Liên quan đến tăng giá điện: Đề nghị Kiểm toán vào cuộc cho khách quan

11:29 | 23/05/2019
(LĐTĐ) Dẫu Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh được sự ủy quyền của Thủ tướng đã báo cáo, giải trình thêm với Quốc hội liên quan đến vấn đề tăng giá điện khiến dư luận đặc biệt quan tâm thời gian gần đây, song một số đại biểu Quốc hội vẫn đề nghị Kiểm toán vào cuộc cho khách quan.
lien quan den tang gia dien de nghi kiem toan vao cuoc cho khach quan Bộ Công Thương khẳng định: Không có bất thường trong điều chỉnh giá điện
lien quan den tang gia dien de nghi kiem toan vao cuoc cho khach quan Làm rõ việc tăng giá điện, xăng dầu

Tăng đúng lộ trình

Về quy trình tăng giá, theo Báo cáo từ tháng 11/2018, Văn phòng Chính phủ (VPCP) đã có thông báo kết luận của Phó thủ tướng Vương Đình Huệ về công tác điều hành giá điện năm 2019, theo đó chỉ đạo Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, EVN xây dựng các phương án điều chỉnh giá điện vào thời điểm phù hợp trong năm 2019. Tiếp đó, cuối năm 2018 và tháng 1/2019, EVN đã 3 lần báo cáo Bộ Công Thương về phương án giá bán lẻ điện bình quân năm 2019. Ngày 29/1/2019, Bộ Công Thương có báo cáo tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phương án điều chỉnh giá điện năm 2019 với các phương án tăng giá 7,31%; 8,36% và 9,26%.

Sau đó, Văn phòng Chính phủ có thông báo kết luận của Thủ tướng về chủ trương điều chỉnh giá bán lẻ điện năm 2019 theo phương án tăng 8,36% so với mức giá bán lẻ điện bình quân hiện hành và yêu cầu Bộ Công Thương lựa chọn thời điểm thích hợp trong khoảng từ ngày 15/3 đến ngày 30.3 để thực hiện việc điều chỉnh. Tiếp đến, ngày 19.3, Bộ Công Thương có văn bản báo cáo Thủ tướng về điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân năm 2019, trong đó đề nghị Thủ tướng cho ý kiến chỉ đạo về việc điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân năm 2019 lên 1.864,44 đồng/kWh, tăng 8,36% kể từ ngày 20.3 và một ngày sau thì được Thủ tướng đồng ý.

lien quan den tang gia dien de nghi kiem toan vao cuoc cho khach quan
Tranh minh họa

Về mức tăng, Báo cáo cho hay với các thông số đầu vào thì giá điện bình quân năm 2019 là 1.864,44 đồng/kWh (các chi phí trong tính toán giá điện chỉ bao gồm chi phí sản xuất kinh doanh của các hoạt động trong lĩnh vực điện, không bao gồm lĩnh vực khác và đầu tư ngoài ngành), tương ứng tỷ lệ tăng giá so với giá bán lẻ điện bình quân hiện hành là 8,36%.

Chính phủ cũng lưu ý rằng phương án giá bán lẻ điện bình quân đã thực hiện chưa bao gồm khoản chênh lệch tỷ giá thực hiện hợp đồng mua bán điện dự kiến năm 2018 của các nhà máy điện (khoảng 3.266 tỉ đồng) vào năm 2019, nếu bổ sung thêm chi phí này, tổng chênh lệch tỷ giá thực hiện hợp đồng mua bán điện là 7.090,8 tỉ đồng, khi đó giá bán lẻ điện bình quân năm 2019 sẽ là khoảng 1.879,90 đồng/kWh, tương ứng tỷ lệ tăng giá so với giá bán lẻ điện bình quân hiện hành là 9,26%. Tuy nhiên, để tránh tác động lớn đến chỉ số CPI và để ổn định kinh tế vĩ mô, Thường trực Chính phủ đã lựa chọn phương án tăng 8,36%.

Giải thích thêm về việc cân nhắc lựa chọn thời điểm tăng giá (từ ngày 15 - 30/3) Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho hay là theo đề xuất của liên Bộ và Tổng cục Thống kê. Theo quy luật, chỉ số CPI thường tăng cao vào tháng 2 (dịp nghỉ tết Âm lịch) và sẽ giảm mạnh trong tháng 3, nên sẽ không tác động nhiều đến chỉ số CPI bình quân cả năm và kiềm chế được lạm phát kỳ vọng. Theo đánh giá của liên Bộ Công Thương, Tài chính, Ngân hàng Nhà nước và Tổng cục Thống kê, dự kiến điều chỉnh giá điện bán lẻ bình quân tăng bình quân 8,36% vào ngày 20/3 sẽ làm CPI cả năm tăng 0,3%.

Đề nghị Kiểm toán vào cuộc

Mặc dù Bộ Công Thương được sự ủy quyền của Chính phủ đã báo cáo về lý do tăng giá điện và vì sao phải tăng, song tại phiên thảo luận ở tổ về tình hình kinh tế- xã hội một số đại biểu vẫn còn một số ý kiến băn khoăn. Đại biểu Lê Thu Hà (Lào Cai) cho rằng, trên thực tế, giá điện không tăng 8,36% như EVN công bố.

Cụ thể, theo ĐB Hà bóc tách thực tế tăng giá điện lũy tiến so với mức cơ sở trước khi tăng giá, các chuyên gia kinh tế cho thấy, người tiêu dùng ở bậc 6 (từ 401 kwh trở lên) phải chi trả đến 2927 đồng cho 1kwh. Mức này tăng đến 189% so với giá cơ sở (1549 đồng), và tăng đến 15% so với bậc 6 (174%) trước khi chưa tăng giá - không phải là 8,37% như EVN đệ trình để Chính phủ thông qua cho bậc 6. Đối với bậc 3 (101-200 kwh) theo EVN là phổ cập, thì mức giá mới 2014 đồng sẽ có sự gia tăng lên 130% so với mức cơ sở (1549 đồng) hơn 10% so với giá cũ 1858 đồng (120%), khác với 8,4% mà EVN thông báo.

Tương tự, sự gia tăng giá điện ở bậc 4 (201- 300 kwh) là 12,7% ( 163,7%-151%), và ở bậc 5 (301-400kwh) là 14.2% (183%-168,8%). Như vậy thực chất mức tăng mới là 10%, 12,7%, 14,2%,15%, khác với 8,33 - 8,40% trong đề xuất trình Chính phủ phê duyệt. Phần lớn người dân phải chịu mức tăng lũy tiến ở các bậc 130%, 163%, 183% và 189% so với mức cơ sở trước tăng giá, bà Hà nói.

"Vấn đề đặt ra ở đây chúng tôi cần sự minh bạch của điện lực về mức giá đúng của 1 kWh điện. Nếu có mức giá đúng mới biết mức tăng giá từ mức cơ sở lên mức lũy tiến là như thế nào. Tôi cho rằng nên đề xuất kiểm toán cách tính toán đầu vào giá điện cũng như cách kinh doanh điện trong thời gian qua. Báo cáo Bộ Công Thương gửi thấy lý giải rất nhiều lý do, nhưng cá nhân tôi cảm thấy báo cáo chưa đáp ứng được yêu cầu của cử tri cũng như thông tin đến đại biểu Quốc hội. Vì vậy, đề nghị Kiểm toán Nhà nước vào cuộc, báo cáo Quốc hội tại kỳ họp tới...". ĐB Hà nhấn mạnh.

Cũng quan tâm đến giá điện, đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP. HCM) phản ánh, nhiều ngày nay đều nhận được câu hỏi của cử tri "giá điện liệu có giảm không?" khi hoá đơn tiền điện của người dân tăng cao sau đợt điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân thêm 8,36% từ ngày 20/3 và cử tri cho rằng ngành điện vẫn chưa minh bạch. Đồng thời, ĐB Ngân không đồng tình với cách chia biểu giá điện thành 6 bậc thang hiện nay. Dẫn báo cáo của Chính phủ, ĐB Ngân nêu, hiện Nhật Bản chỉ có 3 bậc thang giá điện, Thái Lan 7 bậc, Việt Nam 6 bậc nhưng cách chia và định mức mỗi bậc của Việt Nam chưa thật hợp lý với bối cảnh nhu cầu dùng điện của người dân đang tăng.

Hiện nay nhu cầu sử dụng điện của người Việt Nam tăng lên do thu nhập tăng, nhu cầu và điều kiện sử dụng các thiết bị phục vụ sinh hoạt cũng tăng lên. Do đó bậc thang tính giá điện phải thay đổi để mức tăng giá điện 8,36% không ảnh hưởng nhiều đến người dân", đại biểu Ngân phát biểu. Để cách tính minh bạch, khoa học ĐB Ngân đề xuất gộp bậc 1 và bậc 2 thành một bậc từ 0-100 kWh, bậc 3 và bậc 4 thành một bậc từ 101-300 kWh. Ngoài ra một số ĐB cũng không đồng tình cách giải thích của Bộ Công Thương nhưng “hẹn” đến phiên chất vấn mới nêu vấn đề.

H. Phạm- H- Xuân

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này