Cải cách hành chính: Bước đột phá mang tầm chiến lược

19:22 | 26/04/2019
(LĐTĐ) Điểm chung dễ nhận thấy trong công tác cải cách hành chính (CCHC) ở các đơn vị của Thủ đô Hà Nội là tỷ lệ giải quyết thủ tục hành chính đúng hạn đều đạt ở mức cao. Đó là thành quả của nhận thức đúng và hành động đúng trong công tác CCHC của các cấp, các ngành Thành phố với mục tiêu ngày càng nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp.
cai cach hanh chinh buoc dot pha mang tam chien luoc Tạo đột phá mới về cải cách hành chính
cai cach hanh chinh buoc dot pha mang tam chien luoc Cải cách hành chính mang xuân đến mọi nhà
cai cach hanh chinh buoc dot pha mang tam chien luoc Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính trong Đảng

Giải quyết đúng hạn thủ tục hành chính

Những năm gần đây, Hà Nội luôn là địa phương nằm trong tốp đầu cả nước về ứng dụng công nghệ thông tin trong các lĩnh vực, đáng chú ý việc triển khai dịch vụ công trực tuyến.

Thống kê đến nay, Hà Nội đã có 1.055 dịch vụ công trực tuyến, đạt 55% số dịch vụ công (có 916 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 139 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4).

cai cach hanh chinh buoc dot pha mang tam chien luoc
Những kết quả trong công tác CCHC góp phần nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân.

Các sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã và 584 xã, phường, thị trấn của Thành phố đã vận hành hệ thống một cửa điện tử dùng chung 3 cấp. Thành phố có hơn 11.000 tài khoản, tiếp nhận hơn 311.000 hồ sơ thủ tục hành chính, riêng cấp xã đã tiếp nhận hơn 279.000 hồ sơ.

Điểm chung dễ nhận thấy ở các đơn vị là tỷ lệ giải quyết thủ tục hành chính đều đạt ở mức cao, trong đó, nhiều đơn vị đạt tỷ lệ gần như tuyệt đối 100% đúng hạn. Tiêu biểu là quận Bắc Từ Liêm có 100% hồ sơ hành chính được giải quyết đúng hạn, trong đó, tỷ lệ hồ sơ nộp trực tuyến đạt 100% và tỷ lệ công dân tự nộp khá cao. Ông Trần Thế Cương, Chủ tịch UBND quận Bắc Từ Liêm cho biết, trong năm 2018 và đầu năm 2019, quận đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo về công tác CCHC.

Tại Lễ trao Kỷ niệm chương cho các tỉnh có chất lượng điều hành kinh tế xuất sắc năm 2018 vừa diễn ra, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đánh giá, Hà Nội đang dẫn đầu trong quá trình cải cách của Việt Nam và hướng tới một tầm nhìn trở thành một thành phố có năng lực cạnh tranh hàng đầu trong ASEAN trong thời gian tới.

Có thể thấy, để có được thành quả này là nhờ sự thông thoáng của môi trường kinh doanh. Việc xây dựng chính quyền điện tử, cải cách thủ tục hành chính, triển khai các hoạt động xúc tiến đầu tư rất chuyên nghiệp, chuyên sâu, hiệu quả, là những yếu tố quan trọng tạo nên hình ảnh Thủ đô đẹp hơn, thân thiện hơn với các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Đặc biệt, quận đã chỉ đạo các đơn vị chấp hành nghiêm công tác tiếp dân, tiếp nhận hồ sơ hành chính. Với mục tiêu tăng tỷ lệ công dân tự nộp hồ sơ qua mạng, quận đã tích cực tuyên truyền, đồng thời triển khai áp dụng 24 mô hình “tổ dân phố điện tử” tại các khu dân cư. Đến nay, tỷ lệ hồ sơ trực tuyến công dân tự nộp ở cấp quận đạt 69,85% (6.901 hồ sơ), tỷ lệ hồ sơ trực tuyến công dân tự nộp ở cấp phường đạt 55,2% (7.071 hồ sơ).

Kết quả khả quan trong công tác CCHC còn nhờ sự quyết tâm, sáng tạo của các địa phương. Điển hình như quận Hà Đông đã vươn lên từ vị trí xếp hạng chỉ số CCHC thứ 14/30 quận, huyện, thị xã (công bố năm 2017) lên vị trí thứ 6/30 quận, huyện, thị xã (công bố năm 2018).

Phương pháp của quận Hà Đông là tiến hành kiểm tra thường xuyên cũng như đột xuất bộ phận “một cửa” của UBND quận và 17 phường trên địa bàn, đồng thời chú trọng việc khắc phục hạn chế sau kiểm tra. Quận cũng quan tâm nghiên cứu giảm thời gian giải quyết hồ sơ hành chính tại bộ phận “một cửa” quận và phường. Nhờ đó, đối với cấp quận đã có 93,1% thủ tục hành chính giảm thời gian giải quyết, cấp phường có 92% thủ tục hành chính giảm thời gian giải quyết so với quy định.

Tại quận Hoàng Mai, tỷ lệ giải quyết hồ sơ hành chính 3 tháng đầu năm 2019 đạt 100% ở cả cấp quận và cấp phường. Đó là kết quả của việc tăng cường cơ chế về trách nhiệm, sự phối hợp trong giải quyết và thực hiện thủ tục hành chính.

Cụ thể, Bộ phận “một cửa” của quận và phường ngoài thực hiện nhiệm vụ của mình còn có vai trò quan trọng trong kiểm soát việc thụ lý, giải quyết hồ sơ của các phòng, ban chuyên môn về mặt thời gian, quy trình giải quyết. Cách làm này đã tăng cường ý thức trách nhiệm, chấp hành kỷ cương của cán bộ thụ lý, giải quyết hồ sơ.

Còn với Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, trên cơ sở xác định những khó khăn, thuận lợi, đơn vị này đã tập trung chỉ đạo CCHC gắn với thực hiện khảo sát, đo lường sự hài lòng của các tổ chức, người dân. Việc đo lường đã cho thấy những kết quả đáng khích lệ, trong đó, có 2 dịch vụ hành chính công đạt tỷ lệ hài lòng 98%, 2 dịch vụ hành chính công đạt tỷ lệ hài lòng 95%, 1 dịch vụ hành chính công đạt tỷ lệ hài lòng 90%, 2 dịch vụ hành chính công đạt tỷ lệ hài lòng 85% và 1 dịch vụ hành chính công đạt tỷ lệ hài lòng 82%.

Bứt phá mạnh mẽ về môi trường kinh doanh

Theo Báo cáo số 112/BC-UBND của UBND thành phố Hà Nội báo cáo Chính phủ về tình hình thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 1/1/2019 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và Nghị quyết số 139/NQ-CP ngày 9/11/2018 của Chính phủ về cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp quý I, phương hướng, nhiệm vụ 9 tháng còn lại năm 2019, kết quả nổi bật là Thành phố đã duy trì thực hiện 100% hồ sơ đăng ký kinh doanh qua mạng.

Năm 2019, thời gian cấp mã số thuế được rút ngắn bình quân 30 phút kể từ khi nhận được giao dịch từ cơ quan đăng ký kinh doanh, thời gian cấp là 24/24h (giảm 87,5% lượng thời gian so với quy định là 4 giờ làm việc)... Thành phố phấn đấu đạt tỷ lệ 10% trả kết quả giải quyết thủ tục đăng ký doanh nghiệp qua dịch vụ bưu chính công ích. Tỷ lệ doanh nghiệp thực hiện khai thuế qua mạng đạt 98,41%; tỷ lệ đăng ký nộp thuế điện tử đạt trên 97,62% và chiếm 20,18% số doanh nghiệp nộp thuế điện tử trên cả nước.

Báo cáo thường niên Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2018 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa công bố cho thấy, Hà Nội lần đầu tiên có mặt trong danh sách 10 tỉnh, thành có điểm PCI cao nhất, đứng vị trí thứ 9 với 65,4 điểm.

Theo đó, Hà Nội đã đạt 3 cái “lần đầu tiên”, đó là thứ hạng cao nhất từ trước tới nay; lần đầu tiên vượt được TP Hồ Chí Minh trong bảng xếp hạng và lần đầu tiên lọt danh sách 10 tỉnh, thành được đánh giá cao nhất về chất lượng điều hành. Giám đốc Sở Kế hoạch & Đầu tư Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, những kết quả đạt được là cả một quá trình dài, bền bỉ và kiên định với sự đồng hành, ủng hộ của các ban ngành đoàn thể, các doanh nghiệp và nhân dân Thủ đô.

Lãnh đạo Sở Kế hoạch & Đầu tư cho biết, Hà Nội đã thông qua phương án đơn giản hóa đối với 61 thủ tục hành chính thuộc 7 lĩnh vực quản lý nhà nước; sửa đổi, bổ sung, thay thế nhiều thủ tục; tỷ lệ đơn giản hóa đạt trên 23,3%. Hà Nội cũng là địa phương đầu tiên ban hành quy định về việc thực hiện cơ chế “một cửa” và “một cửa liên thông” đối với các đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp, hợp tác xã có cung ứng dịch vụ công; ban hành bộ thủ tục hành chính lĩnh vực Kế hoạch và Đầu tư, trong đó cắt giảm thời gian giải quyết đối với 48/152 thủ tục (đạt tỷ lệ 31,5%).

Bên cạnh đó, Hà Nội đã có bước chuyển rõ rệt về chất lượng của bộ phận một cửa trong đăng ký doanh nghiệp. Có 71% doanh nghiệp tại Hà Nội đánh giá cán bộ am hiểu chuyên môn (năm 2017 là 57%); 86% cho biết cán bộ nhiệt tình, thân thiện (năm 2017 là 53%).

Tỷ lệ doanh nghiệp phải chờ trên 3 tháng mới hoàn thành tất cả các thủ tục để chính thức đi vào hoạt động đã giảm mạnh từ 17% của năm trước đó xuống còn 5% trong năm vừa qua và năm 2018 là năm Hà Nội đẩy mạnh đối thoại doanh nghiệp ở cấp huyện, thị, do vậy những vướng mắc, bức xúc của doanh nghiệp đã có kênh giải toả khá hiệu quả. Lãnh đạo Thành phố cũng luôn theo sát diễn biến đời sống doanh nghiệp, đưa ra những kế hoạch, công tác cụ thể để tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp một cách thực chất.

Nguyễn Công

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này