Hiệu quả Ngày Sách Việt Nam sau 5 năm tổ chức

08:38 | 27/04/2019
(LĐTĐ) Trong chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020, Đảng và Nhà nước ta xác định một trong những mục tiêu, nhiệm vụ của ngành văn hóa là phải “Xây dựng lại phong trào đọc sách trong xã hội, góp phần xây dựng có hiệu quả thế hệ đọc tương lai”.
hieu qua ngay sach viet nam sau 5 nam to chuc Sau 5 năm thực hiện Ngày Sách Việt Nam: Đạt nhiều kết quả khả quan
hieu qua ngay sach viet nam sau 5 nam to chuc Khai mạc Ngày Sách Việt Nam lần thứ 6

Nhằm cụ thể hóa mục tiêu chiến lược ấy, ngày 24/02/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 284/QĐ-TTg lấy ngày 21/4 hàng năm là Ngày Sách Việt Nam. Đây chính là cột mốc quan trọng để khuyến khích và phát động phong trào đọc sách, viết sách, quảng bá và lưu giữ sách trên phạm vi toàn quốc. Qua 5 năm tổ chức, Ngày Sách Việt Nam đã trở thành sự kiện văn hóa, một nét đẹp được lan tỏa trong cộng đồng, mang lại những giá trị đích thực và hiệu quả to lớn; góp phần nâng cao dân trí, xây dựng một xã hội học tập, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước và hội nhập quốc tế.

160.000 xuất bản phẩm với gần 1,9 tỷ bản

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định: 5 năm qua, chúng ta đã làm được nhiều việc. Toàn ngành Xuất bản đã xuất bản được gần 160.000 xuất bản phẩm với gần 1,9 tỷ bản. Số cuốn sách tăng 22%, số bản sách tăng 55%. Chất lượng xuất bản phẩm ngày càng được nâng cao, cung cấp cho xã hội khối lượng lớn thông tin, kiến thức của nhiều lĩnh vực, góp phần nâng cao dân trí và phục vụ tốt hơn nhu cầu hưởng thụ của mọi đối tượng bạn đọc.

Tuy chưa phải phổ cập, nhưng Ngày sách Việt Nam đã về được đến cấp huyện, xã; tủ sách đã về đến lớp học và hộ gia đình; giờ đọc sách đã vào đến lớp học; Tết đến mọi người đã lì xì, mừng tuổi bằng sách. Thành phố Hà Nội và Hồ Chí Minh đã có đường sách. Nhiều địa phương đã tổ chức ngày hội sách. Hàng năm đã tổ chức Giải thưởng sách quốc gia. 10 nhà xuất bản đầu tiên đã chuẩn bị cho việc xuất bản điện tử.

hieu qua ngay sach viet nam sau 5 nam to chuc
Hội sách Chào mừng Ngày Sách Việt Nam lần thứ 6 tại Công viên Thống Nhất, Hà Nội thu hút đông đảo người tham gia. (Ảnh: Lương Hằng)

Trong những năm trở lại đây cùng với phong trào phát triển văn hóa đọc, mô hình phố sách, đường sách đã được đầu tư xây dựng và được phát huy hiệu quả, tiêu biểu như: Phố sách Hà Nội; đường sách thành phố Hồ Chí Minh; đường sách Vũng Tàu; không gian sách đường Hai Bà Trưng, thành phố Huế. Mô hình Đường sách mới được phát triển trong những năm gần đây ở các thành phố lớn.

Sự ra đời của phố sách, đường sách tạo cho một số đơn vị xuất bản có môi trường và điều kiện tiếp xúc trực tiếp với độc giả, qua đó các đơn vị xuất bản có thể quảng bá thương hiệu, quảng bá các xuất bản phẩm của mình. Phố sách, đường sách là nơi thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa như: Triển lãm tranh, thuyết trình về văn hóa đọc, giao lưu với tác giả giới thiệu các tác phẩm sách mới... Phố sách, đường sách với mô hình của mình cũng sẽ là nơi góp phần tạo dựng thói quen, cách thức đọc sách và niềm đam mê với sách của các bạn trẻ.

Bên cạnh đó, các Hội sách với quy mô lớn, nhỏ được tổ chức rất định kỳ và phổ biến ở các Thành phố lớn (Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ, …) cũng thu hút sự quan tâm của rất nhiều độc giả. Mới đây nhất, Hội sách Chào mừng Ngày Sách Việt Nam lần thứ 6 diễn ra trong 05 ngày, từ 18/4- 22/4/2019 tại Công viên Thống Nhất, Hà Nội là sự kiện nổi bật trong chuỗi hoạt động tổng kết 5 năm thực hiện quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Ngày Sách Việt Nam. Mỗi ngày, Hội Sách đã thu hút hàng trăm ngàn lượt người.

Trong đó có nhiều độc giả đến từ nhiều địa phương khác nhau. Số lượng sách được các đơn vị trưng bày, giới thiệu, quảng bá tại Hội sách khá phong phú, đa dạng, với những chương trình tri ân bạn đọc một cách thiết thực, đã tạo lên một không gian văn hóa sách ấn tượng tại Thủ đô ngàn năm văn hiến. Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ của Ban Tổ chức, tổng doanh thu của Hội sách đạt gần 12 tỷ đồng. Trong đó, có những đơn vị đạt hiệu quả cao như: Các Nhà Xuất bản: Trẻ, Kim Đồng, Văn học; Các Công ty: Nhã Nam, AlphaBooks, Đinh Tị, AZ, Fahasa, Minh Long, Cổ phần Sách Hồ Chí Minh…

Trên 66 triệu lượt học sinh tham gia Ngày Sách Việt Nam

Song song với đó, việc tổ chức tốt Ngày Sách Việt Nam tại các cơ sở giáo dục cho học sinh là điều cần được ưu tiên hàng đầu. Bởi muốn xây dựng được thói quen đọc sách thì phải phát huy tối đa vai trò đặc biệt quan trọng trong nhà trường, vì dạy và học cần đọc nhiều và không chỉ đọc sách giáo khoa mà còn đọc nhiều tài liệu tham khảo, tài liệu văn hóa - văn nghệ khác nhau để học sinh sẽ có tầm hiểu biết về kiến thức, nhân cách, đạo đức, lối sống…

5 năm qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phát động rộng rãi trong toàn quốc phong trào chung tay xây dựng thư viện, cùng nhau đọc nhiều sách hay và tổ chức các câu lạc bộ khoa học trong các nhà trường để văn hóa đọc ngày càng phát triển, hướng đến phát triển hệ thống giáo dục mở. Đó chính là phương pháp không chỉ có giáo dục trong nhà trường mà còn có sự liên thông từ lớp học đến thư viện vào cuộc sống; ở nhà trường, gia đình và xã hội.Thực tế nhiều trường học trên cả nước đã tổ chức các câu lạc bộ đọc sách, nghiên cứu khoa học để vận dụng kiến thức giúp học sinh giải quyết những vấn đề thực tiễn.

Các cơ sở giáo dục cũng đã chủ động xây dựng và triển khai tổ chức Ngày Sách Việt Nam với các hoạt động chính khóa, ngoại khóa phù hợp với điều kiện từng vùng, miền, như: Quyên góp sách xây dựng tủ sách lớp học với phương châm “Góp một cuốn sách để con mình được đọc nhiều cuốn sách”; thi viết nhật ký về những cuốn sách; hội trại sách; tổ chức hướng dẫn cha mẹ, ông bà cùng đọc sách và kể chuyện cho trẻ; tổ chức “Ngày hội đọc sách” theo chủ điểm hoạt động từng tháng hoặc theo các chủ đề phù hợp với tâm lý lứa tuổi học sinh; các câu lạc bộ về sách và đọc sách; tổ chức không gian học tập thân thiện, an toàn với “Góc học tập”, “Góc cộng đồng”… Các hoạt động được phối hợp tổ chức gắn với các chương trình hoạt động của tổ chức Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, tạo nên khí thế sôi nổi, có tác dụng tuyên truyền mạnh mẽ trong giáo viên và học sinh.

Kết quả trong 5 năm, các cơ sở giáo dục trên cả nước đã quyên góp được trên 11 triệu bản sách các loại cho thư viện các nhà trường, cho học sinh nghèo; tổ chức được trên 240 nghìn hội thi, hội thảo, chuyên đề, tập huấn gắn với chủ đề về sách và văn hóa đọc. Trên 50% cơ sở giáo dục tổ chức trưng bày triển lãm, giới thiệu sách gắn với từng chủ đề.

Trên 66 triệu lượt học sinh, sinh viên và trên 4,7 triệu lượt cán bộ, giảng viên, giáo viên, nhân viên tham gia hưởng ứng Ngày Sách Việt Nam. Xây dựng được trên 30.000 tủ sách phụ huynh, như: Thái Bình: 4.000 tủ sách; Nghệ An: 2.500 tủ sách; Thanh Hóa: 1.150 tủ sách; Hà Tĩnh: 1.100 tủ sách; Hải Phòng: 1.000 tủ sách... Trong đó, điển hình là Chương trình “Xây dựng 12.662 tủ sách lớp học tỉnh Nam Định” (được phát động trong Ngày Sách Việt Nam lần thứ 3) đã xây dựng được 8.995 tủ sách lớp học ở các cấp học phổ thông, thường xuyên trên địa bàn tỉnh….

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, 5 năm tới, chúng phải làm rất nhiều việc nữa. Số cuốn sách tăng 50%, số bản sách tăng 100%. Nhiều cơ chế chính sách mới phải được ban hành để chấn hưng văn hoá đọc Việt Nam. Ngày sách, tủ sách, đường sách, hội chợ sách, giờ đọc sách sẽ được phổ cập rộng rãi. Giải thưởng sách Quốc gia sẽ được đổi mới, tổ chức với qui mô lớn hơn, thu hút sự quan tâm của xã hội, với giải thưởng lớn hơn. Hợp tác quốc tế về sách rộng rãi hơn.

Chúng ta hy vọng và tin tưởng rằng thời gian tới, nhiều chính sách mới sẽ được ban hành, nhiều hoạt động thiết thực sẽ được thực hiện, để Việt Nam chúng ta thực sự là một dân tộc ham học và ham đọc sách, để chấn hưng văn hoá đọc sách của người Việt Nam, để mỗi người Việt Nam đều có tinh thần học cả đời, đọc sách cả đời. Chấn hưng văn hoá đọc cũng là chấn hưng cái gốc của một dân tộc.

Phương Bùi

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này