“Trục lợi” Quỹ BHXH: Chính phủ cần có giải pháp ngăn chặn

15:19 | 24/05/2019
(LĐTĐ) Tình trạng chậm đóng, trốn đóng, nợ đọng bảo hiểm xã hội (BHXH) của các doanh nghiệp; nhiều hình thức trục lợi quỹ BHXH của các cá nhân, đơn vị ngày càng tinh vi, khó phát hiện gây thiệt hại lớn đến quyền lợi của người lao động... Đây là những vấn đề khiến cử tri bức xúc, kiến nghị Quốc hội cần tăng cường kiểm tra, xử lý tình trạng trốn, nợ đóng BHXH.
truc loi quy bhxh chinh phu can co giai phap ngan chan Không có chuyện quỹ BHXH mất cân đối vào năm 2025
truc loi quy bhxh chinh phu can co giai phap ngan chan Từ 1/1/2018: Lao động nước ngoài ở VN đóng 8 % lương vào quỹ BHXH
truc loi quy bhxh chinh phu can co giai phap ngan chan Chi phí quản lý của Bảo hiểm xã hội VN: Trong mức cho phép

Phản ánh về ý kiến của cử tri, Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội Nguyễn Thanh Hải cho biết: Từ kỳ họp thứ 4 đến nay, cử tri nhiều địa phương như TP Hồ Chí Minh, Quảng Nam, Thừa Thiên Huế, Hải Dương… đã phản ánh về tình trạng chậm đóng, trốn đóng, nợ đóng BHXH của các doanh nghiệp, xuất hiện nhiều hình thức trục lợi quỹ BHXH của các cá nhân, đơn vị ngày càng tinh vi, khó phát hiện gây thiệt hại lớn đến quyền lợi của người lao động.

truc loi quy bhxh chinh phu can co giai phap ngan chan
Đại diện doanh nghiệp nợ BHXH đề nghị ngành BHXH, Chính phủ có biện pháp tháo gỡ vướng mắc về nợ BHXH

Tiếp thu kiến nghị, ngành BHXH đã tích cực áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp trong công tác quản lý, thực hiện thu hồi nợ có hiệu quả như thông báo kịp thời hàng tháng cho chủ doanh nghiệp về kết quả đóng BHXH để doanh nghiệp chủ động đóng tiền; thực hiện thường xuyên các cuộc kiểm tra, thanh tra chuyên ngành, liên ngành (năm 2018 đã tiến hành 16.093 cuộc, tăng 1,84 lần so với năm 2017) tại 16.387 đơn vị, phát hiện và kịp thời xử lý nhiều sai phạm (số Quyết định xử phạt vi phạm hành chính là 1.051 với tổng số tiền xử phạt hành chính là 3,422 tỷ đồng).

Tuy nhiên, tính đến hết năm 2018 tổng số tiền nợ phải tính lãi chậm đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp vẫn là 5,715 tỷ đồng (trong đó 2,750 tỷ đồng là số tiền nợ của các doanh nghiệp đã giải thể, phá sản, mất tích, khó có khả năng thu hồi).

Đặc biệt, tiếp thu kiến nghị cử tri, Bộ luật Hình sự năm 2015 đã bổ sung quy định đối với các tội về hành vi trục lợi, trốn đóng, nợ đọng, gian lận các loại BHXH và BHYT. Tuy nhiên, sau hơn 1 năm luật có hiệu lực vẫn chưa khởi tố vụ án nào, nguyên nhân là do còn thiếu một số văn bản hướng dẫn về áp dụng các quy định của Bộ luật Hình sự về tội phạm liên quan đến lĩnh vực BHXH, BHYT; tư cách pháp lý của cơ quan BHXH trong việc tham gia tố tụng.

Đối với các tranh chấp dân sự liên quan đến lĩnh vực bảo hiểm, như việc khởi kiện dân sự ra tòa đối với các hành vi vi phạm pháp luật, xâm phạm quyền lợi về BHXH của người lao động còn một số vướng mắc về quy trình, thủ tục cũng như tâm lý chung của người lao động còn e ngại trong việc tự mình hoặc ủy quyền cho tổ chức Công đoàn khởi kiện ra tòa đối với chính người chủ doanh nghiệp nơi họ đang làm việc, do vậy số vụ việc khởi kiện ít nên quyền lợi người lao động vẫn tiếp tục bị ảnh hưởng.

Số vụ Công đoàn tiếp nhận hồ sơ tăng dần qua các năm (2016: 1.173 hồ sơ; 2017: 2.708 hồ sơ; 2018: 2.934 hồ sơ); số vụ Công đoàn nộp tòa án cũng tăng dần qua các năm (2016: 47 vụ; 2017: 201 vụ; 2018: 232 vụ); nhưng chưa có vụ nào được đưa ra xét xử (Số liệu do Tổng LĐLĐ Việt Nam và BHXH Việt Nam cung cấp cho Thư viện Quốc hội theo yêu cầu của đại biểu Quốc hội gửi Thư viện Quốc hội).

Bà Nguyễn Thanh Hải nêu kiến nghị, Chính phủ cần có giải pháp ngăn chặn kịp thời, hiệu quả tình trạng chậm đóng, trốn đóng, nợ đóng BHXH, trục lợi từ quỹ BHXH của các cá nhân, doanh nghiệp; tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm, thu hồi nợ BHXH, bảo đảm quyền lợi của người lao động.

Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao phối hợp nghiên cứu ban hành văn bản hướng dẫn một số quy định của Bộ luật Hình sự về các tội phạm liên quan đến lĩnh vực BHXH; phối hợp với cơ quan, tổ chức có liên quan ban hành hoặc trình cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản quy định trình tự, thủ tục khởi kiện doanh nghiệp vi phạm pháp luật về BHXH, bảo vệ quyền lợi của người lao động.

Bày tỏ quan điểm về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) Đào Ngọc Dung cho rằng: Muốn hạn chế tình trạng nợ, trốn đóng BHXH, cần phải làm tốt công tác quản lý, cập nhật thông tin cho người lao động biết. Theo Bộ trưởng, để khắc phục việc nợ, trốn đóng BHXH, vừa rồi, Chính phủ yêu cầu ngành BHXH trả sổ bảo hiểm cho từng người lao động; cập nhật phần mềm thu nộp BHXH của từng cá nhân thông qua điện thoại.

Người lao động có quyền cập nhật, theo dõi từng tháng, doanh nghiệp đã đóng BHXH cho người lao động chưa, và cập nhật thông tin ngay qua điện thoại. Tuy nhiên, do từ trước nay chưa làm được vấn đề này, nên doanh nghiệp có khi hàng năm không đóng, người lao động cũng không biết.

“Muốn hạn chế tình trạng chậm đóng, trốn đóng BHXH, phải làm tốt công tác quản lý, cập nhật thông tin cho người lao động biết. Hiện ngành BHXH đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, qua đó công khai, minh bạch hóa tình trạng đóng - hưởng BHXH cho người lao động biết. Đây được coi là một trong những giải pháp hiệu quả góp phần giải quyết tình trạng nợ đọng BHXH”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết.

B.Duy

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này