Mỹ quan đô thị nên dẹp những gam màu tối

Kỳ 1: Tranh bích họa đường phố và nghệ thuật mong manh

18:07 | 09/04/2019
(LĐTĐ) Ngoài kiến trúc xây dựng, thì bộ mặt đô thị còn được định hình bởi nhiều yếu tố. Tuy nhiên, bên cạnh những kiểu kiến trúc lộn xộn, thì bộ mặt đô thị Thủ đô hiện nay cũng đang phải đối mặt với đủ loại “mỹ phẩm” như tranh bích họa, bano quảng cáo…
ky 1 tranh bich hoa duong pho va nghe thuat mong manh Xóm bích họa vẽ lại thời kì lịch sử của Thủ đô
ky 1 tranh bich hoa duong pho va nghe thuat mong manh Trào lưu vẽ tranh bích hoạ: Cần phải có sự kiểm duyệt
ky 1 tranh bich hoa duong pho va nghe thuat mong manh Tuyên truyền phòng cháy chữa cháy qua tranh bích họa tuyệt đẹp

Vài năm trở lại đây, Hà Nội đang ngày càng xuất hiện nhiều hơn những ngõ bích họa, đường bích họa, phố bích họa mục đích là làm đẹp bộ mặt phố phường đô thị. Bên cạnh ưu điểm tạo dựng những hình ảnh mới, đẹp hơn cho phố phường thì nhiều ý kiến cho rằng việc bích họa xuất hiện ồ ạt, lạm dụng, không có sự kiểm soát nội dung sẽ trở thành thảm họa, gây nên tình trạng mất thẩm mỹ đô thị.

ky 1 tranh bich hoa duong pho va nghe thuat mong manh
Nhiều bức tường ở Hà Nội cũng thấy xuất hiện những nét vẽ nguệch ngoạc, xiêu vẹo

Nở rộ như “nấm mọc sau mưa”

Có thể nói đến thời điểm này, tranh bích họa đã không còn xa lạ với người dân Thủ đô. Khởi đầu từ con đường gốm sứ ven sông Hồng năm 2010, phong trào trang trí đường phố bằng hội họa (hay còn được gọi là tranh bích họa) ngày càng rầm rộ. Từ sau con đường gốm sứ, hàng loạt con phố, đường bích họa “mọc” lên như một trào lưu.

Trong đó có thể kể đến những công trình được nhiều người biết đến như: Khu tập thể Phụ nữ Trung ương (39 Pháo Đài Láng, quận Đống Đa) vốn cũ kỹ được khoác lên mình những màu sắc rực rỡ. Hay tại ngõ 23 phố Giang Văn Minh (quận Ba Ðình) bức tường của Trường THCS Nguyễn Trãi cũng được trang trí bích hoạ, ngõ 78 phố Dịch Vọng Hậu (quận Cầu Giấy) hay ngõ 68 phố Yên Phụ (quận Tây Hồ) đã được người dân tự bỏ tiền gắn những tấm gốm thô mộc thành các bức tranh phong cảnh, làng quê...

Hay như ngõ Ao Dài (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cũng là một con phố cũng thu hút được sự chú ý của nhiều người dân. Con ngõ này nổi tiếng, được biết tới với hàng chục bức họa cùng những thông điệp cổ động, mang đặc trưng của thời bao cấp với nội dung về môi trường, trẻ em, sinh đẻ, kế hoạch hóa gia đình, tránh xa tệ nạn xã hội.

Tác giả của con ngõ hội họa là cụ ông Cao Trí Thịnh (ngoài 90 tuổi). Theo chia sẻ của người dân trong ngõ, ông Thịnh khi thấy các tường trong ngõ nơi mình đang sống ngập chi chít quảng cáo rao vặt, mất mỹ quan, ông đã tiến hành tự mình mua sơn về vẽ những bức tranh để phủ lên lớp tường cũ kỹ.

Tiếp đến là dự án đặc biệt, bích họa trên phố Phùng Hưng. Con phố này được xây dựng với kỳ vọng sẽ tạo ra một “phố vòm cầu Hà Nội” có không gian để phục vụ cộng đồng. Mục tiêu của dự án là truyền tải thông điệp về một Thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến đang đứng trước những đổi thay to lớn, song vẫn luôn gìn giữ những truyền thống và tinh hoa văn hóa để ghi dấu ấn trong lòng người dân Việt Nam và bạn bè quốc tế. Qua không gian nghệ thuật đặc sắc thu hút được đông đảo du khách sẽ góp phần giảm sự nhếch nhác các hàng trà đá, bãi gửi xe đã tồn tại lâu năm tại khu vực này.

Cùng với nội đô, phong trào vẽ tranh bích họa cũng lan nhanh về vùng ngoại thành. Các địa phương cũng nhanh chóng “bắt tay” vào sơn vẽ, hình thành những con đường bích họa như con đường Hủng vào làng Đông Khê (xã Đan Phượng, huyện Đan Phượng), “con đường bích họa” tại xã Xuy Xá và thị trấn Đại Nghĩa (huyện Mỹ Đức),… Có thể nói, vẽ tranh bích họa cũng đã trở thành “phong trào” cho việc xây dựng nông thôn mới ở nhiều địa phương.

Không chỉ bích họa, các con phố của Hà Nội còn được khoác lên mình những hình vẽ graffiti (còn gọi là vẽ nghệ thuật đường phố). Không chỉ bốt điện, trạm biến áp, quán nước mà ngay cả nhà vệ sinh công cộng cũng không nằm ngoài tầm ngắm của nhiều bạn trẻ ưa thích graffiti. Phần lớn những bức graffiti này được vẽ trộm vào buổi tối vì hành động này không được cho phép.

Nguy cơ ô nhiễm thị giác

Không thể phủ nhận nét đẹp của mỹ thuật được thể hiện tại các nơi công cộng thông qua những bức tranh tường, người dân Thủ đô đang được hưởng những nhu cầu về tinh thần khi cuộc sống ngày càng phát triển, trang trí công cộng có thể mang lại nhiều lợi ích cho cộng đồng, thậm chí chúng còn trở thành điểm nhấn du lịch của mỗi thành phố.

Nếu các con đường như tuyến đường gốm sứ ven sông Hồng hay phố bích họa Phùng Hưng được dư luận, cũng như giới chuyên môn đánh giá cao, thì không phải phố bích họa nào cũng được đánh giá là có giá trị mỹ thuật, góp phần tôn tạo cảnh quan.

Bên cạnh những dự án làm hay, làm tốt thì tại không ít nơi, việc người dân tự phát, thiếu bàn tay của người có chuyên môn tham gia hoặc chưa được chú trọng về nội dung nghệ thuật đã gây ra không ít băn khoăn, lo ngại với những người quản lý nghệ thuật. Nếu “phong trào” phát triển mạnh thì việc “ô nhiễm thị giác” và “kéo lùi thị hiếu thẩm mỹ của cộng đồng” có thể là điều không thể tránh khỏi.

Vì thực hiện tự phát, thiếu chuyên nghiệp, không có kế hoạch đồng bộ và không có phương án chăm sóc nên nhiều tranh vẽ trên đường phố có chất lượng kém nhanh xuống cấp. Hậu quả là sự xuất hiện các bức tranh tường không có giá trị nghệ thuật và khiến cảnh quan môi trường thêm nhem nhuốc.

Điển hình là cách đây không lâu, con đường bích họa giữa lòng phố đi bộ Trịnh Công Sơn đã được nhiều người dân, đặc biệt là các bạn trẻ nhiệt tình hưởng ứng.Việc vẽ các bức tranh trên đường nhanh chóng xuống cấp nghiêm trọng tuy nhiên không được tu sửa, chỉ một thời gian ngắn sau, bức tranh vẽ những nơi đặc trưng của Hà Nội chỉ còn lại vệt màu loang lổ khiến không ítngười dân tỏ ra tiếc nuối, điều đó cho thấy việc trang trí này vừa tốn công sức vừa tốn tiền của.

Ông Mã Nguyễn Thành Vân (người dân quận Tây Hồ, Hà Nội) chia sẻ: “Tôi là công dân của phường Nhật Tân, khi những bức tranh xuất hiện cũng đã thu hút được nhiều người dân Thủ đô đến thăm quan chụp ảnh.

Tuy nhiên chỉ một thời gian ngắn sau, với lượng phương tiện đi lại nhiều cộng thêm việc những bức tranh không được chăm sóc, gặp phải tình trạng “đem con bỏ chợ” như vậy khiến con đường nhếch nhác, loang lổ, không ai còn nhớ đến đây từng là con đường bích họa nữa. Tất cả con đường đều là công cộng do vậy không thể tránh khỏi việc xuống cấp. Nếu đã có chủ trương thực hiện thì cần phải được tôn tạo, tu sửa còn không dù ban đầu có đẹp thế nào thì qua thời gian cũng là mặt xấu của đô thị”.

Mới đây nhất, dự án bích họa trên phố Phan Đình Phùng (Hà Nội) đã được một nhóm họa sĩ là cựu học sinh của Trường THPT Phan Đình Phùng thực hiện từ cuối năm 2018 với khoảng 20 bức tranh có chủ đề “Hà Nội xưa và nay”, được chia thành hai mảng quá khứ - hiện tại được đã nhận không ít ý kiến trái chiều. Trong đó, nhiều người đã lên tiếng lo ngại cho việc lạm dụng tranh bích họa tùy tiện.

Cũng theo nhiều họa sĩ, Phan Đình Phùng là con phố rất đẹp với vỉa hè rộng, ba hàng sấu cổ thụ ôm phủ xanh thẳm cả con phố, những cổng thành, biệt thự Pháp cổ. Đặc biệt, mùa tháng 5 tháng 6, hoa sấu rụng xanh biếc mặt vỉa hè, đã quá đẹp, không cần có thêm những bức bích họa nữa.

Phố Phan Đình Phùng, một trong những con phố nổi tiếng thanh bình của Hà Nội. Từ ngày có thêm những bức bích họa, ở đây đã trở thành một điểm dừng chân “check-in” của nhiều bạn trẻ. Trái ngược với vẻ trầm mặc của những bức bích họa là không khí náo nhiệt, ồn ào mà du khách mang tới đã làm giảm đi vẻ thanh bình, yên tĩnh trước đây của con phố này.

Không chỉ những ví dụ nêu trên, Hà Nội hiện còn đang có vô vàn bức bích họa đang được thực hiện theo kiểu “thích gì vẽ nấy”. Theo giới chuyên môn nhận định, tranh bích họa có tính thời sự, thời gian tồn tại rõ ràng. Mặt khác, tranh thường phục vụ cho những nhóm đối tượng nhất định. Do vậy, tranh bích họa khi sử dụng cần phải nghiên cứu kỹ, sử dụng hợp lý.

Hiện nay, trên nhiều bức tường ở Hà Nội cũng thấy xuất hiện những nét vẽ nguệch ngoạc, xiêu vẹo với đủ màu sắc và hình thù, ký tự, chữ viết kỳ dị, phản cảm, thậm chí cả những bức tranh bạc màu. Chính điều đó đã làm mất đi vẻ đẹp của bức tường phố, xâm hại tới nét kiến trúc của đô thị. Nhiều chuyên gia cho rằng, nếu chỉ phát triển mỹ thuật đường phố mang tính phong trào, không duy trì bài bản, thường xuyên và thiếu tính bền vững thì chỉ làm bộ mặt đô thị xấu xí hơn.

Phương Ngân – Lương Hằng

Kỳ 2: Văn hóa quảng cáo: Loạn sắc màu trên các con phố Thủ đô

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này