Để người khuyết tật hòa nhập cộng đồng:

Quan trọng là từ nhận thức

17:29 | 18/04/2019
(LĐTĐ) Trong những năm qua, cùng với sự quan tâm, chăm lo của Đảng, Nhà nước, của các cấp, các ngành, sự trợ giúp của cộng đồng xã hội và nghị lực, nhiều người khuyết tật (NKT) trên cả nước đã vươn lên, tự tin hòa nhập cùng cộng đồng.  

Người khuyết tật tự tin là MC

Ngày NKT Việt Nam (18/4) luôn là dịp để các cơ quan, tổ chức và cá nhân cùng nhìn lại những hoạt động vì người khuyết tật. Việt Nam đã ban hành luật NKT năm 2010, phê chuẩn công ước của Liên Hợp Quốc về NKT năm 2014, cùng nhiều văn bản luật khác. Các chính sách của nhà nước khẳng định quyền bình đẳng và quyền tham gia nhiều hoạt động xã hội của NKT. Đó cũng chính là cơ sở để nhiều NKT vươn lên trong cuộc sống.

Nguyễn Minh Châu (32 tuổi) có số phận đặc biệt khi sinh ra không được bình thường như bạn bè cùng trang lứa khác. Vừa lọt lòng, cơ thể chị rất yếu, tay chân bị ngắn, đầu to. Đến năm 3 tuổi, chị mới có thể chập chững biết đi. Học đến cấp 2, chị vẫn mang thân hình của một đứa trẻ. Những lời châm chọc của bạn bè khiến chị nhiều lúc muốn nghỉ học.

quan trong la tu nhan thuc
Không đầu hàng số phận, chị Minh Châu hiện nay đã thành công ở nhiều lĩnh vực trong cuộc sống

Tuy nhiên không đầu hàng số phận, với ước mơ được thay đổi cuộc sống, Minh Châu đã nỗ lực học tập và tốt nghiệp Đại học. Sau khi ra trường chị được nhận vào làm việc tại World Vision với vị trí đầu tiên là lễ tân, sau đó là nhân viên quản lý. Hiện nay, chị Minh Châu còn dẫn chương trình, làm biên tập viên cho một số sự kiện tại công ty.

Chính nghị lực phi thường, “tàn nhưng không phế” đã khiến nhà báo Lại Văn Sâm xúc động và gửi tặng chị cuốn sách Thép đã tôi thế đấy. Hy vọng chị có thể tiếp tục vững tin bỏ qua vấn đề ngoại hình để tiếp tục tự tin, theo đuổi đam mê, làm những thứ mình thích.

Hiện tại, chị Châu có một con gái 3 tuổi tên là Gia Linh. May mắn, bé sinh ra khỏe mạnh, bình thường và đã cao gần bằng mẹ. Mỗi ngày đi làm về hai mẹ con lại quấn quýt bên nhau. Chị cho biết mình muốn dành nhiều thời gian để chăm sóc và dạy dỗ con trở thành một người có ích cho xã hội.

Tự tin hòa nhập cộng đồng

Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chương trình, chính sách hỗ trợ tối đa cho NKT. Sự quan tâm này đã và đang góp phần cải thiện đời sống NKT, làm thay đổi nhận thức xã hội về NKT; đồng thời tạo môi trường pháp lý, môi trường xã hội thuận lợi để NKT tật hòa nhập cộng đồng. Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, hàng năm có hàng triệu NKT được trợ cấp từ ngân sách Nhà nước; hàng trăm nghìn lượt người được hỗ trợ chỉnh hình, phục hồi chức năng, được cung cấp phương tiện trợ giúp như xe lăn, xe đẩy...

Chính sự hỗ trợ này đã khiến nhận thức về NKT được thay đổi toàn diện. Chị Minh Châu chia sẻ: “Nếu như cách đây 10 năm, ai đó bảo tôi có nhiệm vụ đứng trên sân khấu, đứng trước đám đông thì tôi không thể làm được. Thời điểm đó, tôi luôn tự ti, mặc cảm khi nghĩ rằng nếu mình đứng trước đám đông, mọi người chỉ để ý thấy tay mình ngắn, chân mình ngắn thôi.

Nhưng bây giờ thì khác, nhận thức cửa xã hội đã thay đổi. Tôi ra ngoài đường, tôi sẽ nhìn thấy rất nhiều người khuyết tật đi làm, đi học. Chúng tôi được đi ra ngoài hòa nhập xã hội, làm những gì mình mong muốn. Đó chính là thay đổi nhận thức của gia đình, xã hội và là sự nỗ lực rất lớn từ chính NKT”.

Chị Minh Châu cũng như Hội NKT luôn mong muốn rằng xã hội hãy nhìn NKT với những đặc điểm riêng, những khả năng riêng. Bởi mong muốn lớn nhất của NKT chính là việc có thể đi học, đi làm, có thể kết hôn, sinh con… có thể làm rất nhiều những việc bình thường khác. “Tôi mong muốn rằng tất cả mọi người trong xã hội hãy chung tay, hành động để thay đổi nhận thức về NKT. Để NKT có thể cống hiến hết khả năng của mình cho xã hội, cho Tổ quốc”, chị Minh Châu chia sẻ.

K. Tiến

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này