Liên quan đến một đơn vị bị tố lừa xuất khẩu lao động

Cơ quan chức năng cần vào cuộc

13:28 | 19/04/2019
(LĐTĐ) Thời gian qua, báo Lao động Thủ đô và một số cơ quan thông tấn có nhận được đơn thư của bạn đọc gửi tới tố cáo Công ty Cổ phần Xúc tiến thương mại Quốc tế Việt Nhật (JAVIIT) có dấu hiệu lừa đảo xuất khẩu lao động. Vậy thực sự của vấn đề này thế nào?
co quan chuc nang can vao cuoc Thêm nhiều cơ hội đi làm việc ở nước ngoài cho lao động Việt Nam
co quan chuc nang can vao cuoc Triển vọng từ xuất khẩu lao động
co quan chuc nang can vao cuoc Năm 2018: hơn 140.000 lao động Việt Nam đi xuất khẩu lao động

Từ người lao động tố cáo bị lừa đảo…

Là mẹ đơn thân, hoàn cảnh gia đình lại khó khăn nên chị Lê Thị Thành (SN 1991, trú tại tổ dân phố 3, thị trấn Chư Sê, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) phải cầm cố tài sản, vay mượn tiền, một mình lặn lội ra Hà Nội với mong muốn đi xuất khẩu lao động (XKLĐ) sang Nhật. Theo trình bày của chị Thành, tháng 1/2018, qua tìm hiểu trên mạng xã hội, chị được biết Công ty JAVIIT đang tổ chức thi tuyển người lao động sang Nhật Bản làm việc.

co quan chuc nang can vao cuoc
Hiện tại, văn phòng công ty JAVIIT đã đóng cửa, người lao động rất khó liên lạc được với lãnh đạo công ty

“Qua mạng xã hội Facebook, tôi được biết Giám đốc Công ty JAVIIT là bà Phạm Thị Hoa ra thông báo rằng đơn vị đang tổ chức thi tuyển người lao động sang Nhật Bản làm việc với mức phí 7.000 USD. Theo thông báo, sau khi trúng tuyển đơn hàng, người lao động sẽ được đào tạo tiếng Nhật tại trung tâm của Công ty JAVIIT và thời gian dự kiến nhập cảnh tại Nhật Bản là tháng 4 năm 2018 (tức sau 3 tháng)”, chị Thành cho biết.

Chị Thành kể thêm:“Vì tin vào những lời hứa hẹn của công ty, tôi đã đăng ký tham gia thi tuyển và được yêu cầu nộp bằng tốt nghiệp Đại học gốc và bảng điểm gốc vào công ty. Ngày 23/1/2018 tôi và nhiều người khác cùng tham gia thi vào đơn hàng này. Ngay ngày hôm sau, tôi nhận được thông báo trúng tuyển kèm với thông báo nộp số tiền ban đầu là 2.000 USD.

co quan chuc nang can vao cuoc
Vì tin lời hứa hẹn, chị Thành đã nộp 2000 USD vào công ty nhưng hiện tại vẫn chưa nhận được tiền.

Trong đó, bị trừ 700 USD chi phí ở tại kí túc xá và chi phí đào tạo. Ngoài tôi ra còn có hơn 100 người khác đăng ký tham gia, trúng tuyển và đã đóng số tiền ban đầu từ 2.000 USD – 3.500 USD. Tất cả chúng tôi đều được ký hợp đồng với Công ty JAVIIT mà đại diện là bà Phạm Thị Hoa”.

Chị Thành cho biết, sau khi học tiếng Nhật tại trung tâm của JAVIIT, đã quá thời gian dự kiến nhập cảnh vào Nhật Bản (tháng 4/2018), người lao động thắc mắc về việc này thì bà Hoa liên tục trấn an bằng việc đưa 2 người Nhật tới trung tâm để kiểm tra trình độ tiếng hoặc đưa ra các mốc thời gian dự kiến có tư cách lưu trú tại Nhật của từng học viên.

Bà Hoa còn đưa ra các bằng chứng về việc hồ sơ giấy tờ của người lao động đã được nộp lên cơ quan xuất nhập cảnh của Nhật Bản. Sau đó bà Hoa cho người lao động về nhà để đợi thông tin kết quả tư cách lưu trú này.Tuy nhiên, hơn một năm trôi qua, chị Thành vẫn không được bất kỳ kết quả nào về tư cách lưu trú. Công ty JAVIIT dù đã tuyển hơn 100 người tham gia vào đơn hàng này nhưng vẫn không đưa được bất kỳ một ai nhập cảnh vào Nhật Bản như đã cam kết.

Nhận thấy có dấu hiệu lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản trong vụ việc, ngày 21/12/2018 chị Thành đã tới văn phòng JAVIIT để làm thủ tục thanh lý hợp đồng. Tại đây chị đã được trả lại bằng đại học và bảng điểm gốc. Còn về số tiền đã nộp thì bà Hoa hẹn trả sau 1 tháng kể từ ngày thanh lý hợp đồng.

“Việc này được nêu trong biên bản thanh lý rằng tôi sẽ nhận lại 1.300 USD, sau khi trừ 700 USD tiền ở và đào tạo tiếng, theo đó hạn cuối cùng tôi nhận lại được số tiền 1.300 USD trên là 21/01/2019. Tuy nhiên đến nay, bà Hoa trả lời không có tiền trả và hiện tại văn phòng làm việc của Công ty JAVIIT đã đóng cửa và việc chúng tôi liên lạc với đại diện công ty này là rất khó khăn”, chị Thành cho biết.

Theo chị Thành, trong danh sách hơn 100 người đăng ký đi Nhật cùng đơn hàng, chưa ai trong số này được đưa đi Nhật như Công ty này đã cam kết. Phóng viên tiếp tục liên hệ thêm với nhiều người lao động theo danh sách mà chị Thành cung cấp đều nhận được câu trả lời là chưa hề nhận được đủ số tiền mà Công ty JAVIIT đã hứa thanh toán. Cùng chung hoàn cảnh với chị Thành, chị Nguyễn Thị Hoan, 27 tuổi (Thôn Yên Lãng 2, xã Yên Thọ, huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh) cũng đã đặt cọc tiền để đi XKLĐ tại Nhật.

Chị Hoan cho biết, vì tin tưởng nên đã nộp 3.500 USD cho Công ty JAVIIT. Chờ đợi quá lâu, chị Hoan có gọi điện và đến tận công ty hỏi thì cũng chỉ nhận được câu trả lời “hãy chờ”. “Lý do mà công ty đưa ra là do phía bên Nhật Bản chưa tiếp nhận. Tuy nhiên, đến nay mặc dù không thể đưa người lao động đi Nhật như hợp đồng nhưng phía công ty vẫn không hoàn lại tiền cho tôi”, chị Hoan bức xúc.

…Đến đơn vị và đại diện cơ quan quản lý nói gì?

Để làm rõ thông tin bạn đọc phản ánh, ngày 10/4, phóng viên đã liên lạc với ông Nguyễn Quyết Thắng (Tổng Giám đốc Công ty JAVIIT) và bà Phạm Thị Hoa (Giám đốc Công ty). Tuy nhiên, chúng tôi không thể liên hệ được với bà Hoa, còn ông Quyết nói rằng mình đang ở Nhật, sẽ về trong vài ngày tới và hẹn lịch gặp sau. Nhưng cho đến nay, chúng tôi vẫn chưa nhận được bất cứ thông tin nào từ ông Quyết.

Trao đổi với phóng viên, bà Trần Thị Vân Hà - Trưởng phòng Thông tin Truyền thông, Cục Quản lý Lao động ngoài nước (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho biết: “Công ty Cổ phần Xúc tiến thương mại Việt Nhật không có trong danh sách những công ty được cấp phép đưa người lao động ra nước ngoài.

Do vậy, Cục Quản lý Lao động ngoài nước không quản lý việc này. Nếu có hiện tượng như báo phản ánh, người lao động nên trình báo lên cơ quan công an kinh tế. Trong trường hợp người lao động có đơn lên Cục Quản lý Lao động ngoài nước thì Cục sẽ tiếp nhận, sau đó sẽ có công văn chuyển tới cho cơ quan công an”.

Bên cạnh đó, về mặt quản lý nhà nước, bà Trần Thị Vân Hà cũng khuyến cáo về việc những người muốn đi XKLĐ, ra nước ngoài làm việc phải liên hệ với các cơ quan có chức năng. “Có chức năng tức là có giấy phép kinh doanh có điều kiện đưa lao động đi nước ngoài do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cấp.

Để hợp pháp, đơn hàng mà cung ứng đi làm việc nước ngoài phải được Cục Quản lý lao động ngoài nước thẩm định. Khi thẩm định đồng ý cho phép thực hiện đơn hàng đó, Cục có kiểm tra các điều kiện của các giấy tờ, thẩm định từ nước ngoài. Nếu trong quá trình thực hiện có rủi ro, xảy ra tranh chấp thì sẽ xử lý theo pháp luật.

Với hình thức hợp pháp như vậy sẽ có nhiều căn cứ để bảo vệ quyền lợi cho người lao động. Còn trong trường hợp trên đây của bạn Thành và một số người lao động rất khó để xử lý theo đúng hợp đồng, nhiều khi hợp đồng không có giá trị chặt chẽ về mặt pháp luật”, bà Hà cho biết.

Được biết, chị Lê Thị Thành cùng hàng chục lao động khác cũng đã đến Công an quận Cầu Giấy để trình báo. Đại diện cơ quan Công an quận Cầu Giấy cũng xác nhận đã nhận được đơn trình báo của chị Lê Thị Thành và đang tiến hành điều tra làm rõ sự việc.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc về vụ việc.

Kim Tiến

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này