Tăng cường phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em

17:04 | 05/04/2019
Trước tình trạng bạo lực học đường ngày một gia tăng, thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam về tăng cường phòng, chống bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em, ngày 4/4, tại Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã có buổi làm việc với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) nhằm đề xuất một số giải pháp trong phòng chống bao lực học đường.
tang cuong phong chong bao luc xam hai tre em 89551 Vấn nạn bạo lực học đường: Giải pháp nào để chấm dứt?
tang cuong phong chong bao luc xam hai tre em 89551 Bài học không chỉ của ngành giáo dục Hưng Yên mà còn cho cả nước
tang cuong phong chong bao luc xam hai tre em 89551 Bộ GD&ĐT yêu cầu làm rõ vụ nữ sinh bị đánh hội đồng ở Hưng Yên

Tham gia buổi làm việc có: Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa; Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Hà cùng đại diện Văn phòng Chính phủ và các Cục, Vụ của các Bộ, ngành liên quan.

Tại cuộc họp, Bộ LĐ-TB&XH đã đề xuất một số giải pháp ưu tiên trong phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em. Theo đó, Bộ LĐ-TB&XH sẽ chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, tổ chức thực hiện chiến dịch truyền thông về phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em, trọng tâm là phòng, chống bạo lực trẻ em trong trường học.

Đồng thời phối hợp với Bộ GD&ĐT tập huấn năng cao năng lực cho cán bộ quản lý Sở LĐ-TB&XH, Sở GD&ĐT các tỉnh thành phố trong triển khai các giải pháp phòng, chống bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em…

tang cuong phong chong bao luc xam hai tre em 89551
Toàn cảnh buổi làm việc. (Ảnh: Bộ GD&ĐT)

Về phía Bộ GD&ĐT sẽ đẩy mạnh giáo dục pháp luật, giáo dục đạo đức về quyền và bổn phận trẻ em và bảo vệ trẻ em; trang bị kiến thức, kỹ năng mềm, kỹ năng tự bảo vệ cho học sinh thông qua tổ tư vấn tâm lý, các diễn đàn, tọa đàm…; triển khai quảng bá về tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em 111 trong trường học; phối hợp với Bộ LĐ-TB&XH, Bộ Công an thống nhất quy trình phối hợp trong việc phát hiện, xác minh, hỗ trợ và xử lý các vụ việc bạo hành, xâm hại trẻ em trong trường học…

Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa cho rằng phòng, chống bạo lực học đường không chỉ là trách nhiệm của Bộ GD&ĐT mà là trách nhiệm của toàn xã hội. Vì vậy rất cần có sự phối hợp liên ngành để đảm bảo an toàn cho trẻ trong phòng chống bạo lực học đường.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa cũng cho biết: Bộ GD&ĐT đã và đang tích cực trong việc chỉ đạo để xây dựng văn hóa trường học, phòng chống bạo lực học đường thông qua hàng loạt đề án, chương trình hành động, Thông tư… đã được ban hành. Tuy nhiên, có một thực tế là việc quán triệt những văn bản chỉ đạo này tới từng cơ sở giáo dục, giáo viên, học sinh có lúc, có nơi còn chưa triệt để. Khi không nắm bắt được các quy định thì việc không thực hiện hoặc vi phạm quy định là điều có thể xảy ra.

Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa đề nghị cần đẩy mạnh công tác truyền thông về tác hại, hậu quả cũng như nâng cao năng lực phòng, chống bạo lực trong trường học cho học sinh, thầy cô, phụ huynh và cả xã hội.

Cuộc họp đã thống nhất đưa ra 5 nhóm giải pháp chung về các thể chế, chính sách thực hiện phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em như: Cần có bổ sung và đưa ra các giải pháp chung phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em; tăng cường cơ chế phối hợp giữa các Bộ, ngành địa phương; trách nhiệm của người lớn ở mô hình Nhà trường - gia đình - xã hội trong bảo vệ trẻ em; giải pháp chung đối với việc tăng cường phổ biến kiến thức pháp luật; giáo dục kỹ năng phòng, chống bạo lực và xâm hại tình dục cho các em.

Ngoài ra, cuộc họp cũng đưa ra giải pháp riêng đối với giáo dục mầm non, đề xuất tăng cường đạo đức nhà giáo, kinh nghiệm xử lý tình huống và các biện pháp tâm lý. Đối với khối THCS, THPT đưa ra nhiều nội dung đề xuất tư vấn tâm lý học đường, nghiên cứu để triển khai hiệu quả các chỉ thị, văn bản… tới từng cơ sở giáo dục; khuyến nghị đối với các Bộ, ngành, địa phương về trách nhiệm trong việc phòng, chống bạo lực học đường.

P.V

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này