Đừng biến đất trống thành bãi tập kết rác

12:35 | 07/05/2019
(LĐTĐ) Thời gian qua, mặc dù TP Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp để giải quyết vấn nạn rác thải nhưng tình trạng người dân vứt rác không đúng nơi quy định vẫn còn tồn tại. Vấn nạn này đã biến những bãi đất trống ở các khu dân cư, nơi đặt các thùng tập kết rác thành những “bãi rác” trong lòng thành phố, gây ô nhiễm môi trường, mất đi vẻ mỹ quan đô thị.
dung bien dat trong thanh bai tap ket rac Văn minh hơn từ việc thu gom rác theo giờ
dung bien dat trong thanh bai tap ket rac Hà Nội: Sửa đổi giá dịch vụ thu gom, xử lý chất thải rắn công nghiệp
dung bien dat trong thanh bai tap ket rac Thu gom rác thải điện tử tại nhà

Việc thu gom rác thải đô thị trong tình trạng một số người dân thiếu ý thức vứt rác bừa bãi luôn là vấn đề nóng được dư luận quan tâm hiện nay. Kể từ ngày 1/2/2017, khi Nghị định 155/2016/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường của Chính phủ có hiệu lực, với mức phạt lên đến hàng triệu đồng, gấp 10 lần so với trước thì đường phố Hà Nội một số nơi vẫn xuất hiện rất nhiều rác thải mọi lúc mọi nơi, đặc biệt là tại các bãi đất trống.

dung bien dat trong thanh bai tap ket rac
Một số khu đất trống bị biến thành bãi tập kết rác

Theo phản ánh của một số người dân, những bãi đất trống tại các phường, quận trên địa bàn Hà Nội thường bị biến thành nơi tập kết rác. Đơn cử một vài địa điểm trên địa bàn quận Bắc Từ Liêm như ngõ 84 (Cổ Nhuế 2), ngách 47/142 (Cổ Nhuế)…một số khu đất trống nơi tập kết đủ loại rác, từ nhành cây vừa mới đốn hạ, xà bần, chiếu nệm cũ cho đến cả rác sinh hoạt…

Qua tìm hiểu, rác này do người dân sống trong khu dân cư và cả những người dân bên ngoài tiện tay đến đổ. Theo quan sát tại đây, các loại rác thải đều có kích thướt lớn, nặng... người dân phải trả thêm tiền thì nhân viên thu gom rác mới chở đi. Vì vậy để không tốn thêm chi phí, nhiều người đã chọn cách vứt rác ra các bãi đất trống. Đó cũng là lý do khiến những bãi đất trống hiện nay bỗng nhiên trở thành nơi đổ rác.

Ngoài ra, tại các đoạn đường vắng người cũng là nơi tập trung nhiều rác thải. Có thể kể đến một số đoạn trên đường Nguyễn Xiển (Thanh Xuân, Hà Nội), mặc dù trên đoạn đường này có tấm bản lớn đề dòng chữ “cấm vứt rác” nhưng những đoạn không có nhà thì bịch nilon đủ màu, vỏ bắp, ly nhựa... nằm chồng lên nhau như một bãi rác. Những rác thải này xuất phát từ người đi đường và của người dân sống, buôn bán trên đoạn đường này.

Không dừng lại ở đó, nếu có dịp dạo quanh các tuyến đường Nguyễn Trãi, Kim Mã, Trần Cung, Nguyễn Hoàng Tôn… chúng ta dễ dàng bắt gặp nhiều “ổ rác” xung quanh các thùng tập kết rác ngay trên các tuyến đường trong thành phố. Chẳng hạn, đường Kim Mã, xung quanh các thùng để rác là những bịch rác lớn, nhỏ nằm bừa bãi trên mặt đường, gây mất mỹ quan đường phố.

Được biết, những thùng rác này được đặt để những người dân ở khu vực gần đó mang rác đến đổ, nhân viên thu gom rác đến lấy hàng ngày nhưng nhiều người sợ bẩn, đứng từ xa ném vào thùng không cần biết là có vô thùng hay không hoặc không mở nắp thùng mà để xung quanh thùng. Còn nhân viên thu gom rác đến giờ thì lại chở rác chứa trong thùng đi, mặc cho các bịch rác còn nằm bên ngoài và cứ thế ngày qua ngày những nơi này đã biến thành “ổ rác”.

Được biết, hiện nay chưa có một quy định buộc chủ đất chưa xây dựng phải có biện pháp bảo vệ mảnh đất, ngăn chặn việc vứt rác bừa bãi, gây ô nhiễm…Thiết nghĩ, cần có một quy định buộc chủ đất có trách nhiệm trông coi, gìn giữ mảnh đất mình sở hữu. Bên cạnh đó, vì sức khỏe của mình, của cộng đồng và sự phát triển của thành phố, mỗi người, mỗi gia đình hãy thay đổi nhận thức bằng những hành động cụ thể: không vứt rác thải bừa bãi, tham gia thu gom rác vệ sinh môi trường... để đưa Hà Nội thực sự trở thành đô thị xanh - sạch - đẹp - văn minh.

K.Tiến

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này