Hệ lụy từ những phút yếu lòng

11:31 | 09/08/2012
LĐTĐ - Cô đơn, xa nhà, vật chất tinh thần nghèo nàn, thiếu thốn... nên chỉ một sự quan tâm nho nhỏ của bạn khác giới cũng có thể khiến nữ CNLĐ mềm lòng, sẵn sàng yêu và “cho đi tất cả”, để rồi gánh lấy những hậu quả đau lòng...

Đắng ngắt cuộc tình vội

Tối thứ 7, phòng trọ của 4 nữ công nhân Công ty C.N (khu công nghiệp Bắc Thăng Long) tại thôn Bầu, xã Kim Chung, huyện Đông Anh vắng lặng, chỉ còn một mình Trang ngồi bó gối góc giường, hý hoáy nhắn tin. Nghe hỏi “Nhắn tin cho người yêu hay sao mà say sưa vậy?”, Trang cười buồn, giọng chua chát: “Yêu đương gì đâu chị, người ta cao chạy xa bay rồi”... Nhà nghèo, sức học có hạn nên hết lớp 12, Trang rời quê Vĩnh Phúc xuống Hà Nội làm công nhân. Lần đầu tiên xa gia đình, cô gái 17 tuổi không tránh khỏi nỗi trống trải, hụt hẫng. Đã vậy, cuộc sống công nhân lại đơn điệu, thiếu thốn. Mỗi ngày đối với Trang đều là vòng khép kín, từ nhà trọ tới công ty rồi lại về nhà trọ; ăn, làm việc, rồi ngủ, không ti vi, đài báo, không người chia sẻ. Khi tiền nhà, điện nước và giá cả tiêu dùng tăng cao, gánh nặng mưu sinh càng khiến Trang thấy mình bé nhỏ, cô đơn, thèm có người để sẻ chia, nương tựa. Đúng lúc ấy, Tùng xuất hiện. Tùng là công nhân một công ty cơ khí cùng khu công nghiệp, và trọ tại dãy nhà trọ cùng thôn. “Ban đầu chỉ là một cái nhìn, một lời hỏi thăm ân cần khi gặp em mệt mỏi trở về từ nhà máy mà cũng khiến em thấy mình ấm áp”, Trang kể. “Sau đó, anh ấy xin địa chỉ nhà trọ, tới chơi hàng ngày, rồi mời em đi uống nước, tặng vài món quà nhỏ, thế là em “đổ” liền. Yêu nhau một thời gian ngắn, anh ấy ngỏ lời hai đứa về sống chung vừa để tiện chăm sóc, vừa tiết kiệm chi phí, em không đắn đo, nhận lời ngay, em thật là dại dột”. Nói đến đây, Trang úp mặt vào hai bàn tay, nước mắt tuôn trào.

Nữ công nhân lao động  (Ảnh minh họa)

Giọng nói đứt quãng theo từng cơn thổn thức, Trang kể tiếp: “Về sống chung nhà, tiết kiệm đâu chẳng thấy, chỉ thấy tốn kém hơn, vì anh ấy lúc nào cũng kêu công ty khó khăn, ít việc, lương thấp, không đóng góp tiền nhà, tiền ăn nên mọi chi phí hầu như chỉ mình em gánh chịu. Trước đó, em còn tằn tiện, gửi được chút ít về giúp đỡ gia đình, nhưng từ khi chung sống, em chẳng những không gửi tiền về nhà được nữa mà còn phải vay thêm bạn bè để tiêu pha”. Tệ hại hơn, khi “con ong đã tỏ đường đi lối về”,  Tùng bắt đầu thay đổi thái độ, hay cáu gắt với Trang vô cớ và khi Trang báo tin có thai 3 tháng, Tùng nói về quê thưa chuyện bố mẹ để làm đám cưới và mất hút luôn. Hận tình, hận đời, Trang nhiều lần đã định quyên sinh, song được gia đình,bạn bè động viên, vả lại cũng thương “núm ruột” bé bỏng không có tội tình gì, cô đã tiếp tục sống, làm việc, sinh nở, nuôi con. “Giờ con em đã được một tuổi, đang ở quê với ông bà. Đó là niềm vui, động lực của em lúc này, còn chuyện yêu đương thì em cạch đến già”, Trang quả quyết.

Cảnh giác với những phút “yếu lòng”

Chuyện tình buồn của Trang không phải là hiếm với nữ CNLĐ. Theo phân tích của các chuyên gia tâm lý, nữ công nhân xa nhà, cuộc sống khó khăn, thiếu thốn nên rất cần một vòng tay ấm áp, một bờ vai để nương tựa. Chỉ cần một sự quan tâm nho nhỏ như một lời hỏi han, an ủi, một cử chỉ âu yếm, vuốt ve... của bạn khác giới cũng có thể khiến trái tim họ tan chảy. Nhất là khi anh ấy thỏ thẻ những lời dễ thương:“Mình dọn về sống chung đi nhé. Anh có thể chăm sóc em. Em nấu cơm cho anh ăn, hằng ngày mình cùng nhau đi làm” thì khó một cô gái xa nhà nào có thể từ chối được. Và khi hai con người đang tràn trề nhựa sống sống chung nhà thì chuyện quan hệ tình dục là không tránh khỏi, và mọi thiệt thòi chỉ thuộc về phái nữ. Khoan nói đến những trường hợp nữ công nhân bị đánh ghen tơi tả vì yêu nhầm người đã có vợ, thì trên thực tế, việc nạo phá thai chui gây tổn hại sức khỏe của công nhân, hay chuyện những đứa trẻ- hậu quả của những mối tình vội  bị bỏ rơi cũng rất nhiều.

Chuyên viên tâm lý Lý Thị Mai, Trung tâm Đào tạo và ứng dụng khoa học tâm lý Hồn Việt, phân tích: “Khi yêu thì người đàn ông nào cũng sẵn sàng đứng dưới mưa đợi em, thậm chí thức trắng đêm đợi em trước cổng nhà và ai cũng hùng hồn: Anh sẽ cưới em” nhưng khi “con ong đã tỏ đường đi lối về” thì người đàn ông nào cũng “làm biếng cưới”. Lúc ấy, chị em  lại phải đốt đuốc đi tìm các anh”. Cũng theo chuyên viên Lý Thị Mai, các nữ công nhân phải tỉnh táo, thận trọng, đừng vì những phút yếu lòng mà yêu vội để chịu nhiều bất trắc. Khi chuyện đã rồi, nếu chấp nhận mang thai, sinh con thì người phụ nữ lại phải nuôi con trong tủi nhục trước sự dè bỉu của nhiều người xung quanh. Còn nếu người con gái chọn cách phá thai thì sau này liệu bản thân họ có còn được cái hạnh phúc làm mẹ? Cuộc sống của các nữ công nhân vất vả, việc  mong tìm được một người yêu thương, một bến đỗ hạnh phúc là mong muốn chính đáng. Nhưng đừng vì thế mà nóng vội, dễ dãi trong việc chọn người yêu để phải gánh chịu thiệt thòi.

Khoan nói đến những trường hợp nữ công nhân bị đánh ghen tơi tả vì yêu nhầm người đã có vợ, thì trên thực tế, việc nạo phá thai chui gây tổn hại sức khỏe, hay chuyện những đứa trẻ- hậu quả của những mối tình vội bị bỏ rơi cũng nhiều.   

Ngọc Tú

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này