Bán trà đá nuôi hai con bệnh tật

06:09 | 03/08/2012
LĐTĐ - Không còn chỗ nào vay mượn cộng với chi phí chạy thận 3 lần/tuần của Cung tại bệnh viện và thuốc uống của Mùa khiến cô đánh liều đành phải bán nước trộm trong bệnh viện kiếm đồng chữa cho con.

Bệnh viện thông báo số tiền phẫu thuật lên đến hàng trăm triệu đồng… khiến cô Hằng như ngã qụy. Nhìn con sốt cao run bần bật cô lại không sao kìm được nước mắt. Nhiều lúc nghĩ hận ông trời bất công bắt cùng một lúc cả hai đứa con mang bệnh nhưng nào có thay đổi được gì khi từng ngày trôi qua hai chị em nó vẫn đang vật lộn trong đau đớn

Khóc cho giấc mơ còn dang dở

 

Thằng bé lại khóc, nó không còn nhớ nước mắt đã rơi xuống bao nhiêu lần rồi vì thương mẹ. Hôm qua gánh hàng mẹ bán nước lại bị bắt rồi nên mất trắng, không kiếm được đồng nào lại bị âm vào số tiền đi vay để mua sắm đồ nghề. Nó xót lắm, đau đến điếng người mặc dù của giả chẳng đáng là bao nhưng còn mẹ… hơn 10 năm rồi vì nó mà khổ, vì nó mà phải quăng mình ra gánh hết những tủi nhục để đánh đổi lấy bữa cơm qua ngày cho chị em nó.

 

Đứa bé đáng thương ấy là Đặng Văn Cung (con trai thứ của cô Trần Thị Hằng và chú Đặng Văn Cường, đội 3, xóm 10,xã Hồng Thuận, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định). 22 tuổi rồi chẳng còn bé bỏng nữa nhưng tôi vẫn muốn gọi em là “thằng bé” bởi cái thân hình gầy ốm mong manh như cây non sắp bị quật ngã. 9 tuổi em được phát hiện bị viêm cầu thận cấp và cũng từ đó bắt đầu cuộc hành trình gắn liền với bệnh viện và những đơn thuốc.

 

Nhà nghèo, bố mẹ cùng làm nông với vốn liếng tất cả trông chờ vào 3 sào ruộng, vậy mà… Không cầm nổi nước mắt, Cung vừa khóc vừa mếu máo kể: “Cùng thời gian em bị bệnh thì chị gái em là Đặng Thị Mùa (sinh năm 1989) cũng được các bác sĩ cho biết bị viêm cầu thận cấp. Vậy là mà từ đó cứ 2 lần/ tuần mẹ phải đưa hai chị em lên bệnh viện Nhi TW để thăm khám và mua thuốc, ròng rã cũng hơn 10 năm rồi chị ạ. Bây giờ thì em vừa tốt nghiệp hệ Cao đẳng của trường ĐH Công nghiệp TP Hồ Chí Minh và chị Mùa tốt nghiệp Cao đẳng Dược Phú Thọ nhưng chúng em không làm được gì cả vì bệnh của em giờ đã phát triển đến giai đoạn cuối rồi”

 

Bị suy thận mãn giai đoạn cuối, hiện tại Cung phải chạy thận 3 lần/tuần tại bệnh viện Bạch Mai

Bị suy thận mãn giai đoạn cuối, hiện tại Cung phải chạy thận 3 lần/tuần tại bệnh viện Bạch Mai

 

Bệnh tình của chị Mùa cũng nặng hơn nhiều nên em không thể làm được gì cả

Bệnh tình của chị Mùa cũng nặng hơn nhiều nên em không thể làm được gì cả

Cung vừa dứt lời, tôi thấy tim mình như quặn thắt khi đôi bàn tay gầy gò yếu ớt của em lấy ra trong chiếc ba lô cũ cho tôi xem tấm bằng Cao đẳng em đạt được. Nó còn mới và thơm mùi giấy lắm nhưng trong cái hoàn cảnh này sao mà trớ trêu đớn đau đến vậy. Phải chiến đấu với bệnh tật suốt một thời gian dài nhưng cả hai chị em vẫn không ngừng nuôi hi vọng được học hành để kiếm tiền đỡ đần mẹ, vậy mà khi giấc mơ ấy sắp trở thành hiện thực rồi thì cánh cửa tử thần sao lại đến nhanh như thế. Bất ngờ, hẫng hụt và cả sự nuối tiếc. Nhưng em có làm được gì đâu khi sức khỏe ngày một yếu dần và phụ thuộc hoàn toàn vào những lần chạy thận tại bệnh viện Bạch Mai.

Tai ương ơi xin hãy buông tha cho mẹ

Em đã viết như thế trong cuốn nhật kí nhỏ của mình khi hàng ngày phải chứng kiến cảnh mẹ tất tả cơ hàn. Hai chị em bệnh đã vậy thế mà ông trời vẫn không buông tha khi năm ngoái bắt bố em trong tình trạng “thập tử nhất sinh” phải tiến hành mổ não do tai biến. Bệnh viện thông báo số tiền phẫu thuật lên đến hàng trăm triệu đồng… khiến cô Hằng như ngã quỵ nhưng chẳng lẽ lại đứng nhìn chồng chết nên người vợ ấy lại hỏa tốc đi vay nóng, vay lãi mà không nghĩ đến ngày trả. Rồi số phận cũng mở một đường sống để chú Cường trở về với gia đình sau hai lần phẫu thuật tuy nhiên sức khỏe giảm sút nhiều không còn được như xưa.

 

Chồng đau yếu, số nợ còn bỏ ngỏ, lại phải ôm hai đứa con bệnh tật khiến người mẹ ấy không còn nước mắt để khóc nữa. Không còn chỗ nào vay mượn cộng với chi phí chạy thận 3 lần/tuần của Cung tại bệnh viện và thuốc uống của Mùa khiến cô đánh liều đành phải bán nước trộm trong bệnh viện kiếm đồng chữa cho con. Ngày nào cũng vậy cô đều gói gém đồ nghề trong chiếc túi vải cũ rồi lại len lén xách đi khắp bệnh viện hỏi ai mua nước thì bán với giá 3000 đồng/ cốc.

 

Có nhiều hôm khách chưa kịp trả tiền nhưng có người đi kiểm tra cô cũng phải chạy, ấy vậy mà chuyện bị bắt là bình thường nên thường mất trắng hết. Biết làm như thế là không được nhưng: “Tôi không còn cách nào cả nên đánh liều thôi cô ạ chứ lúc nào cũng nơm nớp lo”

 

Không còn cách nào khác, cô Hằng phải bán nước trộm trong bệnh viện lấy tiền chữa bệnh cho hai con

Không còn cách nào khác, cô Hằng phải bán nước trộm trong bệnh viện lấy tiền chữa bệnh cho hai con

Công việc hàng ngày bấp bênh hôm kiếm được vài chục nghìn hôm lại mất trắng chẳng được gì, ấy vậy mà khi gặp trong bệnh viện người phụ nữ ấy cứ níu chặt tay tôi như van xin khẩn thiết: “Cô có chụp ảnh tôi nhưng xin đừng nói tôi hay đứng bán nước ở vị trí nào không thì tôi chết mất… Ở nhà còn thằng Cung, cái Mùa nó chỉ biết trông chờ cả vào tôi thôi cô ạ”. Lời cầu xin của người mẹ ấy sao nghe đắng lòng xa xót vậy !

Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về: Cô Trần Thị Hằng và chú Đặng Văn Cường, đội 3, xóm 10, xã Hồng Thuận, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định. Số ĐT của cô Hằng: 01685.319.931 hoặc số ĐT của em Cung: 01692.285.005.

 

Nguồn Dân trí

 

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này