Lương tối thiểu: Bao giờ đủ sống tối thiểu?

15:20 | 02/12/2014
Mục tiêu đề ra cho lộ trình tăng lương thời gian tới áp dụng cả khu vực công, lẫn khu vực tư là lương tối thiểu sẽ đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu. Tuy nhiên, khi Quốc hội ấn nút thông qua dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) có hiệu lực từ 1/1/ 2018 cũng như nền kinh tế chưa phục hồi khiến không ít người đặt câu hỏi: Lương tối thiểu đáp ứng nhu cầu tối thiểu, đến bao giờ mới thực hiện được?

Từ câu chuyện lương của các nước

NLĐ đi làm luôn mong có mức lương, thu nhập cao để trang trải chi tiêu cho gia đình và có thêm chút tích lũy. Những nước phát triển, điều này đã được thực hiện từ lâu, còn các nước trong khu vực như Singapre, Malaysia cũng đã thực hiện được. Ví dụ như Malaysia, quốc gia cùng mái nhà chung  ASEAN, cách đây 2 thập kỷ đã thiết lập được “trật tự” lương- thu nhập- giá cả là một thể thống nhất. Cụ thể, một sinh viên ra trường đi làm ở công ty với mức lương khoảng 2.000 Ringgit (MYR)/tháng, mức lương đó, sau khi trừ đi chi phí cho sinh hoạt vẫn có thể trích ra được 200- 500 MYR để tích lũy. Số tiền tích lũy được ở lương, thu nhập chỉ cần 5 năm là đủ để mua xe hơi, hơn 10 năm là mua được nhà.

Còn ở ta, lương một viên chức mới vào làm việc hệ số 2,34 nếu tính theo giá hiện hành chưa đủ chi phí cho 2/3 sinh hoạt trong tháng. Ngay đến lương hệ số 3 - 4 (chưa tính phụ cấp trách nhiệm, thâm niên công tác- nếu có) chi tiêu sinh hoạt trong tháng cũng khá chật vật, hầu như không có tích lũy.  Lý giải cho điều này, tại nghị trường Quốc hội một số chuyên gia cho rằng năng suất lao động của Việt Nam thấp nên lương, thu nhập không cao, vì thế chưa đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu. Cách lý giải này xem ra chưa thuyết phục, vì năng suất lao động còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố.

Đến con số 60%

Báo cáo trả lời chất vấn trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Lao động- Thương binh- Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền thừa nhận, hiện mức lương tối thiểu nói chung mới đáp ứng khoảng 60% nhu cầu sống tối thiểu. Trong khi đó, lộ trình tăng lương tối thiểu lên 15% áp dụng trong khối doanh nghiệp đã được Hội đồng Tiền lương quốc gia thông qua và trình Thủ tướng Chính phủ quyết định; Lộ trình tăng lương tối thiểu áp dụng cho khu vực công dù đã phê duyệt nhưng do khó khăn về kinh tế nên không thể thực hiện đồng loạt vào năm 2015 (chỉ áp dụng cho khoảng 5 triệu người thuộc nhóm đối tượng có hệ số lương thấp, người về hưu). Trả lời chất vấn tại QH, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình khẳng định:  Do kinh tế đất nước khó khăn nên chưa thể bố trí nguồn để thông qua đề án cải cách tiền lương. Nếu lộ trình tăng lương được thực thi triệt để thì mục tiêu đến năm 2017 hoặc 2018 lương tối thiểu chưa chắc đã đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu như kế hoạch đề ra?

Dẫu cho lương tối thiểu sẽ tiếp tục tăng, nhưng liệu 10 năm những công nhân có dám mơ đến căn nhà để ở

Phụ thuộc vào nền kinh tế

Theo Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình, từ năm 2003 đến 2013 đã có 9 lần điều chỉnh tăng tiền lương tối thiểu (nay là lương cơ sở) của cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang. Theo đó, tăng từ 210.000 đồng/tháng lên 1.150.000 đồng/tháng. Tính ra tăng 447,6%. Tuy nhiên, đến nay sau 10 năm thực hiện cải cách tiền lương, Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình cũng thừa nhận  đã phát sinh một số bất hợp lý. Cụ thể, mức lương cơ sở thực hiện từ ngày 1/7/2013 là 1.150.000 đồng/tháng, mới đạt 50,5% bình quân mức lương tối thiểu vùng trong khu vực doanh nghiệp năm 2014. Điều này dẫn đến các mức lương, ngạch, bậc, chức vụ, tính cả 25% phụ cấp công vụ, thì tiền lương hết tập sự của người tốt nghiệp đại học mới đạt 3,36 triệu đồng/tháng; còn lương của bộ trưởng khoảng 14,4 triệu đồng/tháng. Do đó, đời sống của người hưởng lương từ ngân sách nhà nước còn nhiều khó khăn.

Nguyên nhân theo Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình là  do tốc độ tăng trưởng GDP thấp so với chỉ tiêu đề ra; thu ngân sách nhà nước tăng chậm, trong khi nhu cầu tăng chi đầu tư phát triển để đảm bảo kinh tế, tăng chi cho quốc phòng an ninh, an sinh xã hội, cùng với áp lực giảm bội chi, nên rất khó bố trí nguồn để cải cách tiền lương. Để giải bài toán lương, hiện Bộ Nội vụ đang cùng các bộ: Tài chính; Kế hoạch- Đầu tư; Lao động- Thương binh- Xã hội tìm giải pháp căn cơ.

Tuy nhiên NLĐ vẫn hết sức lo lắng bởi tính từ năm sau, mỗi năm lương tối thiểu áp dụng cho các vùng tăng từ 300- 400 ngàn đồng/người/năm thì giải bài toán lương tối thiểu đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu vẫn khó thực hiện. Tháng 11, Tổng cục Thống kê đã thông báo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Việt Nam đã về đúng bằng mặt chung của thế giới; thậm chí thấp hơn một số nước trong khu vực, nhưng nếu xét tổng thể chu kỳ phát triển kinh tế hơn 20 năm qua, mức lạm phát luôn cao hơn con số tăng GDP. Nghĩa là 20 năm lại đây, mức tăng giá hàng hóa trên thị trường đã vượt xa với tốc độ tăng lương, làm đồng tiền (VND) bị mất giá khiến cho lương không thể đáp ứng các nhu cầu sống tối thiểu. Do đó, có tăng lương theo lộ trình mà không tính đến bài toán giá trị đồng tiền thì các mục tiêu đưa ra sẽ khó thực hiện.
Trao đổi về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Trần Hoàng Ngân cho rằng, lộ trình tăng lương tối thiểu để đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu có được hay không còn phải phụ thuộc vào “sức khỏe” nền kinh tế. Nếu GDP không lấy lại mức tăng trưởng 7- 9%/năm mà vẫn duy trì mức 5,5- 6,5% trong vòng hai năm tới thì mục tiêu đó sẽ không thành hiện thực. Quan điểm của chuyên gia kinh tế Trần Hoàng Ngân là vậy, nếu GDP có tăng cao mà các cơ quan chức năng không kìm chế giá cả nhảy múa theo cũng như có cuộc “cách mạng” về bản vị đồng tiền (như cách đây 25 năm về trước) thì khó thực hiện thành công chiến lược tiền lương quốc gia “lương tối thiểu đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu”.

Bộ Nội vụ đã trình Chính phủ dự kiến điều chỉnh mức lương cơ sở từ năm 2015 đến năm 2020 tăng bình quân từ 7-8%/năm. Theo đó, đến năm 2020 mức lương cơ sở là 1.800.000 đồng/tháng (tăng thêm 56,5% so với hiện nay). Tuy nhiên, theo Luật Bảo hiểm xã hội vừa được QH thông qua, cách tính lương hưu hàng tháng được sửa đổi theo hướng tăng dần số năm đóng. Cụ thể, từ 1/1/2018, mức lương hưu bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội tương ứng với 15 năm với lao động nữ và 16 năm với lao động nam.

Với lao động nam, từ năm 2019 mức này tương ứng với 17 năm, năm 2020 là 18 năm, năm 2021 là 19 năm, từ năm 2022 trở đi là 20 năm. Sau đó cứ thêm mỗi năm, lao động được tính thêm 2%. Từ 1/1/2018, mức lương hưu được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội tương ứng với 15 năm đóng của lao động nữ và 16 năm của lao động nam. Với cách tính này, kể cả có tăng lương theo lộ trình, thì một công nhân lao động, viên chức khi về hưu mức lương tối thiểu sẽ khó đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu, nếu bài toán giá và giá trị đồng tiền không được giải quyết triệt để.

Lê Hà

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này