Bác sĩ của khu phố

16:26 | 31/05/2019
(LĐTĐ) Hằng tháng khi đi nhận lương hưu, thấy mọi người đều phải chờ đợi đến lượt mình rất lâu và mệt nhọc, người đàn ông thanh mảnh, tóc bạc trắng, nhưng có gương mặt hiền từ, phúc hậu ấy đã nghĩ ra sáng kiến khám, tư vấn sức khỏe miễn phí cho từng người trong khi chờ đợi. Sáng kiến này của ông đã giúp được nhiều người phát hiện sớm tình trạng bệnh để kịp thời điều trị.
bac si cua khu pho Bộ Y tế: Vinh danh những người thầy trong ngành y
bac si cua khu pho Sáng mãi tấm gương thầy thuốc ưu tú

Lập chốt khám “di dộng”

Ông là Thầy thuốc Ưu tú Nguyễn Kim Chi, 85 tuổi, sống tại tổ 13, phường Quang Trung, TP. Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên. Từ năm 2005 đến nay, đều đặn vào ngày lĩnh lương hưu hằng tháng, ông Chi đều đến địa điểm phát lương từ rất sớm.

Mỗi lần đi, người đàn ông này đều mang theo máy đo huyết áp, chọn cho mình một bàn để ngồi và “hành nghề”. Ai có nhu cầu đều được ông đo huyết áp, tư vấn sức khỏe miễn phí. Cứ như vậy suốt hơn 10 năm qua, lần nào ông Chi cũng là người đi sớm nhất nhưng lại lấy lương sau cùng.

bac si cua khu pho
“Thầy thuốc ưu tú” Nguyễn Kim Chi chữa bệnh miễn phí tại nhà cho người dân. Ảnh: LĐ

Ông Hưng, một người dân phường Quang Trung chia sẻ: “Trước đây mỗi lần đi lĩnh lương, chúng tôi đều phải chờ rất lâu và mệt mỏi. Nhưng chục năm trở lại đây, chúng tôi có thêm một niềm vui là được ông Chi đo huyết áp, khám, tư vấn sức khỏe miễn phí. Hơn nữa, người già phần nhiều bị huyết áp cao, lại thường không có máy đo tại nhà nên vô cùng nguy hiểm. Việc làm của ông Chi là vô cùng hữu ích, giúp người dân khu phố tôi kiểm soát được huyết áp, sức khỏe để điều chỉnh chế độ ăn uống cho phù hợp”.

Trước đó từ năm 2009, ông Chi cũng đã thành lập một chốt sơ cấp cứu tại nhà mình. Theo ông, lý do là con đường Lương Ngọc Quyến chạy qua cửa nhà ông vừa gần bến xe khách, gần Trường THPT chuyên Thái Nguyên và cũng là con phố tấp nập các dịch vụ kinh doanh buôn bán, nên lưu lượng người tham gia giao thông rất lớn, va quệt giao thông là việc rất dễ xảy ra.

bac si cua khu pho
Ông Chi và vợ luôn tâm niệm giúp người khác cũng chính là tạo niềm vui cho mình

Những người bị va quệt nhẹ ở khu vực này tìm đến đều được ông sơ cứu và cho thuốc miễn phí. Hiện nay, ông Chi cũng dành nguyên một căn phòng nhỏ làm phòng khám, chữa bệnh miễn phí cho mọi người. Căn phòng khám nhỏ của ông không lúc nào cũng đầy người đến nhờ ông tư vấn bệnh.

Suốt cả buổi sáng chúng tôi đến gặp, ông đều luôn tay không nghỉ, hết khám, tiêm cho bệnh nhân, lại cho quà bánh dỗ dành con trẻ đang ốm quấy. Bà Mai Thị Hà, một “bệnh nhân” ở phòng khám nhà ông Chi - cho biết: “Tôi bị đau lưng đã nhiều năm, chúng tôi ở nông thôn, kinh tế khó khăn không có điều kiện để chạy chữa nhiều, may có người mách tìm đến ông Chi. Được ông điều trị cho tôi thấy đỡ hẳn. Mỗi ngày điều trị cho tôi ngoài tiền thuốc tiêm ra, ông không lấy của tôi một đồng tiền công nào cả. Trên đời còn những người như ông thật phúc đức quá!”.

Một cách thể hiện lòng yêu nước

Ông Chi sinh ra và lớn lên ở thôn Trung Lập, xã Phùng Chí Kiên, huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên. Là người có tuổi thơ khốn khó, mất bố khi ông mới lên 5 tuổi, rồi mất mẹ khi 11 tuổi. Ngay từ khi trưởng thành, ông đã nhập ngũ và tham gia chiến đấu bảo vệ quê hương đất nước.

Năm 1950, ông được đơn vị cử đi học lớp quân y và tham gia chiến dịch Biên giới. Chiến dịch kết thúc, ông được chỉ định làm cán bộ quân y ở lại chăm sóc sức khỏe cho tù binh. Sau Hiệp định Geneva, nước ta trao trả hết tù binh (trước tháng 10.1954), ông về Hà Nội tiếp tục công tác và học tập ở các đơn vị thuộc Cục Địch vận. Tiếp đó, ông được phân công là y tá trưởng Báo Quân đội Nhân dân và khối Văn nghệ Quân đội.

Năm 1982, ông đã được Bộ Y tế chỉ định làm Trưởng đoàn chuyên gia y tế Việt Nam tại Angola (Châu Phi). Đến năm 1985 ông lại được Bộ Y tế cử sang Phnom Penh (Campuchia) làm Viện trưởng Bệnh viện Chuyên gia của Việt Nam tại đây. Năm 1989, ông về nhận công tác tại Bệnh viện Đa khoa Thái Nguyên (nay là Bệnh viện Đa khoa T.Ư Thái Nguyên) tận đến khi về hưu.

Mặc dù đã từng là một chuyên gia công tác nhiều năm tại nước ngoài, từng là bác sĩ phụ trách một phòng khám quan trọng ở Bệnh viện Đa khoa Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh thế nhưng ông chưa bao giờ nề hà công việc. Khi đã về hưu, lúc đó trạm y tế của phường thiếu người đảm trách công việc của nhân viên y tế thôn bản, ông cũng không nề hà mà đứng ra làm.

Chia sẻ về việc làm của mình, ông Chi cho biết thêm: “Ban đầu, thấy tôi làm công việc này, rất nhiều người cho rằng tôi tôi đang “vác tù và hàng tổng”, làm việc không đâu. Nhưng bản thân tôi cho rằng đó là công việc có ích cho xã hội, cho cộng đồng. Tôi nghĩ làm việc ở đâu, vị trí nào không quan trọng, quan trọng là tôi được đem kiến thức và tâm huyết của mình để phục vụ mọi người. Đảng, Nhà nước đã đào tạo cho tôi có nghề nghiệp, giờ về còn có thể phục vụ bà con mà không làm gì thì vừa lãng phí kiến thức và như thế cũng không xứng đáng là người lính cụ Hồ. Tôi nghĩ đó cũng là cách để thể hiện lòng yêu nước của mình”.

Với suy nghĩ ấy, nhiều năm qua, bất kể ngày cũng như đêm, nắng cũng như mưa, chiếc xe đạp thống nhất là bạn, hễ nhà nào có người ốm đau tìm đến là ông lại sẵn sàng có mặt, tận tâm chăm sóc như người trong gia đình. Bà Bế Thị Kim Oanh (vợ ông Chi) ngồi bên cạnh chia sẻ: “Ông ấy giúp đỡ người khác tận tình lắm, có nhiều lần ông ấy đi xa mà tôi lo quá.

Tôi nhớ mãi có lần một anh đến tìm ông rụt rè bảo: “Bố con đang bị ốm rất nặng, con muốn nhờ ông đến khám giúp”. Chẳng kịp hỏi xem anh ta là ai, ông vội vào trong lấy chiếc áo mưa và túi đựng đồ trèo lên xe máy. Chuyến đi đó ông lên tận Bắc Cạn, đi qua huyện Chợ Mới chừng mấy cây số. Sau khi khám bệnh, dặn dò người nhà cho bệnh nhân uống thuốc theo đơn ông đã kê rồi lại quay về Thái Nguyên. Gia đình anh công an nọ muốn gửi ông chút tiền để bày tỏ lòng biết ơn, ông một mực từ chối với lý do ông đi khám bệnh không phải để lấy tiền”.

Ông Chi là vậy, chưa bao giờ ông nề hà bất cứ chuyện gì. Quanh khu phố ông sống có những bệnh nhân mắc AIDS giai đoạn cuối, mọi người đều tránh né ngại tiếp xúc. Nhưng hàng ngày ông vẫn đến tiêm, cho uống thuốc, hướng dẫn người nhà cách chăm sóc mà chẳng lấy một đồng nào.

Ông nói rằng muốn việc làm của ông sẽ góp phần lan tỏa lòng tốt đến mọi người. Chia tay vợ chồng ông Chi, bà Oanh tôi vẫn còn ấn tương mãi với đôi vợ chồng già này. Hoá ra, đúng như người đàn ông này đã tâm sự, lòng yêu nước không ở đâu xa, nó xuất phát từ những việc làm giản dị hằng ngày.

K. Tiến

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này