Kết thúc Phiên chất vấn, trả lời chất vấn Kỳ họp thứ 7, Quốc hội Khóa XIV:

Làm rõ thêm những vấn đề cử tri quan tâm

15:34 | 07/06/2019
(LĐTĐ) Sau hơn 2 ngày làm việc, với việc các đại biểu Quốc hội tiến hành chất vấn 4 thành viên Chính phủ: Bộ trưởng Bộ Công an - Đại tướng Tô Lâm; Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà; Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể và Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện, sáng qua (6/6), Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đã thay mặt Thủ tướng làm rõ hơn một số nội dung và trực tiếp trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội.
lam ro them nhung van de cu tri quan tam 92244 Thủ tướng trả lời chất vấn về cấp phép, quản lý phế liệu nhập khẩu
lam ro them nhung van de cu tri quan tam 92244 Thủ tướng trả lời chất vấn về chế độ, chính sách đối với cán bộ Y tế

Cố gắng thu hồi triệt để tài sản tham nhũng

Nhiều vụ án tham nhũng, thất thoát, lãng phí được đưa ra ánh sáng đã khó, nhưng thu hồi tài sản từ tham nhũng còn khó hơn nhiều. Làm sao thu hồi được tài sản từ tham nhũng là một trong những nội dung được các đại biểu chất vấn Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh. Trả lời nội dung này, Phó Thủ tướng cho biết, đây là công tác được lãnh đạo Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm.

lam ro them nhung van de cu tri quan tam 92244
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh làm rõ một số vấn đề mà cử tri quan tâm

Thời gian qua đã chỉ đạo các cấp, các ngành tập trung triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra. Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, khẩn trương ban hành các văn bản quy định chi tiết Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi); Ban hành Chỉ thị của Thủ tướng để xử lý tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp.

Các cơ quan chức năng đã điều tra phát hiện, xử lý nghiêm nhiều vụ án kinh tế, tham nhũng nghiêm trọng, đồng thời tập trung thanh tra, kiểm toán một số lĩnh vực có nguy cơ phát sinh tham nhũng cao; khẩn trương kết luận thanh tra, xử lý kỷ luật nghiêm đối với những tổ chức, cá nhân vi phạm, trong đó có các dự án thua lỗ lớn, dư luận xã hội quan tâm (PVTex, Ethanol Phú Thọ, Cảng Quy Nhơn; các dự án BOT, BT giao thông; Công ty VN Pharma; Khu đô thị mới Thủ Thiêm…).

Phát biểu kết luận phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, kết quả phiên chất vấn tại Kỳ họp này đã cho thấy, các nội dung chất vấn đúng và trúng những vấn đề mà nhân dân, cử tri cả nước và các đại biểu quan tâm, bao quát các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội…

Trên cơ sở chất vấn của các đại biểu và trả lời của các thành viên Chính phủ, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sẽ nghiêm túc nghiên cứu, chuẩn bị nghị quyết để trình Quốc hội xem xét, thông qua vào cuối kỳ họp, làm cơ sở pháp lý cho việc giám sát việc thực hiện, đồng thời, giúp Chính phủ, các bộ, các ngành thực hiện tốt hơn nữa chức năng, nhiệm vụ của mình, nhất là những cam kết của thành viên Chính phủ trước Quốc hội.

“Xác định rõ phòng chống tham nhũng là công việc hệ trọng, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân; xây dựng Nhà nước trong sạch, vững mạnh; giữ vững, ổn định chính trị, xã hội, Chính phủ yêu cầu các cấp, các ngành thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các giải pháp đề ra; tập trung khắc phục những tồn tại, hạn chế; khẩn trương hoàn thiện thể chế, pháp luật.

Thực hiện nghiêm Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về phòng, chống tham nhũng vặt. Tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, nhất là những lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, lợi ích nhóm như đầu tư công, đất đai, dự án BT, BOT, cổ phần hóa,...

Đi kèm đó, khẩn trương kết luận thanh tra, xử lý nghiêm sai phạm đối với các dự án gây thất thoát, thua lỗ kéo dài, dư luận xã hội quan tâm. Đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh các vụ án tham nhũng. Đặc biệt, thu hồi triệt để tài sản thất thoát”- Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nhấn mạnh.

Kiên quyết không để xảy ra gian lận thi cử

Về khắc phục bất cập trong kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia và tuyển sinh đại học, cao đẳng, Phó Thủ tướng cho biết, ngay sau khi có thông tin về hiện tượng gian lận trong kỳ thi mà dư luận rất quan tâm thời gian qua tại một số địa phương, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các cơ quan chức năng khẩn trương xác minh, điều tra, xử lý nghiêm các sai phạm, kiên quyết không chấp nhận gian lận, bảo đảm công bằng trong thi cử.

Nghiêm khắc phê bình các địa phương đã để xảy ra sai phạm; yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh liên quan chỉ đạo kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan và xử lý nghiêm theo đúng quy định. Chỉ đạo Bộ GDĐT nghiên cứu, đề xuất phương án xử lý cụ thể đối với những trường hợp thí sinh bị ảnh hưởng. Hiện nay, các cơ quan chức năng đã khởi tố vụ án hình sự lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ liên quan đến sai phạm thi cử và tiếp tục điều tra, xử lý theo đúng quy định của pháp luật.

Để kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2019 và thời gian tới không xảy ra bất kỳ tiêu cực, gian lận nào Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho hay: Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ GDĐT rà soát, hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan để chấn chỉnh các bất cập, tồn tại. Đẩy mạnh việc giám sát chặt chẽ các khâu trong quy trình tổ chức kỳ thi; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng để bảo đảm kỳ thi nghiêm túc, khách quan, công bằng.

Tận dụng cơ hội CPTPP, thúc đẩy xuất khẩu

Trả lời chất vấn nội dung thực thi các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTAs), đặc biệt là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) Việt Nam biến thách thức thành cơ hội ra sao?, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nêu rõ: Ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực đối với Việt Nam, ngày 14/1/2019, Thủ tướng đã ban hành Kế hoạch thực hiện CPTPP, trong đó xác định nhiệm vụ triển khai các cam kết Hiệp định này và yêu cầu các bộ, ngành, địa phương thực hiện kế hoạch hành động thực hiện Hiệp định.

Đến nay, 21 Bộ, ngành, và 54 địa phương đã ban hành kế hoạch thực hiện CPTPP. Chính phủ đang xây dựng, sửa đổi bổ sung 8 luật có liên quan thực hiện cam kết Hiệp định, 4 Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Cạnh tranh, Luật Sở hữu trí tuệ, Quản lý ngoại thương và an toàn kỹ thuật. Đến nay, trong 4-5 tháng việc thực hiện CPTPP, thương mại của chúng ta với một số nước là thành viên của CPTPP tăng lên so với cùng kỳ năm ngoái…

Điều đó cho thấy tác động tích cực CPTPP, đã bắt đầu phát huy tác dụng. Khẳng định điều này, Phó Thủ tướng nêu rõ, quan trọng là doanh nghiệp của chúng ta cần tận dụng cơ hội CPTPP để thúc đẩy xuất nhập khẩu với các nước mà chúng ta vừa ký Hiệp định này. “CPTPP có hiệu lực ngay, gần 66 mặt hàng của Việt Nam thuế giảm xuống còn 0%… đây cũng là thách thức khi hàng hóa nước ngoài vào thị trường Việt Nam. Do đó, đòi hỏi nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam là rất cần thiết”- Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Khắc phục đạo đức xã hội

Liên quan đến vấn đề đạo đức xã hội đang có chiều hướng xuống cấp, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho hay, thời gian tới, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các cấp, các ngành tập trung xử lý, sớm khắc phục tình trạng bức xúc nêu trên; quán triệt sâu sắc các chủ trương, đường lối của Đảng về đạo đức, lối sống con người Việt Nam; khẩn trương sửa đổi các quy định pháp luật theo hướng tăng nặng hình phạt, có chế tài xử lý đủ sức răn đe; thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp phòng ngừa và kiên quyết xử lý nghiêm các vi phạm.

Theo Phó Thủ tướng, ngăn chặn và đẩy lùi sự xuống cấp về đạo đức, lối sống là nhiệm vụ rất quan trọng, mang tính thường xuyên, lâu dài của các cấp, các ngành, trước hết là mỗi cán bộ, đảng viên cần gương mẫu thực hiện và đề cao trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị.

Chính phủ trân trọng đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể nhân dân và các đại biểu Quốc hội tăng cường giám sát, tích cực đóng góp ý kiến và tham gia xây dựng xã hội an ninh, an toàn, phát huy giá trị văn hóa, đạo đức truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

L.Hà- L.Ngọc

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này