Việt Nam sẽ có 2.689 km đường cao tốc vào năm 2020

10:19 | 01/03/2015
Bộ Giao thông Vận tải đang lên kế hoạch thực đầu tư hàng loạt các dự án, phấn đấu đến năm 2020, Việt Nam sẽ có 2.689 km đường cao tốc.

Trong thời gian tới, Bộ GTVT sẽ tập trung đầu tư xây dựng 3 tuyến trục Bắc - Nam quan trọng. Trong đó, Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên phấn đấu cơ bản hoàn thành vào năm 2015, các đoạn còn lại của tuyến đường Hồ Chí Minh từ Pắc Bó (Cao Bằng) đến đất mũi Cà Mau với quy mô đường 2 làn xe theo nghị quyết của Quốc hội, hệ thống đường bộ cao tốc phấn đấu hết năm 2015 đưa vào khai thác 679 km.

Theo báo cáo của Vụ Kế hoạch Đầu tư (Bộ GTVT), cả nước hiện có 567 km đường cao tốc đã được đưa vào khai thác; 457 km đang thi công và đã xác định nguồn vốn đầu tư cho 3 dự án đường cao tốc gồm đường vành đai 3 Hà Nội, (đoạn Mai Dịch - Nam Thăng Long); Dầu Giây-Phan Thiết; đường vành đai 3 TPHCM (đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch).

Đối với các dự án theo quy hoạch trước năm 2020 gồm các đoạn Ninh Bình - Thanh Hóa; Thanh Hóa - Hà Tĩnh; Mỹ Thuận - Cần Thơ; Cam Lộ - La Sơn; Bắc Giang - Lạng Sơn; Nội Bài - Bắc Ninh với tổng chiều dài 508 km. Hiện nay, các dự án này đã có nhà đầu tư quan tâm đầu tư theo hình thức BOT (xây dựng – kinh doanh –chuyển giao) và BT (xây dựng – chuyển giao), song chưa xác định được nguồn vốn cụ thể.

Với các dự án chưa có nhà đầu tư quan tâm, theo kịch bản tăng trưởng thấp, dự kiến đến năm 2020 thực hiện đầu tư các tuyến Quảng Ngãi - Quy Nhơn (150 km), Biên Hòa - Phú Mỹ - Cái Mép (47km), Nha Trang - Phan Thiết (200km), Dầu Giây - Tân Phú (74km), Hạ Long - Mông Dương (52km) thì sẽ đưa vào khai thác tổng cộng là 2.308 km đường cao tốc, với tổng mức đầu tư là 482.205 tỉ đồng.

Nếu theo tốc độ đầu tư tăng trưởng tốt, ngoài việc thực hiện đầu tư 5 tuyến nói trên, Bộ GTVT sẽ đầu tư thêm 5 tuyến gồm Mông Dương - Móng Cái (148km), Phú Mỹ - Vũng Tàu (39km), Tân Phú - Liên Khương (125 km), vành đai 3 Hà Nội (13 km), vành đai 3 TPHCM (24 km) nhằm phấn đấu đến năm 2020, Việt Nam sẽ có 2.689 km đường cao tốc.

Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết, để đáp ứng nhu cầu đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông phục vụ công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước, cần khoảng 1,015 triệu tỷ đồng tiền vốn cho các dự án do Bộ GTVT trực tiếp quản lý. Quan điểm của Bộ GTVT là xây dựng phát triển đường cao tốc phải theo hướng hạn chế ảnh hướng đến nợ công nhất có thể. Để tháo gỡ khó khăn về nguồn vốn, Bộ GTVT đã chỉ đạo các đơn vị liên quan xây dựng đề án nhượng quyền khai thác nhằm huy động các nguồn vốn xã hội hoá cho các dự án đã hoàn thành để tạo nguồn vốn tái đầu tư.Việt Nam sẽ có 2.689 km đường cao tốc vào năm 2020.

Theo Diễn đàn doanh nghiệp

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này