Chỉ mong các con được đến trường

11:33 | 15/08/2012
LĐTĐ - Điều khiến chị Lụa lo lắng nhất là các con có nguy cơ “đứt gánh giữa chừng” vì không có tiền ăn học, người mẹ già lại ốm đau không có tiền thuốc thang. Căn nhà rách nát là chỗ nương thân cuối cùng của 6 con người cũng đã đến lúc ngân hàng cho thu hồi vốn.

Chồng ra đi trong một tai nạn giao thông, để lại cho người vợ bệnh tật 4 đứa con nhỏ và người mẹ già. Nỗi lo sự sống của 6 con người ngày càng đè nặng lên đôi vai của chị khi căn nhà rách nát cũng đã đến lúc ngân hàng thu hồi vốn.

Các em luôn phấn đấu học tập tốt với ước mơ không phải bỏ học.

Các em luôn phấn đấu học tập tốt với ước mơ không phải bỏ học.

Chúng tôi về thăm gia đình chị Nguyễn Thị Lụa ở xóm Lâm Bình, Sơn Lâm, Hương Sơn (Hà Tĩnh), căn nhà nhỏ rách nát, xập xệ. Những ánh nắng chói chang rọi xuống các lỗ hỏng của căn nhà nóng như thiêu như đốt. Để có được cái ăn hàng ngày, đứa con gái lớn nhất của chị mới 13 tuổi đã phải vào rừng bó củi thuê để kiếm mỗi ngày 30.000 đồng mua gạo. Ở nhà mấy đứa nhỏ đi bắt ốc ở các khe suối gần nhà để chuẩn bị cho bữa cơm. Nhìn những ánh mắt trẻ thơ trong veo cặm cụi nhặt những con ốc nhỏ xíu để mưu sinh khiến chúng tôi không khỏi chạnh lòng.

Cách đây 2 năm tai họa ập xuống với gia đình chị Lụa khi chồng là anh Phan Văn Thống bị tai nạn giao thông. Cuộc sống gia đình từ trước tới nay vốn khó khăn vì đông con. Bản thân chị Lụa lại sức khỏe yếu không làm được việc nặng. Nhưng vì muốn cứu chồng chị đã bán sạch tài sản trong nhà, vay mượn khắp nơi. Trong đó nợ ngân hàng lên đến 70 triệu đồng nhưng người chồng cũng đã bị tử thần rước đi để lại cho chị 4 đứa con thơ dại.

Nhìn vào di ảnh của người chồng xấu số chị Lụa kéo vạt áo lau những giọt nước mắt tủi phận: “Anh ấy đi rồi, con cái thì còn quá nhỏ, tui cật lực lao động cả ngày cũng không đủ trả lãi ngân hàng. Đã 1 năm nay tui không thể đóng tiền lãi nữa, ngân hàng đã cho người đến thu hồi vốn, không biết rồi đây cuộc sống của 4 đứa nhỏ và người mẹ già sẽ như thế nào nữa”.

Thương các con đang nhỏ mà phải chiụ cảnh thiếu thốn từ cái ăn đến cái mặc nên chị gửi đứa con chưa đầy 2 tuổi cho hàng xóm trông nom, suốt ngày cặm cụi trong rừng chặt củi. Nhưng sức khỏe yếu nên chị thường xuyên bị ngất xỉu. Cuộc sống của chị càng khó khăn chồng chất hơn khi đứa con trai thứ 2 là em Phan Quang Nhật (sinh năm 2001) trong lúc chị đi làm thì ở nhà bị điện giật. Lại một lần nữa chị lại gõ cửa người quen khắp nơi vay mượn tiền để cứu con. Tuy thoát khỏi “lưỡi hái tử thần” nhưng không có điều kiện chăm sóc thuốc thang nên sức khỏe Nhật ngày càng yếu, ốm đau triền miên.

Bữa ăn của các em chỉ có cơm trắng và mấy con ốc bắt ở khe suối gần nhà.

Bữa ăn của các em chỉ có cơm trắng và mấy con ốc bắt ở khe suối gần nhà.

Nhìn đứa con gầy gò nước da xanh xao của mình chị rưng rưng: “Vất vả cả ngày mới kiếm được cái ăn cho các con. Nhưng thằng Nhật mỗi bữa nó chỉ ăn được một vài thìa cơm. Nhìn nó tui rất buồn lòng. Suốt ngày chỉ nằm trên giường, tui cũng muốn đưa con đi khám và mua ít thuốc bổ nhưng tích góp mãi mà cũng không đủ tiền”.

Thấy chị hay bị ngất xỉu trong rừng nên người anh trai đưa chị đi khám bệnh viện ở TP Vinh (Nghệ An) thì bác sĩ kết luận chị bị thoái hóa 3 đốt sống lưng và bướu cổ. Các bác sĩ khuyên chị nên mổ sớm nếu không sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe nhưng vì quá nghèo nên chị đành cắn răng chịu đau đớn để lo cho các con.

Nhưng điều khiến chị lo lắng nhất là các con có nguy cơ “đứt gánh giữa chừng” vì không có tiền ăn học, người mẹ già lại ốm đau không có tiền thuốc thang. Căn nhà rách nát là chỗ nương thân cuối cùng của 6 con người cũng đã đến lúc ngân hàng cho thu hồi vốn: “Bệnh tật thì tui đang cố gắng chịu đựng được, nhưng nghĩ đến cảnh các con không có tiền để tiếp tục đến trường tui thương chúng nó lắm”.

Tuy thiếu thốn về mọi mặt không có tiền mua sách vở nhưng các con chị đều chăm ngoan học giỏi, năm nào cũng đạt danh hiệu học sinh tiên tiến. Chuẩn bị bước vào năm học mới chị lại chưa có tiền đóng học phí cho các con. Định bụng cho đứa con gái đầu nghỉ học để lo cho 2 đứa em. Nhưng nhìn các con suốt ngày đi khắp xóm xin những quyển sách cũ về chuẩn bị tựu trường chị lại không đành lòng: “Thấy đứa nào cũng ham học, thương con đứt ruột nên tui nhờ hội trưởng hội phụ huynh đi xin nhà trường mong các con không thất học. Cũng may thầy hiệu trưởng đồng ý miễn giảm học phí cho đứa thứ 2 và đứa thứ 3”.

Bà Phan Thị Cu (78 tuổi) mẹ chị Lụa đưa ánh mắt mờ đục nhìn chúng tôi buồn bã: “Đến cái tuổi này rồi nhưng nhìn con bệnh tật, cháu thì nheo nhóc khổ sở như vậy có chết tui cũng không nhắm mắt được. Đứa cháu út của tui chưa đầy 2 tuổi mà cơm cũng không đủ cho nó ăn, mỗi lần nhìn nó ngồi chòi con ốc với mấy cháu lớn là cổ họng tui cứ nghẹn lại”.

Căn nhà, chỗ n

Căn nhà, chỗ nương thân của 6 con người ngày càng tồi tàn, rách nát.

Là hộ đặc biệt khó khăn nuôi 4 đứa con thơ và một mẹ già đau yếu, xã có trợ cấp cho mỗi tháng được 180.000 đồng. Số tiền ít ỏi, cộng với sức lao động của mình chị mới lo được cho các con và người mẹ già rau cháo qua ngày. Còn bản thân mình biết là bệnh tật không có thuốc thang sẽ ngày càng nặng nhưng chị đành cắn răng chịu đựng chỉ mong sao các con có chỗ nương thân, được học hành đến nơi đến chốn.

Người chồng ra đi đã 2 năm nay, nỗi đau trong lòng chị chưa hôm nào nguôi, bởi một phần thi thể anh đang ở lại bệnh viện Việt Đức. Mong ước cuối cùng của chị là được một lần ra Hà Nội để đưa nốt phần xương sọ của chồng về mai táng để anh được an nghỉ. Nhưng ngặt một nỗi chị không thể đi xa một ngày khi các con còn quá nhỏ. Rồi tiền chi phí đi lại với chị cũng là quá sức. Nước mắt của người vợ trẻ lại rơi và chưa biết đến khi nào mới thôi ngừng rơi !

Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về:

Chị Nguyễn Thị Lụa ở xóm Lâm Bình, Sơn Lâm, Hương Sơn, Hà Tĩnh.

ĐT: 01695.724.729

Nguồn Dân trí

 

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này