằm hồi phục trong phòng đặc biệt chừng 3 tuần. Căn phòng này vô trùng, người nhà bệnh nhân không được vào chăm sóc mà chỉ có bác sĩ qua lại.

Nhớ lại giây phút ra khỏi căn phòng đặc biệt, bà Liễu kể: "20 ngày ở trong đó tôi cứ ngỡ dài bằng nửa đời người. Có lúc lại nghĩ quẩn, hay là bệnh tình của mình không tiến triển tốt nên bác sĩ bắt ở đây".

Ngồi bên cạnh vợ, ông Bùi Bá Duy cho rằng đối với bệnh ung thư, ngoài phương pháp điều trị thì tinh thần phải luôn được thoải mái. "Tôi cứ động viên vợ dù bất kỳ hoàn cảnh khó khăn nào cũng không được mất hy vọng. Người còn thì của còn, nếu bệnh khỏi mà mất cả trăm triệu thì không có gì phải tiếc", ông Duy nói và cho hay số tiền vợ chồng dành dụm mấy năm đã chi phí hết cho ca phẫu thuật.

Vợ chồng bà Liễu, ông Duy vốn quê gốc ở huyện Trực Ninh (Nam Định), cùng là bộ đội phục viên. Hai người kết hôn năm 1984, tới năm 1988 thì vào Nghệ An lập nghiệp. Thời gian đầu còn khó khăn, vợ chồng đi làm nghề xẻ gỗ rồi dần dần tích góp mở cửa hàng buôn bán tại vùng quê lúa Yên Thành. Họ có 3 người con.

"Hôm đang nằm viện, cứ nghĩ Tết năm nay sẽ không được sum vầy bên gia đình và về quê để thăm người thân. Nhưng không ngờ bệnh tình tiến triển tốt, Tết này gia đình sẽ ăn Tết to hơn mọi năm, sẽ thuê hẳn một chuyến xe để cả gia đình về Nam Định vui xuân", chị Liễu tâm sự.

Bệnh nhân đầu tiên ghép tế bào gốc trị ung thư hồi phục tốt
Chị Đinh Thị Liễu cùng PGS.TS Nguyễn Trung Chính (cầm hoa bên trái) trong buổi lễ ra viện ngày 11/12/2014. Ảnh: Ngọc Tú.

Trao đổi với VnExpress, PGS.TS Nguyễn Trung Chính đánh giá, đây là ca ghép đầu tiên, các chỉ số lâm sàng của bệnh nhân rất tốt. Đến thời điểm hiện tại, có thể nói bệnh nhân đã hoàn toàn hồi phục.

"Ca ghép này đã mở ra một hướng điều trị tích cực về bệnh ung thư vú, vì đã triệt bỏ được tận gốc tế bào ung thư trên cơ thể. Từ trước chỉ điều trị bằng các phương pháp thông thường như xạ trị, hóa trị nên chưa triệt bỏ tận gốc được tế bào ung thư", ông Chính nói.

Theo ông Chính, hiện nhu cầu về chữa trị bằng phương pháp ghép tế bào gốc tạo máu tự thân đang rất cao ở Bệnh viện Ung bướu Nghệ An. Đến trước Tết Nguyên đán có hơn 30 bệnh nhân đăng ký thực hiện ca ghép bằng phương pháp này, trong số đó có cả người bệnh từ trong Nam ngoài Bắc.

Theo Hải Bình/ VNE

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này