Đã thiếu nước sạch, còn ô nhiễm

11:36 | 02/04/2019
(LĐTĐ) Mặc dù đã đạt chuẩn nông thôn mới từ năm 2016 và mục tiêu toàn huyện Gia Lâm sẽ phấn đấu lên quận năm 2020, nhưng đến nay người dân xã Kim Sơn (huyện Gia Lâm) lại phải sống trong tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Chưa có hệ thống nước sạch, hàng ngày những hộ dân nơi đây phải sử dụng nguồn nước ngầm bị ô nhiễm, bốc mùi hôi tanh và đối mặt với nguy cơ bệnh tật tăng cao.
da thieu nuoc sach con o nhiem Giảm nỗi lo thiếu nước sạch
da thieu nuoc sach con o nhiem Đảm bảo số lượng và chất lượng nước sạch cho người dân
da thieu nuoc sach con o nhiem Người dân nhiều khu vực vẫn khốn khổ vì thiếu nước

Sống chung với nguồn nước ô nhiễm

Có mặt tại thôn Linh Quy Bắc và thôn Linh Quy Đông (xã Kim Sơn, huyện Gia Lâm) dễ dàng bắt gặp hình ảnh ô nhiễm nghiêm trọng. Đường dẫn vào hai thôn được trải nhựa phẳng lì, nhưng bên cạnh đó là cống rãnh lộ thiên bốc mùi xú uế.

da thieu nuoc sach con o nhiem
Nguồn nước ở các ao hồ trên địa bàn xã Kim Sơn ô nhiễm nghiêm trọng

Trao đổi với phóng viên, ông Dương Mạnh Huỳnh (Trưởng thôn Linh Quy Bắc) cho biết: “Cả thôn hiện có hơn 500 hộ với gần 2.200 nhân khẩu hiện đang sinh sống. Trước đây, người dân trong thôn vẫn sử dụng giếng khơi nhưng giếng khơi dần hết nước nên người dân chuyển sang dùng giếng khoan. Mỗi giếng khoan sâu 40 - 50m mới có nước nhưng trong khoảng 3 - 4 năm nay, nguồn nước ngầm giếng khoan của hơn nửa hộ dân trong thôn cũng bắt đầu bị ô nhiễm nặng. Hiện nay, trong làng hầu như nhà nào cũng xây bể lọc với cát và than hoạt tính.”

Để chứng minh cho lời nói của mình, ông Huỳnh dẫn chúng tôi tới giếng nước của gia đình ông. Theo quan sát của chúng tôi, các ống dẫn, cát lọc, nơi có nguồn nước giếng khoan trực tiếp chảy qua đều bị biến thành một màu vàng sẫm. “Dù nhu cầu sử dụng nước sinh hoạt rất lớn nhưng gia đình tôi cũng như các hộ dân trong làng không dám sử dụng nước giếng khoan. Bởi mỗi lần bơm nước giếng lên đun dùng để pha chè thì lập tức chuyển sang màu đen đặc”.

da thieu nuoc sach con o nhiem
Người dân phải đầu tư thêm máy lọc nước để sử dụng

Ông Huỳnh cầm ấm trà vừa pha đến cạnh bát nước lấy trực tiếp từ giếng lên và đổ vào. Trà đổ đến đâu bát nước trong vắt chuyển màu đến đó, cuối cùng trở thành một thứ nước màu đen đặc. Lý giải về hiện tượng trên ông Huỳnh cho biết: “Việc nước giếng chuyển thành màu đen sau khi pha trà là do nguồn nước của gia đình tôi bị nhiễm sắt nặng”.

Trước tình trạng trên, nhiều hộ phải mua thêm hệ thống máy lọc nước để tự đảm bảo nhu cầu có nước sạch sinh hoạt. Tuy nhiên, về lâu về dài giải pháp này hết sức tốn kém vì hệ thống máy lọc thường xuyên hỏng và cứ 2 đến 3 tháng là phải thay cục lọc mới.

Để hoàn thành mục tiêu, chỉ tiêu về nước sạch năm 2019 trên địa bàn Thành phố đáp ứng nhu cầu dùng nước của nhân dân, nâng tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước sạch đạt 73 - 75%, vừa qua Chủ tịch UBND Thành phố đã ban hành Chỉ thị 04 ngày 01.3.2019 chỉ đạo phải đẩy mạnh các dự án cấp nước sạch khu vực nông thôn.

Cụ thể, Thành phố yêu cầu các nhà đầu tư: Tập trung nguồn lực, khẩn trương triển khai thực hiện các Dự án phát triển nguồn, mạng cấp nước đã được UBND Thành phố chấp thuận chủ trương đầu tư.

Đồng thời đẩy nhanh tiến độ thi công, hoàn thành các Dự án cấp nguồn tập trung trong năm 2019 bao gồm: Công ty Cổ phần Nước mặt sông Đuống; Công ty Cổ phần Nước mặt sông Hồng; Công ty Cổ phần đầu tư nước sạch sông Đà (Viwasupco); Liên danh Công ty Cổ phần Ao Vua và Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng cấp thoát nước và môi trường Ba Vì; Công ty Cổ phần Cấp nước Mê Linh; Các đơn vị có trách nhiệm xây dựng kế hoạch, tiến độ cụ thể và tổ chức thực hiện, báo cáo UBND Thành phố (qua Sở Xây dựng) để giám sát, đôn đốc.

Thành phố cũng yêu cầu về tiêu chuẩn nước sạch và nâng cao chất lượng của hệ thống cấp nước: Yêu cầu các nhà đầu tư, các công ty cấp nước: Cập nhật tiêu chuẩn cấp nước sạch do Bộ Y tế ban hành để điều chỉnh, bổ sung công nghệ cho phù hợp; xây dựng kế hoạch sản xuất cấp nước, kế hoạch đầu tư phát triển hạ tầng cấp nước, kế hoạch triển khai thay thế đường ống đã xuống cấp, đảm bảo yêu cầu chất lượng nước của Bộ Y tế; Nghiên cứu, lắp đặt đồng hồ đo nước cấp C với độ chính xác cao, chống gian lận, giảm thất thoát, thất thu nước sạch, có khả năng kết nối mạng không dây ứng dụng công nghệ 4.0 về quản lý khách hàng; xây dựng phương án quản lý, thu tiền nước không sử dụng tiền mặt.

Cùng cảnh ngộ với thôn Linh Quy Bắc, hiện nay 100% người dân ở thôn Linh Quy Đông cũng đang rơi vào tình trạng thiếu nước sạch trầm trọng. Lý giải về nguyên nhân nguồn nước bị ô nhiễm, ông Lê Văn Huỳnh – trưởng thôn Linh Quy Đông, khẳng định, do nhiều hộ trú tại đây làm nghề giết mổ trâu bò.

Nước thải trong quá trình giết mổ gia súc, gia cầm xả trực tiếp ra cống rãnh, ao hồ trong làng dẫn đến tình trạng tắc cống rãnh, rác thải tồn đọng và ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn nước. Hiện, trong thôn Linh Quy Đông có khoảng 6 lò giết mổ gia súc lớn và hơn 6 lò giết mổ gia cầm. Các lò giết mổ gia súc này thường hoạt động vào thời điểm từ 11h đêm tới 3 giờ sáng. Trung bình mỗi ngày một lò giết mổ khoảng 15 con trâu, bò. Bao nhiêu nước thải, cặn bã không qua xử lý đổ trực tiếp ra các ao hồ xung quanh bảo sao nguồn nước không bị ô nhiễm.

Ngoài nguyên nhân trên, tình trạng ô nhiễm môi trường ở thôn Linh Quy Đông còn xuất phát từ việc chăn nuôi cũng như xả rác bừa bãi của nhiều hộ dân ở đây.

Khát nước sạch

Cũng vì nguồn nước ngầm bị ô nhiễm, người dân hai thôn Linh Quy Bắc, và Linh Quy Đông đang đối mặt với những căn bệnh hiểm nghèo. Theo ông Dương Mạnh Huỳnh, những năm gần đây số lượng người dân tới trạm y tế của xã Kim Sơn khám chữa vì mắc các chứng bệnh về tiêu hóa, hô hấp, bệnh ngoài da… có xu hướng tăng nhanh.

Ông cũng cho biết, tình trạng thiếu nước sạch đang là vấn đề cấp thiết nhất tại địa phương. Trong khi nước giếng mùi hôi tanh không thể sử dụng, có lúc lại chuyển màu lạ khiến người dân hoang mang lo lắng thì hệ thống nước sạch chưa được lắp đặt, đưa vào sử dụng.

“Mặc dù nằm trên địa bàn thành phố Hà Nội, nhưng thực tế đời sống của người dân Linh Quy vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Phần lớn những hộ còn lại do không có điều kiện nên bắt buộc phải sử dụng nước giếng khơi để sinh hoạt hằng ngày. Việc này rất dễ phát sinh bệnh tật nhưng họ không còn lựa chọn. Người dân ai cũng mong muốn có nước sạch để dùng. Tuy nhiên dù đã có kế hoạch từ năm 2015 đến nay nhưng dự án vẫn chỉ nằm trên giấy tờ mà chưa được thực hiện”.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Viết Thắng - Phó Chủ tịch UBND xã Kim Sơn, cho biết: Hiện, trên toàn địa bàn xã có 3.700 hộ dân, chia thành 9 thôn xóm và tổ dân phố. 100% hộ dân chưa có nước sạch nên chủ yếu dùng nước giếng khoan sau đó lọc thô bằng cát sỏi dùng để sinh hoạt. Nhiều hộ gia đình khá giả thì sử dụng bình lọc”.

Thiếu nước sạch là bài toán khiến địa phương hết sức đau đầu. Dù vậy đến nay, việc giải quyết vẫn phải chờ vào… quy hoạch. Xã Kim Sơn là một trong những địa phương của huyện Gia Lâm nằm trong quy hoạch cấp nước sạch của TP Hà Nội giai đoạn 2020 - 2022. Tuy nhiên, do nguồn nước tại một số thôn bị ô nhiễm nặng nên người dân rất bức xúc.

Nhiều năm qua, tại các hội nghị tiếp xúc cử tri, vấn đề nước sạch được bà con phản ứng gay gắt. Địa phương cũng đã có nhiều văn bản kiến nghị đẩy nhanh tiến độ cấp nước sạch cho xã Kim Sơn. Bên cạnh đó, thời gian qua chính quyền địa phương đã nhiều lần kiến nghị để người dân có nước sạch dùng nhưng vì nhiều lý do nên chưa đáp ứng được.

“Hiện nay, trên địa bàn đã xây dựng Nhà máy nước mặt sông Đuống, cùng sự giúp đỡ của nhà máy nước số 2 dự tính năm 2020 xã sẽ có nước sạch” – Ông Thắng thông tin thêm.

Lê Thắm – Nguyễn Tôn

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này