Phố biến thành sông

08:12 | 18/07/2014
Cơn mưa lớn sáng 17/7 là minh chứng về tính hiệu quả của dự án thoát nước, cũng như các phương án chống ngập úng hiện nay của Hà Nội.

Báo cáo của Cty Thoát nước Hà Nội cho thấy, dù lượng mưa sáng qua tập trung trong thời gian ngắn, nhưng hàng loạt khu vực bị ngập úng.

Các phố Phạm Văn Đồng, Trần Bình, Phan Văn Trường đã xảy ra úng ngập với mức độ 0,1 đến 0,2m; các vị trí khác như Hoàng Quốc Việt (trước ĐH Điện lực), Trần Đăng Ninh, nút Mai Dịch… ngập từ 0,1 đến 0,3m. Ở các quận Đống Đa, Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm đã xảy ra úng ngập nhiều khu vực như ngã tư Phan Bội Châu - Lý Thường Kiệt, Thợ Nhuộm, ngã tư Hàng Bài - Hai Bà Trưng, Tôn Đản, Đinh Liệt - Gia Ngư… với mức độ từ 0,2 đến 0,3m.

Ngã tư Hồ Tùng Mậu - Xuân Thủy - Phạm Hùng - Phạm Văn Đồng 

 Theo lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội, khi năng lực hệ thống thoát nước còn hạn chế, phương án ứng phó, chống ngập úng phải thiết lập thật chi tiết. Thế nhưng thực tế lại khác, ngay cả con số các điểm đen ngập úng trên địa bàn, lãnh đạo thành phố cho rằng, đang có sự thống kê khác nhau, thậm chí vênh nhau.

Phía Cty Thoát nước đưa ra khoảng 12 điểm ngập đối với các trận mưa có lưu lượng 100mm trở lên, trong khi phía Thanh tra GTVT và CSGT lại thống kê được 32 điểm ngập. “Phải có con số chính xác về các điểm đen và phương án xử lý cho từng khu vực, từng điểm đen này”, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Quốc Hùng nhấn mạnh.

Về phương án xử lý từng điểm đen, ở các quận nội thành nằm trong lưu vực tả sông Tô Lịch, lãnh đạo thành phố yêu cầu phải đảm bảo chống úng ngập một cách tốt nhất để khi mưa với cường độ 100 mm trong 3 giờ thì mức độ úng ngập thấp nhất.

“Trong khoảng 20 điểm úng ngập còn lại ở khu vực nội thành, yêu cầu các đơn vị liên quan tập trung duy tu thường xuyên, hằng ngày túc trực kể cả khi không có mưa. Tăng cường các hố ga gom nước, các máy bơm tăng áp để đẩy nhanh dòng chảy khi mưa lớn xảy ra”, lãnh đạo thành phố yêu cầu.

Đối với khu vực tả sông Nhuệ, bao gồm một phần của hai quận Nam, Bắc Từ Liêm, Cầu Giấy, Tây Hồ, Thanh Xuân và 3 xã của huyện Thanh Trì do hiện nay khu vực này thoát nước chủ yếu qua hệ thống cống, trạm bơm Cầu Bươu thoát ra sông Nhuệ, nên TP yêu cầu Sở Xây dựng phối hợp Sở GTVT tổ chức nạo vét trên khu vành đai 3 để đảm bao tiêu thoát nước khu vực như Cổ Nhuế, Mỹ Đình, Mễ Trì... Đồng thời, đề nghị Sở Xây dựng tiếp nhận tạm thời hệ thống thoát nước ở các khu đô thị đưa vào quản lý khai thác hiệu quả tối đa việc tiêu thoát. 

Xốc lại dự án thoát nước

Năng lực hệ thống thoát nước của Hà Nội, đặc biệt khu vực nội thành hiện trông chờ vào dự án thoát nước giai đoạn II. Tuy nhiên, dù sắp tới hạn phải hoàn thành (trong năm 2014) song tới nay, dự án với tổng mức đầu tư hàng nghìn tỷ đồng này còn chưa xong giải phóng mặt bằng (GPMB). Thậm chí, việc thi công dở dang nhiều hạng mục của dự án đang cản trở dòng chảy, gây ngập úng ở nhiều khu vực khi mưa lớn.

Theo ông Phạm Văn Cường, Giám đốc Ban Quản lý dự án thoát nước Hà Nội, đây là dự án lớn, kéo dài trên địa bàn 8 quận, huyện và trên 60 phường, xã với tổng diện tích thu hồi GPMB khoảng 311,19ha.

Công nhân Xí nghiệp Thoát nước số 2 đang phải mò rác và túi nilon ở miệng cống thoát nước 

 Đến nay, các quận, huyện đã GPMB hơn 38/48 ha (trên 80%). Phần GPMB do Ban quản lý dự án thoát nước triển khai đã xong 91,5%. Song, số phương án bồi thường còn tồn rất lớn, khoảng 1.211 phương án, trong đó, có 657 phương án đất công trình nhà ở.

Nhiều phần diện tích đã bàn giao lại trong tình trạng “xôi đỗ”, nên các nhà thầu không thể triển khai máy móc vào thi công, ảnh hưởng tiến độ dự án. Thời gian càng kéo dài, tổng mức đầu tư của dự án càng bị “đội” lên khiến người dân bức xúc. Theo dự toán ban đầu, dự án tốn khoảng 6.500 tỷ đồng, tuy nhiên đến thời điểm hiện tại, tổng giá trị đã lên tới hơn 8.000 tỷ đồng.

Với các gói thầu cụ thể, tới nay, các nhà thầu đã hoàn thành thi công 5/13 gói, còn lại 8 gói thầu đang được triển khai. Chính vì số gói thầu còn dở dang khá nhiều nên hiệu quả thoát nước của dự án giai đoạn II chưa thể đánh giá được. Nhiều khả năng, dự án thoát nước Hà Nội giai đoạn II sẽ bị trễ hẹn, ít nhất, trong mùa mưa năm 2014.

“Vừa rồi, thành phố đã họp yêu cầu xốc lại để đẩy nhanh tiến độ dự án. Nếu không có chuyển biến, Sở Xây dựng và chủ đầu tư chủ động thay thế nhà thầu. Bởi việc thi công chậm một số nhà thầu dự án thoát nước ảnh hưởng vệ sinh môi trường, tiêu thoát nước đô thị khi có mưa lớn... gây bức xúc dư luận”, đại diện Sở Xây dựng nói.

Nguồn TPO

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này