Văn hóa ứng xử từ nhà ra phố

Kỳ 2: Không còn “ai biết nhà nấy”

14:39 | 11/04/2019
(LĐTĐ) Dường như đã qua rồi cái thời “thành thị ai biết nhà nấy”, có đánh nhau, cãi vã, mất trộm…  cũng là “chuyện của hàng xóm”, chẳng liên quan đến nhà mình. Ngày nay, quan điểm “ai biết nhà nấy” đã trở nên “lạc hậu”, nhường chỗ cho nếp sống mới biết “chia ngọt sẻ bùi” trong cộng đồng dân cư.  
ky 2 khong con ai biet nha nay Văn hóa ứng xử từ nhà ra phố: Không còn sạch nhà bẩn ngõ
ky 2 khong con ai biet nha nay Nâng cao văn hóa ứng xử ngành Giáo dục
ky 2 khong con ai biet nha nay Quận Thanh Xuân: Tích cực tuyên truyền văn hóa ứng xử cho cán bộ chủ chốt

Chung tay giữ tình làng nghĩa xóm

Với kinh nghiệm hơn 20 năm tham gia công tác xã hội cơ sở, ông Trần Hùng (87 tuổi, khu tập thể Khí tượng thủy văn thuộc Tổ dân cư số 10 phường Láng Thượng, quận Đống Đa) đã hòa giải thành công hàng nghìn vụ việc, trong đó có nhiều vụ vô cùng phức tạp mang lại niềm vui cho người dân trong khu dân cư, góp phần giữ vững an ninh trật tự, hình thành nếp sống văn minh tại địa bàn sinh sống.

ky 2 khong con ai biet nha nay
Cư dân tổ 20, phường Vĩnh Phúc (quận Ba Đình) cùng nhau dọn rác giữ sạch đẹp khu phố (ảnh do bà Lê Thị Hồng Sâm - Chủ tịch chi hội Phụ nữ tổ 20 cung cấp)

Khu dân cư số 10 phường Láng Thượng có hơn 400 hộ dân với gần 2.000 nhân khẩu. Phần lớn dân cư ở đây là cán bộ, nhân viên, từng làm việc với nhau, mặc dù vậy vẫn phát sinh mâu thuẫn trong cuộc sống.

Chỉ đến khi có dịp tiếp xúc với những người làm công tác hòa giải viên ở cơ sở mới thấu hết những vất vả của công việc được xem là “vác tù và hàng tổng” này. Không nề hà giờ giấc, sự vụ nào, hễ cứ có người dân trong tổ, khối cậy nhờ là họ lại có mặt tại những “điểm nóng” để xử lý vụ việc.

Hoà giải ở cơ sở thì muôn hình vạn trạng, chẳng vụ nào giống vụ nào, những chuyện lặt vặt tưởng đơn giản như nuôi con chó, con mèo, vợ chồng cãi nhau rồi đến nghiêm trọng hơn như tranh chấp đất đai, thừa kế,… nếu không được hoà giải kịp thời, lâu ngày sẽ trở thành mâu thuẫn lớn, mấ tình đoàn kết khu dân cư.

ky 2 khong con ai biet nha nay

Ông Trần Hùng (87 tuổi), người “vác tù và hàng tổng” ở Tổ dân cư số 10 phường Láng Thượng, quận Đống Đa. ảnh: Phương Ngân

Ở tuổi 87 tuổi, đôi chân đi lại đã không còn nhanh nhẹn, mái tóc đã bạc trắng, mắt và tai đã kém đi nhiều, nhưng vụ việc nào của khu dân cư ông Hùng cũng có mặt. Từ việc hàng xóm cãi nhau vì không ai chịu dọn rác ở ngõ đi chung, rồi ở khu tập thể nhà trên chảy nước xuống nhà dưới, hay tranh chấp chỗ phơi đồ cũng gây cãi cọ, mất trật tự, an ninh lúc nửa đêm, gà gáy… Ông đã hòa giải thành công nhiều vụ việc, trở thành cầu nối xây dựng tình đoàn kết, nét văn hóa tốt đẹp ở khu dân cư.

“Trước khi hòa giải, bản thân tôi cùng các thành viên trong tổ phải tìm hiểu kỹ sự việc, nghe hai bên trình bày, sau đó thống nhất, ghi lại và họp bàn về cách hòa giải. Phải phân biệt vụ việc nào hòa giải và vụ việc nào không hòa giải được.

Không chỉ có vậy, trước khi đi hòa giải, chúng tôi phải trang bị kiến thức, am hiểu các luật như: Hôn nhân và gia đình, Đất đai, Thừa kế... để tư vấn một cách chính xác. Đến nay giải quyết thành công bao nhiêu vụ việc tôi cũng không còn nữa, mọi người hòa thuận, khu phố bình yên là tôi cảm thấy vui rồi”, ông Trần Hùng chia sẻ.

Được biết từ nhiều năm nay, phường Láng Thượng luôn được UBND quận Đống Đa đánh giá là đơn vị hàng đầu trong công tác hòa giải cơ sở, đồng thời đạt được tiêu chí mô hình hòa giải 5 tốt.

Bà Trần Thị Tuyết - Phó Chủ tịch UBND phường Láng Thượng cho biết: “Vai trò của hòa giải cơ sở được Đảng và nhà nước đánh giá cao, nhờ công tác hòa giải các vụ việc tranh chấp, mẫu thuẫn tại cơ sở được giải quyết, tình làng nghĩa xóm tăng lên và tránh tình trạng đơn thư, khiếu nại vượt cấp.

Do đó phường luôn chú trọng đến công tác kiện toàn hòa đội ngũ hòa giải viên và công tác hòa giải, luôn duy trì tổ hòa giải 5 tốt, phát động đến các khu dân cư thành một nếp sống văn minh, người dân chấp hành nghiêm túc quy tắc ứng xử với nhau.

Để có được những ghi nhận, khen thưởng như vậy cũng là một phần công lao rất lớn của những gương hòa giải điển hình nhiệt tình, uy tín và có kiến thức sâu rộng như bác Trần Hùng.

Vì nắm rõ đặc điểm của khu phố nên bất kỳ mâu thuẫn giữa các gia đình trong tổ hay mâu thuẫn trong nội bộ từng gia đình, bác đều “vào cuộc” một cách nhiệt tình, trách nhiệm, thấu tình đạt lý. Nhờ đó, người dân vừa giữ được tình làng nghĩa xóm vừa giữ cách ứng xử với nhau hiền hòa, lịch sự”.

Tương thân tương ái

Đến với tổ 20, phường Vĩnh Phúc (quận Ba Đình) sẽ không khỏi ngạc nhiên với sự yên bình và tinh thần tương thân tương ái, đoàn kết của bà con trong cùng khu phố. Vài năm trở lại đây, tổ 20 trở thành điểm sáng, rất nhiều điển hình ứng xử thể hiện rõ nét đẹp thanh lịch văn minh của người dân Thủ đô.

Theo bà Lê Thị Hồng Sâm (Chủ tịch chi hội Phụ nữ tổ 20) cho biết: Cùng với Tổ dân phố, hội phụ nữ tuyên truyền cho hội viên những quy tắc trong Bộ quy tắc ứng xử của UBND TP Hà Nội. Nhân dân trong tổ coi trọng giữ gìn vệ sinh môi trường, cảnh quan ngõ phố, tổ chức xé tờ dán rao vặt, quảng cáo, khơi thông cống rãnh, sơn quét vôi mặt tiền, không khiếu kiện, khiếu nại vượt cấp...

Bà Sâm chia sẻ, để nếp sống được văn minh hòa thuận trước hết xuất phát từ lời ăn tiếng nói giữa những người cùng khu dân cư. Theo đó, từ ngày Bộ quy tắc ứng xử đến gần với người dân, việc nói bậy nói tục đã không còn, mỗi người là tấm gương cho con trẻ học tập về cách giao tiếp và giao lưu láng giềng. Ngoài ra, các chương trình về cuộc thi Quy tắc ứng xử trong cộng đồng bà con cũng tích cực tham gia.

Đặc biệt, nếp sống văn minh được người dân trong khu phố thực hiện vừa có tình vừa có lý. Đặc thù giao thông tại tổ 20 là những con phố nhỏ. Tuy nhiên số lượng người sử dụng ô tô và tần suất khách đến thăm sử dụng ô tô tương đối lớn. Đối với những xe có việc đỗ lại, khu phố quy định chủ xe phải để lại số điện thoại, khi có nhu cầu người dân sẽ gọi chủ xe di dời xe đến vị trí hợp lý.

Theo chia sẻ, việc đó đã phần nào giảm sự căng thẳng, bức xúc của người dân và tránh những tình huống phá hoại phương tiện của khách vì bức xúc. Nhiều chủ xe cũng đã bày tỏ sự cảm kích với việc làm hết sức có tình, có lý của bà con tổ 20.

Không chỉ vậy, tổ 20 còn làm thực hiện các hoạt động nhân đạo do Chi hội Phụ nữ phát động như quyên góp tiền nấu cháo cho bệnh nhân Bệnh viện Lao phổi, nhận đỡ đầu cháu nhỏ, người già mất khả năng lao động có hoàn cảnh khó khăn.

“Vài năm nay Hội Phụ nữ chúng tôi và tổ dân phố phát động các phong trào thăm hỏi ốm đau, gia đình chính sách dịp Tết. Mỗi năm, hội viên hội phụ nữ sẽ đóng góp 20 nghìn đồng/tháng vào quỹ nấu cháo từ thiện cho Bệnh viện Lao phổi và Bệnh viện E. Sau này chúng tôi trích bớt tiền cháo thành lập quỹ giúp đỡ những cháu có hoàn cảnh khó khăn ở phường, mỗi tháng 150 nghìn đồng.

Năm vừa qua chúng tôi giúp đỡ một cháu nhỏ ở Trường THCS Hoàng Hoa Thám gia đình khó khăn, đông anh em với số tiền là 1 triệu 9 trăm nghìn đồng cùng phần quà của các cá nhân. Chương trình công tác năm nay chúng tôi sẽ nhận đỡ đầu 1 hội viên phụ nữ thuộc diện chính sách”, bà Lê Thị Hồng Sâm cho hay.

Vẫn biết, Bộ Quy tắc ứng xử không thể một sớm một chiều đi vào cuộc sống, nhưng người dân Hà Nội vẫn đang rất nỗ lực để phát huy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, trách nhiệm, tâm huyết, có lối sống lành mạnh, tinh thần tương thân tương ái, làm những việc có ích. Đó cũng là nhân tố bảo đảm cho Quy tắc ứng xử của Hà Nội nhanh chóng phát huy giá trị trong cuộc sống.

Bảo Thoa – Phương Ngân

Kỳ 3: Đổi thay từ giới trẻ

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này