Hồi sinh nhiều số phận nhờ ghép tế bào gốc

08:32 | 27/04/2019
(LĐTĐ) Tại Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương, ghép Tế bào gốc được triển khai từ năm 2006, đến nay đã tiến hành được trên 356 ca (trong đó ghép tự thân 200 ca, ghép đồng loài 156 ca, trong ghép đồng loài có 26 ca ghép từ nguồn máu dây rốn cộng đồng), nhiều bệnh nhân đã ghép thành công và được hồi sinh sự sống bình thường nhờ công nghệ ưu việt này.
hoi sinh nhieu so phan nho ghep te bao goc GS.TS Nguyễn Thanh Liêm: “Tiên ông” ghép tế bào gốc chữa tự kỷ, bại não cho trẻ
hoi sinh nhieu so phan nho ghep te bao goc Việt Nam thực hiện ca ghép tế bào gốc chữa xơ phổi đầu tiên trên thế giới

Hồi sinh từ “cửa tử”

Một trong những bệnh nhân được hồi sinh nhờ ghép tế bào gốc phải kể tới Hoàng Thị Diệu Thuần(SN 1987, ở Quỳ Hợp, Nghệ An). Cô gái có nghị lực sống phi thường trong hành trình 10 năm chiến đấu với căn bệnh ung thư máu. Diệu Thuần bị ung thư máu năm 18 tuổi và cũng đã trải qua nhiều phác đồ điều trị, bao gồm cả thuốc nhắm đích đặc hiệu nhưng không thành công.

Năm 2012, Thuần được ghép tế bào gốc tại Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương. Với một đội ngũ thầy thuốc tận tâm, cô gái trẻ đã hồi sinh. Hiện nay dẫu vẫn phải đến bệnh viện mỗi tháng một lần, nhưng sức khỏe của cô đã trong chiều ổn định.Diệu Thuần đang là đạo diễn phim hoạt hình trong một công ty truyền thông tại Hà Nội.

hoi sinh nhieu so phan nho ghep te bao goc
Kỹ thuật viên đang xử lý khối Tế bào gốc.

Đặc biệt, Diệu Thuần là tác giả của 2 cuốn tự truyện: "Như hoa hướng dương” (2012) và "Muôn ánh mặt trời” (2015). Nếu cuốn đầu tiên chỉ là những trang nhật ký trên giường bệnh trước khi Thuần tiến hành ca ghép tủy thì cuốn thứ hai đã tái hiện nghị lực sống phi thường trong hành trình 10 năm chiến đấu với căn bệnh ung thư máu của Diệu Thuần.

Chính nghị lực và niềm tin mãnh liệt về sự sống đã giúp Diệu Thuần vững tin vượt trên nỗi đau đớn của bệnh tật để tiếp tục điều trị. Thuần được ghép tế bào gốc do người anh trai hiến tặng. Ca ghép đã được thực hiện thành công.Tới thời điểm này, Diệu Thuần đã hoàn toàn lui bệnh. Kết quả điều trị tốt đẹp bù đắp cho những cố gắng, nỗ lực của cô gái giàu nghị lực giúp cô viết tiếp ước mơ, bước tiếp hành trình sống nhiều hoài bão.

Rồi cũng chính từ đó, người con gái bé nhỏ ấy lại tiếp tục trải dài tình yêu thương của mình đến những số phận bất hạnh khác. Cô dành tiền nhuận bút của cuốn sách “Như hoa hướng dương” – tập sách cô được Nhà xuất bản Đông Tây ấn hành để cho một em gái phải ghép tủy duy trì sự sống. Cô cũng thường xuyên tham gia vào các hoạt động thiện nguyện khác, liên hệ với Khoa Nhi của bệnh viện để ủng hộ và giúp đỡ phần nào đó cho các em có hoàn cảnh khó khăn...

Hay một ca bệnh khác là chị Hoàng Thị Thùy Linh (SN 1986, ở Quảng Bình), bị ung thư máu được thực hiện ca ghép đồng loài từ nguồn máu dây rốn cộng đồng. Phát hiện bệnh vào tháng 9/2014, Thùy Linh bị sốt và giảm tiểu cầu, phải truyền máu.Những lần truyền là những lần sốt cao, kèm rét, rét run người. Đỉnh điểm có hôm Thùy Linh sốt hơn 40 độ C, người rét run bần bật rồi thiếp đi lúc nào không biết, lúc tỉnh lại người ướt đẫm mồ hôi, tay chân tê dại không còn cảm giác… “Cú đá” của số phận đã khiến Thùy Linh từ một cô gái năng động, mê du lịch phải nằm bẹp tại bệnh viện chiến đấu với ung thư máu.

Cho tới tháng 12/2014, Thùy Linh được các bác sĩ thực hiện ca ghép đồng loài không cùng huyết thống đầu tiên, sử dụng mẫu máu dây rốn của Ngân hàng Tế bào gốc máu dây rốn cộng đồng của Viện Huyết học và Truyền máu trung ương. Theo các bác sĩ, trước khi thực hiện ca ghép này, Viện đã lường trước những khó khăn có thể xảy ra như: Bệnh nhân bất đồng nhóm máu dễ gây chậm mọc mảnh ghép, thời gian mọc mảnh ghép kéo dài nên nguy cơ nhiễm trùng và xuất huyết cao… Tuy nhiên, với niềm tin sắt đá và những vòng tay giúp đỡ tận tình, ca ghép của Thùy Linh đã thành công và cô gái Quảng Bình đã lại nhìn thấy những trang tươi sáng của cuộc đời.

750 ca ghép tế bào gốc điều trị máu thành công

Được biết, trên thế giới, từ những năm 50 của thế kỷ trước, việc nghiên cứu, ứng dụng tế bào gốc trong y học đã được coi là một bước đi đột phá, tạo ra cơ hội phát triển mới cho nền y học. Trong quá trình phát triển đó, công nghệ tiến bộ này đã được ứng dụng rộng rãi, có thể chữa trị được một số bệnh mà trước đây chưa làm được như: Ghép tế bào gốc chữa các bệnh máu (ác tính, lành tính, di truyền), hỗ trợ trong điều trị ung thư và các bệnh lý khác như: Cơ xương khớp, Thần kinh, Hô hấp, Tim mạch….

Và đây chỉ là 2 trong số rất nhiều bệnh nhân được hồi sinh sự sống nhờ ghép tế bào gốc. Và câu chuyện của Thùy Linh, hay Diệu Thuần vẫn là những ca bệnh, tấm gương nghị lực vượt lên bệnh tật điển hình được các bác sĩ tại Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương nhắc tới. Chia sẻ về phương pháp ghép tế bào gốc, TS Bạch Quốc Khánh, Viện trưởng Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương cho biết: Tại Việt Nam, các nghiên cứu, ứng dụng tế bào gốc tạo máu, tế bào gốc trung mô cũng như các sản phẩm từ tế bào gốc đã có những bước tiến vượt bậc, được đánh giá cao.Hoạt động tế bào gốc tại nước ta đã tiếp cận được các tiêu chuẩn của khu vực và quốc tế, ngày càng hoàn thiện, đa dạng về kỹ thuật, phương pháp ghép cũng như nguồn tế bào gốc.

Tế bào gốc đã được ứng dụng để điều trị nhiều bệnh lý khác nhau mà trước đây chưa làm được như: Các bệnh máu (ác tính, lành tính, di truyền), hỗ trợ trong điều trị ung thư, các bệnh lý cơ xương khớp, thần kinh...“Bên cạnh đó, việc thực hiện ghép tế bào gốc tạo máu là phương pháp điều trị triệt để nhất giúp cho bệnh nhân bệnh máu ác tính cũng như lành tính, di truyền có thể khỏi bệnh và có cuộc sống bình thường"- TS Bạch Quốc Khánh nhấn mạnh.

Được biết, hiện cả nước có 9 trung tâm thực hiện ghép tế bào gốc tạo máu. Đến nay, đã thực hiện được hơn 750 ca ghép tế bào gốc điều trị bệnh máu thành công. Riêng tại Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, năm 2006, ca ghép tế bào gốc tự thân đầu tiên cho bệnh nhân đa u tủy xương đã được Viện thực hiện thành công. Đến tháng 5/2008, Viện tiếp tục thành công với ca ghép tế bào gốc đồng loại đầu tiên, đánh dấu một kỷ nguyên mới: Đưa ghép tế bào gốc trở thành một phương pháp điều trị đầy triển vọng đem lại cơ hội khỏi bệnh cho các bệnh nhân mắc bệnh lý huyết học tại Viện.

Bắt đầu từ năm 2014, Viện tiến hành ca ghép đồng loại không cùng huyết thống đầu tiên sử dụng mẫu máu dây rốn của Ngân hàng Tế bào gốc máu dây rốn cộng đồng. Đến nay, Viện đã thực hiện được 356 ca ghép tế bào gốc và gần 4.000 mẫu máu dây rốn cộng đồng. Mỗi ngày, Ngân hàng Tế bào gốc của Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương tiếp nhận và xử lý được khoảng 4 - 6 mẫu máu dây rốn. Theo các chuyên gia y tế, các mẫu máu dây rốn sẽ được đánh giá, sàng lọc để chọn được những đơn vị tốt nhất, liều tế bào cao nhất để lưu trữ phục vụ cho tìm kiếm và ghép. Kết quả bệnh nhân được ghép không ngừng được nâng cao về chất lượng và số lượng.

Bên cạnh đó, để có thể thu thập được những mẫu máu dây rốn từ những sản phụ tình nguyện hiến, Viện đã liên kết với Bệnh viện Phụ sản Hà Nội. Đến nay, ngân hàng này đã tiếp nhận, xử lý và lưu trữ được gần 4.000 mẫu máu dây rốn, mẫu tế bào gốc đảm bảo chất lượng.

Bên cạnh đó, Viện cũng đã bước đầu ứng dụng kỹ thuật xét nghiệm HLA độ phân giải cao cho các mẫu dịch nước ối nhằm xác định trước sinh sự phù hợp HLA của mẫu máu dây rốn với bệnh nhi, góp phần tư vấn cho các sản phụ có ý định lưu trữ máu dây rốn để ghép cho các bệnh nhi mắc các bệnh máu bẩm sinh hoặc bệnh máu ác tính là anh chị của thai nhi đang nằm trong bụng mẹ.

Hiện nay, chất lượng các mẫu tế bào gốc đang lưu trữ tại Ngân hàng Tế bào gốc của Viện đủ tiêu chuẩn không chỉ ghép cho bệnh nhân nhi mà còn cho cả bệnh nhân người lớn, hứa hẹn sẽ có nhiều bệnh nhân được hưởng lợi từ kỹ thuật ưu việt này.

Nguyễn Minh

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này