Bi hài chuyện đặt đồ ăn qua mạng rồi “bom” hàng:

Khóc mếu vì những trò đùa của người đặt

23:16 | 18/06/2019
(LĐTĐ) Thời điểm này, bán hàng online ngày một nở rộ vì sự tiện ích đối với người mua lẫn người bán. Tuy nhiên, một vấn đề đang khá nhức nhối nảy sinh là tình trạng “bom hàng” - người mua đã đặt hàng nhưng không nhận. Chuyện tưởng nhỏ mà không hề nhỏ, khi vấn đề rủi ro lại phụ thuộc chủ yếu vào khách hàng.
khoc meu vi nhung tro dua cua nguoi dat Thu thuế với người bán hàng qua mạng: Nói dễ nhưng làm thì khó
khoc meu vi nhung tro dua cua nguoi dat Bán hàng trên mạng có giá trị từ 1 triệu đồng có thể bị đánh thuế
khoc meu vi nhung tro dua cua nguoi dat Kinh doanh online: Dân công sở thêm nghề tay trái

Những trò đùa vô cảm

“Bom” hàng hay có thể hiểu nôm na là hoạt động đặt hàng nhưng đến khi giao thì không nhận, không trả tiền đã trở thành nỗi khổ của nhiều người kinh doanh, vận chuyển hàng hóa. Thực tế, những chiêu trò “đặt hàng cho sang miệng” rồi đến khi giao tới nơi lại tắt máy, không nhận hàng đã manh nha xuất hiện vào khoảng năm 2016, khi các ứng dụng giao nhận hàng qua mạng internet bước đầu trở nên phổ biến. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, “kẽ hở” này dường như vẫn chưa được khắc phục.

khoc meu vi nhung tro dua cua nguoi dat
Các quán trà sữa, đồ ăn nhanh tập trung đông đúc các shipper tới nhận và giao hàng

Mới đây, vào đầu tháng 6, vụ đơn hàng là 20 cốc trà sữa có trị giá hơn 1 triệu đồng bị “bùng” đã gây nên xôn xao trong dư luận. Theo đó, một cô gái ở Bà Rịa - Vũng Tàu trong lúc “vui miệng” đã đặt đơn hàng 20 ly trà sữa trị giá 1,2 triệu đồng, nhưng lại quyết định “bom” khi tài xế Grapfood giao hàng tới. Sự việc trên đã khiến cho người tài xế lâm vào cảnh dở khóc dở mếu, không biết giải quyết ra sao.

Liền sau đó, dư luận lên tiếng bênh vực shipper và chỉ trích hành vi của cô gái. Trước tâm bão dư luận, mẹ cô gái – một giáo viên để bảo vệ con mình đã lên tiếng đổ lỗi cho trò đùa của cậu con trai mới lớp 1, lớp 2. Điều này đã làm cho cộng đồng mạng thêm phần bất mãn vì cho rằng là một cô giáo thay vì khuyên con xin lỗi tài xế Grapfood người mẹ này lại có thái độ bao che, đùn đẩy trách nhiệm. Trước đó, vào khoảng đầu năm 2019, mạng xã hội cũng xôn xao chuyện tài xế Go Việt bị “bom hàng” 36 ly trà sữa, trị giá tới 2 triệu đồng.

khoc meu vi nhung tro dua cua nguoi dat
Ngày nay, khách hàng chỉ cần ngồi tại nhà, lướt điện thoại sẽ có người giao hàng đến tận nơi

Việc khách nhận hàng rồi bắt lỗi để quỵt tiền, order cho “sang mồm”, vẫn thường xuyên diễn ra như cơm bữa. Tài khoản Chính Công Lê đã chia sẻ trên một trang mạng xã hội câu chuyện anh được chứng kiến về một tài xế xe ôm phải ăn 12 ổ bánh mì và 6 cốc trà sữa bị khách đặt xong “bùng” hàng. Được biết, tổng cộng hóa đơn này (chưa tính tiền giao hàng) là 400.000 đồng. Dù với nhiều người, 400.000 đồng không có gì quá lớn lao, nhưng với những người phải chạy cơm từng bữa, thì số tiền này bằng hơn một ngày lương kiếm sống của họ…

Được biết, thời điểm hiện tại, quanh dịch vụ gọi đồ ăn qua mạng nổi lên nhiều thương hiệu đáng chú ý như: Now.vn (Foody), GrabFood, Go-Food, Lala Lixi, Lozi... Các dịch vụ giao nhận đồ ăn thường được triển khai theo phương thức phối hợp với các nhà cung cấp (nhà hàng, quán ăn, quán cà phê…) đang triển khai nhiều chương trình khuyến mãi để thu hút người dùng.

Trong phí vận chuyển mà khách hàng thanh toán cho mỗi đơn hàng gọi đồ ăn, các ứng dụng như Grab hay Go-Việt sẽ giữ lại một phần hoa hồng và chuyển phần còn lại cho tài xế. Tuy nhiên, với phương châm “vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi”, nhiều dịch vụ mua hàng online, giao hàng song không phải đơn hàng nào cũng cũng thành công khi việc mua bán diễn ra trên mạng và không phải ai cũng có thói quen mua sắm giống nhau.

Rủi ro ai chịu?

Theo tìm hiểu, hiện mức hoa hồng (hay còn gọi là chiết khấu) đang được Grab và Go-Việt và không ít hãng vận chuyển khác áp dụng dao động trong khoảng 10 - 20% phí vận chuyển. Ví dụ, mỗi đơn hàng có phí vận chuyển khoảng 15.000 đồng, các ứng dụng thu về 3.000 đồng. Khi quãng đường vận chuyển xa hơn dẫn đến cước phí cao hơn, các ứng dụng càng thu được nhiều chiết khấu hơn.

Mở rộng vấn đề có thể thấy, dịch vụ đặt đồ ăn qua ứng dụng dễ sử dụng, thực đơn phong phú, thời gian giao hàng nhanh. Tuy nhiên một kẽ hở khiến bản thân người tiêu dùng băn khăn là quy trình nhận, giao đồ ăn đảm bảo chất lượng, an toàn? và phía “người vận chuyển” cũng nơm nớp với nỗi lo bị khách “bỏ bom” thì ai sẽ chịu trách nhiệm?

Anh Trần Anh Bảo, một tài xế Grapfood cho biết: “Khi bị khách bom hàng, các tài xế có thể báo lại với công ty để được hỗ trợ. Tuy nhiên, công đoạn xác minh, hỗ trợ này khá lằng nhằng và mất thời gian khi người tài xế phải thực hiện đủ trình tự 5 bước mà công ty yêu cầu. Đặc biệt, công ty chỉ hỗ trợ xử lý những đơn hàng dưới 1.000.000 đồng, còn nếu giá trị lớn hơn, công ty sẽ không chịu trách nhiệm.

Vậy nên, nhiều tài xế chấp nhận mất tiền, cho mình một “bữa ăn sang” thay vì thực hiện quá nhiều thủ tục như vậy”. Cũng theo tìm hiểu, quy chế hỗ trợ khách hàng như anh Trần Anh Bảo nêu là do Grapfood quy định, còn đối với các ứng dụng khác đặt hàng khác và các tài xế giao hàng tự do nguy cơ bị bom hàng mà không nhận được bất cứ hỗ trợ nào là rất lớn.

Quanh chuyện đặt đồ ăn qua mạng rồi “bom” hàng, trao đổi với báo chí chuyên gia tâm lý Trần Thu Hà ví dụ ở vụ 20 cốc trà sữa có thể thấy 1,2 triệu đồng không lớn, nhưng nó là phẩm giá con người. Việc “bom” hàng, hành hạ người khác, mang nồi cơm của người lao động ra hất đổ để mua vui thì dù 100.000 đồng cũng là bẩn, là độc ác. Phẩm giá là phải không làm điều xấu ngay cả khi không có ai nhìn thấy bạn.

Nhìn nhận trên góc độ pháp lý, theo ông Bùi Thế Vinh – Đoàn Luật sư Hà Nội, việc sử dụng tràn lan sim rác cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng bát nháo trên các ứng dụng điện tử. Do đó, vấn đề hiện nay là cần quản lý tốt sim điện thoại kết hợp cùng thúc đẩy sớm hoàn thiện lộ trình định danh cá nhân qua căn cước công dân, mã số.

Ví dụ tại Malaysia, muốn sử dụng dịch vụ Grab, khách hàng phải chụp và gửi ảnh xác nhận. Nếu cơ sở dữ liệu quốc gia của Việt Nam được hoàn thiện, có thể áp dụng phương pháp này để định danh người dùng.

Trong khi chờ đợi các ngành chức năng kiện toàn những quy định liên quan, chế tài quản lý của hành vi đặt hàng nhưng không nhận, không trả tiền hoàn toàn có thể dựa trên Bộ luật Dân sự 2015. Theo đó, giao dịch dân sự là hợp đồng hoặc hành vi pháp lý đơn phương làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự.

Đồng thời, khi các bên tiến hành giao kết hợp đồng thông qua các ứng dụng có chức năng đặt hàng trực tuyến thì đây được coi là các hợp đồng điện tử, có giá trị pháp lý như đối với các hợp đồng truyền thống và có hiệu lực khi bên nhận được đơn hàng có thông báo chấp nhận.

Nói cách khác, khi khách hàng thực hiện thao tác đặt hàng thông qua ứng dụng đặt hàng thì khách hàng và người chấp nhận đơn đặt hàng đã hoàn thành việc giao kết hợp đồng. Shipper giao hàng đến nơi đúng theo yêu cầu nhưng khách hàng không nhận thì đã vi phạm vào nghĩa vụ của bên sử dụng dịch vụ trong hợp đồng và phải chịu những trách nhiệm dân sự nhất định.

Bởi vậy, căn cứ Điều 360 Bộ luật Dân sự 2015, trường hợp có thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ gây ra thì bên có nghĩa vụ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại cho bên bị vi phạm theo quy định của pháp luật và các điều khoản hợp đồng khi đăng ký sử dụng ứng dụng. Trong trường hợp khách hàng không chịu thanh toán, “bom” hàng thì phía Shipper hoàn toàn có thể báo cáo sự việc cho phía quản lý ứng dụng đó để yêu cầu xử lý.

Rõ ràng, đặt hàng online đã và đang mang đến tiện dụng cho người dùng, shipper và các cơ sở sản xuất song nó cũng cho thấy sự hạn chế về chế tài giám sát và quản lý các nền tảng này. Hơn lúc nào hết, việc đưa ra những chính sách cụ thể, chế tài quản lý rõ ràng đối với những mô hình dịch vụ công nghệ mới như đặt hàng trực tuyến có thể giúp đảm bảo môi trường phát triển lành mạnh, cạnh tranh bình đẳng cũng như bảo vệ người tiêu dùng.

Thắm Lê

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này