Từ năm 2021 - Hà Nội áp dụng chế độ tiền lương mới theo vị trí việc làm:

Bước đột phá về cải cách tiền lương

10:51 | 26/03/2019
(LĐTĐ) Đến năm 2021, thành phố Hà Nội sẽ thực hiện áp dụng chế độ tiền lương mới theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo thống nhất đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong toàn bộ các cơ quan, đơn vị thuộc thành phố theo quy định của Nhà nước.
buoc dot pha ve cai cach tien luong Cải cách tiền lương bằng việc thông qua vị trí việc làm
buoc dot pha ve cai cach tien luong Infographic: Sắp tới tiền lương sẽ thay đổi như thế nào?
buoc dot pha ve cai cach tien luong Tiền lương của cán bộ, công chức, viên chức sẽ thay đổi như thế nào?

Nâng dần mức tiền lương, tiền công

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung vừa ký ban hành Kế hoạch số 63/KH-UBND về thực hiện Chương trình hành động số 23-CTr/TU ngày 1/11/2018 của Thành ủy Hà Nội thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TƯ ngày 21/5/2018 của Hội nghị lần thứ bảy, Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp.

buoc dot pha ve cai cach tien luong
Thành ủy, UBND Thành phố Hà Nội yêu cầu các đơn vị khẩn trương hoàn thiện hệ thống vị trí việc làm, từ đó cải cách chính sách tiền lương (ảnh minh họa). Ảnh: L.N

Theo đó, một trong những mục tiêu của kế hoạch là đến năm 2021, Hà Nội sẽ thực hiện áp dụng chế độ tiền lương mới theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo thống nhất đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong toàn bộ các cơ quan, đơn vị thuộc thành phố theo quy định của Nhà nước.

Tiền lương thấp nhất của cán bộ, công chức, viên chức bằng mức lương thấp nhất bình quân các vùng của khu vực doanh nghiệp của thành phố và từng bước có sự gia tăng phù hợp với nguồn lực tài chính của thành phố, gắn với sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế và đổi mới cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính của các đơn vị sự nghiệp công lập...

Khẩn trương hoàn thiện hệ thống vị trí việc làm - giải pháp căn bản để cải cách chính sách tiền lương.

Trước đó, thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TƯ ngày 21/5/2018 của Hội nghị lần thứ bảy, Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về “Cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp”, Thành ủy Hà Nội cũng đã ban hành Chương trình hành động số 23-CTr/TU.

Theo đó, chương trình hành động nêu rõ mục tiêu đến năm 2021, năm 2025 và năm 2030. Trong đó, thành phố phấn đấu đến năm 2021, thực hiện áp dụng chế độ tiền lương mới theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo thống nhất đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong toàn bộ các cơ quan, đơn vị thuộc thành phố quản lý theo quy định của Nhà nước.

Tiền lương thấp nhất của cán bộ, công chức, viên chức bằng mức lương thấp nhất bình quân các vùng của khu vực doanh nghiệp của thành phố, từng bước có sự gia tăng phù hợp với nguồn lực tài chính của thành phố gắn với sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế và đổi mới cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính của các đơn vị sự nghiệp công lập.

Để thực hiện Chương trình, Thành ủy Hà Nội đề ra 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu. Đáng chú ý, trong đó, Thành ủy yêu cầu, các cơ quan, đơn vị tiếp tục rà soát chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn để có giải pháp nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị; khẩn trương hoàn thiện hệ thống vị trí việc làm, giải pháp căn bản mang tính tiền đề để thực hiện cải cách chính sách tiền lương.

Các cấp, ngành đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách tiền lương theo quy định; kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp cố tình né tránh, thực hiện không nghiêm túc hoặc không thực hiện nhiệm vụ được giao trong thực hiện cải cách chính sách tiền lương gắn với cải cách hành chính, sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, tự chủ đối với đơn vị sự nghiệp công lập và vi phạm quy định của pháp luật về tiền lương...

Đối với khối các doanh nghiệp: Từ năm 2019 đến năm 2020 rà soát, đánh giá địa bàn áp dụng mức lương tối thiểu vùng, đảm bảo phù hợp tình hình phát triển kinh tế xã hội, khả năng chi trả của doanh nghiệp, để đảm bảo đến năm 2020, mức lương tối thiểu đảm bảo mức sống tối thiểu của cá nhân và gia đình người lao động. Bên cạnh đó, sẽ thực hiện quản lý lao động, tiền lương đối với doanh nghiệp nhà nước theo Đề án cải cách chính sách tiền lương của Chính phủ.

Kế hoạch đề ra mục tiêu, đến năm 2025, thực hiện được chính sách nâng mức tiền lương của khu vực công phù hợp với chỉ số giá tiêu dùng, mức tăng trưởng kinh tế và khả năng của ngân sách Thành phố; tiền lương thấp nhất của cán bộ, công chức, viên chức cao hơn mức lương thấp nhất bình quân các vùng của khu vực doanh nghiệp.

Đối với khối doanh nghiệp, từ năm 2021, các doanh nghiệp thực hiện chính sách tiền lương trên cơ sở thương lượng, thỏa thuận giữa người sử dụng lao động với người lao động và đại diện tập thể người lao động, đảm bảo áp dụng mức lương tối thiểu vùng theo quy định của pháp luật.

Nhà nước không can thiệp vào chính sách tiền lương của doanh nghiệp; đồng thời thực hiện quản lý lao động, tiền lương trong doanh nghiệp nhà nước theo phương thức khoán chi phí tiền lương, gắn với nhiệm vụ sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp đến năm 2025.

Kế hoạch cũng đề ra mục tiêu đến năm 2030: Thực hiện được chính sách nâng mức tiền lương của khu vực công phù hợp với chỉ số giá tiêu dùng, mức tăng trưởng kinh tế và khả năng của ngân sách Thành phố; tiền lương thấp nhất của cán bộ, công chức, viên chức bằng hoặc cao hơn mức lương thấp nhất của vùng cao nhất của khu vực doanh nghiệp. Thực hiện quản lý lao động, tiền lương trong doanh nghiệp nhà nước theo phương thức giao khoán nhiệm vụ sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp đến năm 2030.

Gắn liền với hoàn thiện hệ thống vị trí việc làm

Để thực hiện kế hoạch, Chủ tịch UBND Thành phố yêu cầu các đơn vị trực thuộc cần thực hiện nghiêm túc và có hiệu quả các Nghị quyết của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, tinh giản biên chế, đảm bảo hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Đặc biệt, cần hoàn thiện hệ thống vị trí việc làm để làm căn cứ xây dựng và thực hiện chế độ tiền lương mới.

Các đơn vị cần đẩy mạnh thực hiện kế hoạch chuyển đổi các đơn vị sự nghiệp công sang hoạt động theo cơ chế tự chủ về tài chính, tự chủ về chi thường xuyên để tạo ra sự chủ động cho đơn vị cơ sở và tăng thêm thu nhập cho người lao động, giảm chi công từ ngân sách nhà nước.

Riêng đối với khối doanh nghiệp, cần quyết liệt triển khai có hiệu quả các nghị quyết của Trung ương về đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp; thực hiện sắp xếp, tái cơ cấu, cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước.

Chủ tịch UBND Thành phố cũng yêu cầu phát huy vai trò tự chủ tài chính của các đơn vị, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tạo chuyển biến căn bản trong việc chống thất thu; xây dựng chính sách khoán quỹ lương để tạo điều kiện nâng cao thu nhập cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động.

Đặc biệt, cần nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước trong việc rà soát chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn để có giải pháp nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị. Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách tiền lương theo quy định.

Về thời gian thực hiện, Chủ tịch UBND Thành phố yêu cầu từ tháng 3/2019 đến tháng 4/2019, các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã căn cứ chức năng, nhiệm vụ xây dựng kế hoạch thực hiện phù hợp với tình hình thực tế của cấp mình, địa phương mình. Từ tháng 3/2019 đến năm 2030, các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã triển khai thực hiện kế hoạch.

Bảo Duy

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này