Các tuyến phố an toàn thực phẩm trên địa bàn Thủ đô

Cần nhân rộng trên toàn địa bàn

10:20 | 07/05/2019
(LĐTĐ) Sau một năm triển khai thí điểm các tuyến phố an toàn thực phẩm (ATTP) có kiểm soát tại các quận, huyện trên địa bàn Hà Nội, đến nay, các tuyến phố đã bước đầu được người dân yên tâm, tin tưởng để lựa chọn thực phẩm, dịch vụ ăn uống. Với những hiệu quả đó, trong thời gian tới mô hình này sẽ tiếp tục được nhân rộng, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý ATTP trên địa bàn Thủ đô.
can nhan rong tren toan dia ban Yêu cầu các cơ sở sản xuất thực hiện nghiêm túc về an toàn thực phẩm
can nhan rong tren toan dia ban Hà Nội: Từng bước xây dựng nền sản xuất nông nghiệp sạch

Nhiều kết quả tích cực

Những năm qua, công tác đảm bảo ATTP trên địa bàn Thủ đô đã nhận được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của các cấp, các ngành từ Thành phố đến cơ sở, trong đó nhiều biện pháp được triển khai nhằm đảm bảo ATTP đối với các cơ sở kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố… tại các xã, phường, thị trấn. Cụ thể, năm 2018, Thành phố đưa vào triển khai mô hình tuyến phố ATTP có kiểm soát tại 8 quận, huyện như: Tuyến phố Duy Tân (quận Cầu Giấy), phố Tô Ngọc Vân (quận Tây Hồ), tuyến phố Tây Sơn (huyện Đan Phượng), phố Thượng Đình (quận Thanh Xuân), tuyến phố Nguyễn Văn Lộc (quận Hà Đông)…

Mục đích của việc đưa vào triển khai tuyến phố kinh doanh dịch vụ ăn uống nhằm góp phần hạn chế xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm, các bệnh lây truyền qua thực phẩm và giúp người dân có địa chỉ sử dụng thực phẩm an toàn, góp phần nâng cao nhận thức trong sản xuất kinh doanh cho người dân. Bên cạnh đó, việc xây dựng mô hình, đảm bảo ATTP trong kinh doanh, chế biến thực phẩm, đảm bảo sức khỏe cho nhân dân và du khách góp phần xây dựng hình ảnh Thủ đô ngày càng văn minh, thân thiện.

can nhan rong tren toan dia ban

Người tiêu dùng lựa chọn thực phẩm tại cửa hàng thực phẩm sạch.

Đến nay, sau một năm triển khai, các tuyến phố đã bước đầu được người dân tin tưởng lựa chọn sử dụng thực phẩm an toàn. Mô hình này cơ bản giúp người tiêu dùng có thêm một địa chỉ để lựa chọn, thưởng thức ẩm thực ở những cửa hàng đáng tin cậy. Theo báo cáo của Sở Y tế, nhiều kết quả khả quan đã được ghi nhận như: 94,69% các cơ sở dịch vụ ăn uống tại các quận, huyện thí điểm đã niêm yết công khai giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP hoặc cam kết ATTP và nguồn gốc thực phẩm; 85,5% cơ sở có nguồn gốc thực phẩm rõ ràng, tăng 51,3% so với trước khi can thiệp giám sát; 100% các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố sử dụng nguồn nước sạch.

Đặc biệt hơn cả, mô hình đã có những chuyển biến tích cực trong quản lý ATTP đối với người bán hàng. Thông qua mô hình, kiến thức thực hành của người quản lý, người kinh doanh thực phẩm, người tiêu dùng tăng lên; điều kiện cơ sở vật chất, việc chấp hành các quy định ATTP của chủ cơ sở được cải thiện, nâng cao nhận thức vai trò quản lý của các cấp chính quyền.

Có mặt tại phố Nguyễn Văn Lộc (quận Hà Đông), chúng tôi ghi nhận được những sự đồng tình, hài lòng của người dân sau một thời gian triển khai mô hình tuyến phố ATTP tại đây. Nhiều ý kiến cho rằng, từ khi mô hình được triển khai trên địa bàn của họ, các cửa hàng cung cấp thực phẩm an toàn được mở ra ngày càng nhiều giúp tạo được sự minh bạch về nguồn gốc sản phẩm, giúp họ có thêm sự lựa chọn các mặt hàng thực phẩm.

Bày tỏ sự đồng tình về những ý nghĩa mà mô hình đem lại, chị Nguyễn Thị Nhung (phường Mộ Lao, quận Hà Đông) cho hay, việc triển khai các tuyến phố ATTP là hoạt động thiết thực, tạo địa chỉ tin cậy với người dân khi sử dụng các dịch vụ ăn uống, qua đó cũng góp phần nâng cao được hình ảnh, uy tín của địa phương trong lòng người dân trên địa bàn cũng như du khách.

Cần tiếp tục tăng cường giám sát, kiểm tra

Không chỉ dừng lại ở việc triển khai các tuyến phố an toàn thực phẩm, thời gian qua việc đảm bảo an toàn thực phẩm tại các chợ trên địa bàn Thủ đô cũng được các cấp, ngành đặc biệt quan tâm. Tiêu biểu như để đảm bảo ATTP trên địa bàn quận, thời gian qua, Hội phụ nữ quận Hà Đông đã tổ chức tuyên truyền, vận động 100% các hộ kinh doanh thực hiện đúng các quy định về ATTP, đồng thời mỗi hộ kinh doanh đều ký cam kết thực hiện đảm bảo các biệp pháp an toàn trong sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm, thực hiện 3 không: Không sản xuất không an toàn; không giết mổ gia súc, gia cầm không an toàn; không sử dụng phụ gia thực phẩm không trong danh mục cho phép trong sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm.

Với những kết quả bước đầu đã đạt được, chia sẻ về công tác tuyên truyền ATTP trong thời gian tới, bà Lại Hà Phương (Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ quận Hà Đông) cho biết, Hội Phụ nữ quận sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình tuyên truyền về ATTP tại các chợ đồng thời tăng cường giám sát nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên phụ nữ về tầm quan trọng của ATTP với sức khỏe của bản thân, gia đình và cộng đồng. Từ đó chuyển đổi hành vi, nhận thức, nâng cao ý thức trách nhiệm của phụ nữ và gia đình trong sản xuất, chế biến, kinh doanh, sử dụng thực phẩm an toàn.

Cô Nguyễn Thị Thanh Thủy (chủ cửa hàng kinh doanh thực phẩm chín tại chợ Hà Đông) chia sẻ: “Tham gia nhóm xung kích đảm bảo ATTP, chúng tôi đã nhận thức được về mối nguy hại đối với người tiêu dùng khi sử dụng thực phẩm không an toàn. Theo đó vì sức khỏe cộng đồng chúng tôi không sử dụng, bán thực phẩm không rõ nguồn gốc, không bảo đảm chất lượng để mang lại sự an toàn cho khách hàng”.

Tương tự, công tác vệ sinh ATTP tại các chợ trên địa bàn quận Tây Hồ đã và đang được triển khai đồng bộ, quyết liệt từ các cấp ủy Đảng, chính quyền tuyến quận đến các phường trên địa bàn nhờ đó đã tạo sự chuyển biến tích cực về ý thức vai trò, trách nhiệm của người quản lý, người sản xuất kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống và người tiêu dùng trong các vấn đề liên quan đến ATTP.

Tuy nhiên, bên cạnh những chuyển biến tích cực, công tác đảm bảo ATTP tại các cơ sở kinh doanh, dịch vụ ăn uống vẫn đang còn bộc lộ những hạn chế như: Các cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố thường di động, không có định ở một địa điểm nhất định tạo ra sự khó kiểm soát về chất lượng, cùng đó với nhiều cơ sở kinh doanh có quy mô nhỏ, đa phần thuê địa điểm để mở cửa hàng do đó phần nào chưa đáp ứng được yêu cầu về điều kiện cơ sở vật chất; nguồn gốc nguyên liệu chế biến thực phẩm tại các cơ sở chưa ghi chép thường xuyên, một số chính quyền cơ sở chưa thường xuyên quan tâm công tác kiểm tra, giám sát; chủ cơ sở và người chế biến còn chưa tuân thủ các quy định về điều kiện vệ sinh ATTP....

Trước những hạn chế đó, để tăng cường công tác quản lý, tạo sự chuyển biến rõ nét trong công tác đảm bảo ATTP, năm 2019, Hà Nội tiếp tục duy trì 8 tuyến phố dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố đảm bảo ATTP có kiểm soát tại 8 quận, huyện và nhân rộng 6 tuyến phố thuộc các quận, huyện, thị xã: Đống Đa, Cầu Giấy, Long Biên, Nam Từ Liêm, Thanh Trì, Sơn Tây. Bên cạnh đó, muốn đem lại hiệu quả thiết thực về lâu dài và để phát huy hiệu quả những mô hình tuyến phố kiểm soát ATTP điều cốt lõi phụ thuộc nhiều vào ý thức, trách nhiệm của cơ quan quản lý, hộ kinh doanh, người tiêu dùng. Trong đó, cơ quan quản lý phải vào cuộc quyết liệt hơn nữa, tăng cường thanh, kiểm tra, xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm trong lĩnh vực ATTP theo quy định.

Nguyễn Hoa

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này