Vai trò của Công đoàn trong bình đẳng giới

15:08 | 18/03/2014
LĐTĐ - Hội thảo “Bình đẳng giới - vai trò và trách nhiệm của công đoàn” đã được Tổng LĐLĐVN phối hợp với Tổng CĐ Na Uy tổ chức ngày 17.3, tại Hà Nội. Việt Nam (VN) được đánh giá là quốc gia xóa bỏ khoảng cách về giới nhanh nhất trong vòng 20 năm qua. Tuy nhiên, phụ nữ nói chung và LĐ nữ của VN nói riêng vẫn còn đứng trước những thách thức lớn về chất lượng cuộc sống, điều kiện LĐ, cơ hội việc làm, cơ hội thăng tiến...

Truyền thông về sức khỏe sinh sản tại KCN Hà Nội.

Hệ thống pháp lý về bình đẳng giới

Trong hệ thống luật pháp của VN, từ Hiến pháp tới các bộ luật, luật chuyên ngành đều đề cập trực tiếp hoặc gián tiếp đến vấn đề bình đẳng giới (BĐG), tạo điều kiện cho cả phụ nữ và nam giới đều bình đẳng để cùng phát triển.

Đặc biệt, VN đã phê chuẩn hầu hết các công ước quốc tế liên quan đến BĐG và quyền của phụ nữ, trong đó quan trọng nhất là Công ước CEDAW về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử đối với phụ nữ và hai công ước cơ bản của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) gồm Công ước số 100 về trả lương bình đẳng và Công ước số 111 về phân biệt đối xử trong việc làm và nghề nghiệp.

Đảng, Nhà nước VN cũng ban hành nhiều luật và chính sách nhằm tạo ra cơ hội bình đẳng cho phụ nữ như: Nghị quyết 11 của Trung ương về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước; Luật Bình đẳng giới; Bộ luật Lao động và Luật CĐ cũng đều có những chương, điều quy định đối với LĐ nữ và BĐG; Chiến lược quốc gia về BĐG giai đoạn 2011-2020 cũng được Thủ tướng phê duyệt tháng 2.2010... Đáng chú ý là Luật BĐG (có hiệu lực từ 1.7.2007) được dư luận trong nước và quốc tế đánh giá cao.

Như vậy, chúng ta đã có một hệ thống pháp lý khá đầy đủ để giải quyết vấn đề BĐG. Vấn đề còn lại là hành động như thế nào để đạt được sự bình đẳng thực sự giữa nam và nữ trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần thúc đẩy phát triển KTXH bền vững.

 

Vai trò của CĐ

Theo Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Nguyễn Thị Thu Hồng, sau khi có NQ 11 của TƯ, Tổng LĐLĐVN đã ban hành chương trình hành động thể hiện quan điểm quán triệt các quan điểm của Đảng. Đối với Chiến lược quốc gia về BĐG của Chính phủ thì Tổng LĐLĐVN cũng đã kịp thời xây dựng một loạt kế hoạch hành động để triển khai chiến lược đó thông qua phương pháp lồng ghép giới trong hoạt động CĐ.

Bên cạnh đó, Tổng LĐLĐVN đã đề xuất và bảo vệ thành công nhiều quy định và chính sách có lợi hơn cho LĐ nữ: Quy định riêng về LĐ nữ trong BLLĐ; chính sách nghỉ thai sản; chính sách chỉ tiêu trong đào tạo, trong bộ máy lãnh đạo, BCH, chỉ tiêu trong quy hoạch... và rất nhanh chóng, chỉ tiêu này đang tiếp cận đến mục tiêu quốc gia.

Đơn cử, tỉ lệ nữ lãnh đạo trong hệ thống CĐ tăng so với trước: Tham gia BCH Tổng LĐLĐVN nhiệm kỳ 2008-2013 là 24%, nay là 28%; tham gia Đoàn Chủ tịch TLĐ khóa X là 20%, khóa XI là 25%.

Trong khi đó, bà Trude Tinnlund - Ủy viên Ban Thư ký Tổng CĐ (LO) Na Uy - cho biết: “Chúng tôi phải trải qua hơn 100 năm đấu tranh để có được một nữ lãnh đạo đầu tiên trong LO (LO Na Uy được thành lập năm 1899 - PV). Phải mất 86 năm sau khi LO thành lập, chúng tôi mới có được một nữ cán bộ lãnh đạo của CĐ ngành đầu tiên”.

Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Thu Hồng, nói lồng ghép giới phải hiểu một cách toàn diện. Lồng ghép về giới không chỉ là làm cho LĐ nữ, mà tất cả những vấn đề liên quan đến bảo vệ quyền lợi, chế độ bảo hiểm, lương, thu nhập, TƯLĐTT, ATVSLĐ... đều phải điều chỉnh cả hai giới.

Tính đến năm 2013, lực lượng LĐ cả nước có khoảng 52 triệu người, trong đó LĐ nữ chiếm 48,7%. Do vậy, làm tốt BĐG thông qua hệ thống tổ chức CĐ rõ ràng là con đường ngắn nhất để góp phần thực hiện công bằng, tiến bộ xã hội và phát triển bền vững.

Nguồn LĐO

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này