Điện, xăng tăng giá - người lao động lo lắng:

Giá cả dịch vụ, hàng hóa “tát nước theo mưa”

10:46 | 04/04/2019
(LĐTĐ) Điện, xăng dầu đồng loạt tăng giá sẽ khiến các mặt hàng, dịch vụ trên thị trường tăng theo. Đây chính là lo lắng chung của người lao động, đặc biệt là người lao động có thu nhập thấp.
gia ca dich vu hang hoa tat nuoc theo mua Giá bán lẻ điện chính thức tăng thêm 8,36% từ ngày 20/3
gia ca dich vu hang hoa tat nuoc theo mua Thông tin điều chỉnh giá điện chính thức được đưa ra trong ngày 20/3
gia ca dich vu hang hoa tat nuoc theo mua Trước thông tin giá điện tăng, giá xăng dầu được giữ ổn định

Từ nửa cuối tháng 3/2019, giá điện đã chính thức tăng ở mức 8,36% (từ 1.720 đồng/KWh lên 1.864 đồng/KWh), mới đây, giá xăng cũng chính thức tăng hơn 1.000 đồng/lít. Theo tìm hiểu, việc giá điện, giá xăng đồng loạt tăng khiến không ít công nhân lao động lo lắng bởi điều đó có thể dẫn đến việc giá các loại mặt hàng khác như thực phẩm, hàng hóa, tiền nước, tiền phòng trọ… tăng theo.

gia ca dich vu hang hoa tat nuoc theo mua
Người lao động lo lắng giá cả nhiều mặt hàng sẽ tăng theo giá điện, xăng.

Chia sẻ với chúng tôi, chị Nguyễn Thị Khanh, đang thuê trọ trên địa bàn xã Kim Chung (Đông Anh, Hà Nội) cho biết: “Gần chục năm nay, tôi và cùng chồng và hai con nhỏ thuê trọ ở gần KCN Thăng Long để tiện đi làm. Dù chỉ sử dụng quạt, nồi cơm điện, tivi và tủ lạnh nhưng hàng tháng chúng tôi phải chi trả riêng tiền điện trung bình đã khoảng 400.000 đồng.

Với đồng lương công nhân, hai vợ chồng làm quần quật cả tháng được khoảng 13 triệu đồng thì số tiền điện trên cũng là một khoản chi không nhỏ. Nhất là khi Hà Nội sắp vào mùa nắng nóng, sử dụng quạt nhiều thì chắc chắn tiền điện sẽ tăng mạnh.”

Theo các chuyên gia kinh tế, việc tăng giá các mặt hàng như điện, xăng chắc chắn có tác động đến đời sống của người dân. Nó không chỉ tác động trực tiếp mà còn tác động gián tiếp bởi các hàng hóa khác.

Do đó, để kìm giữ được vòng xoáy tăng giá, đặc biệt là tăng giá kiểu “tát nước theo mưa” một cách ồ ạt, các cơ quan chức năng phải có sự vào cuộc quyết liệt.

“Tăng giá điện là chủ trương, chính sách của Nhà nước nên chúng tôi hoàn toàn nhất trí. Tuy nhiên, điều công nhân lao động chúng tôi lo sợ nhất là các mặt hàng khác như tiền nhà, tiền nước, giá thực phẩm, hàng hóa…cũng sẽ tăng theo. Trong khi đồng lương công nhân thì tăng chẳng là bao nếu như không muốn nói là “dậm chân tại chỗ”.

Để ứng phó với tình trạng này, vợ chồng tôi cũng đã bàn tính là sẽ phải tiết kiệm chi tiêu, trước mắt là sẽ không mua sắm thêm thiết bị điện, hạn chế sử dụng các thiết bị điện. Và nếu giá cả các mặt hàng khác đồng loạt tăng giá thì có lẽ chúng tôi còn phải cắt giảm các khoản chi tiêu không cần thiết để cân đối với thu nhập” – chị Khanh tâm sự.

Không chỉ giá điện mà mới đây giá xăng cũng đã chính thức tăng hơn 1.000 đồng/lít, khiến không ít công nhân lao động sử dụng phương tiện để đi làm là xe máy phải lựa chọn phương án khác để tiết kiệm chi phí đi lại. Anh Vũ Văn Chương, công nhân đang làm việc tại KCN Quang Minh cho biết, gia đình anh hiện đang thuê trọ tại xã Hải Bối (Đông Anh, Hà Nội), cách chỗ làm của anh khoảng 10km.

Nhưng vì vợ anh làm việc tại KCN Thăng Long, các con anh đều học tại các trường trên địa bàn xã Hải Bối nên anh chấp nhận đi làm xa và đi xe máy để chủ động. Tuy nhiên, khi biết thông tin giá xăng tăng, như thế chắc chắn chi phí đi lại của anh cũng sẽ tăng, trong khi giá điện tăng rồi giá các mặt hàng khác cũng có thể tăng theo.

Vì vậy, để tiết kiệm chi phí và cân đối chi tiêu so với thu nhập nên anh quyết định đi làm bằng xe buýt. “Đi làm bằng xe buýt chắc chắn sẽ không chủ động bằng đi xe máy và phải đi sớm, về muộn hơn một chút nhưng đổi lại sẽ tiết kiệm được một khoản tiền. Mà với công nhân có thu nhập còn eo hẹp như chúng tôi thì tiết kiệm được một đồng cũng quý” – anh Chương bày tỏ.

Cùng chung nỗi lo về việc giá cả các mặt hàng tăng theo giá điện, giá xăng, theo anh Trần Văn Cường, công nhân đang làm việc tại KCN Phú Nghĩa, việc tăng giá điện từ 1.720 đồng/KWh lên 1.864 đồng/KWh sẽ không ảnh hưởng nhiều đến chi phí sinh hoạt bởi theo tính toán, nếu người sử dụng dùng dưới 50KWh, số tiền phải trả tăng thêm hơn 7.000 đồng/tháng; dùng 100KWh sẽ phải chi phí thêm 14.000 đồng; con số tương ứng với người dùng 200, 300, 400KWh là 31,600 đồng, 53.100 đồng và 77.000 đồng.

Tuy nhiên, giá điện tăng, giá xăng cũng tăng, mà giá cả nhiều mặt hàng phụ thuộc rất lớn vào giá điện, giá xăng chính vì thế, điều khiến những công nhân lao động như anh Cường lo lắng nhất là các mặt hàng đều “tát nước theo mưa”, như thế chắc chắn sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc cân đối chi tiêu cũng như cuộc sống của người lao động có thu nhập thấp.

Ứng phó với việc giá điện, giá xăng đã chính thức tăng, nhiều công nhân lao động chia sẻ họ chấp nhận việc hạn chế sử dụng các thiết bị điện, thậm chí chuyển đổi phương tiện đi làm từ xe máy sang xe buýt để tiết kiệm chi phí sinh hoạt. Nhưng trước nỗi lo giá điện, giá xăng tăng thì giá các mặt hàng khác cũng sẽ tăng theo, nhiều công nhân lao động mong muốn các cơ quan chức năng cần có sự vào cuộc để bình ổn giá, tránh tình trạng tăng giá theo kiểu “tát nước theo mưa” để cuộc sống của họ không bị xáo trộn quá nhiều.

Theo các chuyên gia kinh tế, việc tăng giá các mặt hàng như điện, xăng chắc chắn có tác động đến đời sống của người dân. Nó không chỉ tác động trực tiếp mà còn tác động gián tiếp bởi các hàng hóa khác. Do đó, để kìm giữ được vòng xoáy tăng giá, đặc biệt là tăng giá kiểu “tát nước theo mưa” một cách ồ ạt, các cơ quan chức năng phải có sự vào cuộc quyết liệt.

Ví như, cơ quan quản lý thị trường phải đảm bảo kiểm tra, giám sát thường xuyên, nắm bắt tình hình thị trường; Bộ Tài chính phải xây dựng chính sách về giá cả cho những mặt hàng nhà nước quản lý và mặt hàng thiết yếu trong nền kinh tế một cách hợp lý cho từng loại hàng, ngành hàng; các bộ ngành chức năng quản lý doanh nghiệp cần phải kiểm soát các doanh nghiệp không tăng giá ồ ạt và bất hợp lý, đồng thời đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả, giảm chi phí sản xuất kinh doanh để cung cấp sản phẩm với mức giá chấp nhận được.

Mai Quý

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này