Hưởng ứng Ngày Thế giới phòng, chống lao 24/3

Đã đến lúc cùng hành động để chấm dứt bệnh lao

20:33 | 23/03/2019
(LĐTĐ) Hôm nay (23/3), tại Hà Nội, Bộ Y tế, Chương trình Chống lao Quốc gia tổ chức sự kiện hưởng ứng Ngày Thế giới phòng, chống lao 24/3/2019, sơ kết 5 năm triển khai Chiến lược Quốc gia phòng, chống lao và phát động Chương trình hành động quốc gia chấm dứt bệnh lao đến năm 2030.
da den luc cung hanh dong de cham dut benh lao Hơn 30 năm "chiến đấu" giành lại sự sống cho bệnh nhân lao
da den luc cung hanh dong de cham dut benh lao Chung tay nhắn tin ủng hộ người bệnh chiến thắng bệnh lao
da den luc cung hanh dong de cham dut benh lao Tăng cường tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày thế giới phòng chống lao

Tham dự Hội nghị có đồng chí Vũ Đức Đam, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; đồng chí Nguyễn Thị Kim Tiến, Ủy viên Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Y tế cùng khoảng 500 đại biểu đại diện cho Văn phòng Chính phủ, các Bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương, Ủy ban nhân dân, Sở Y tế, Chương trình chống lao các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các đối tác trong nước và quốc tế.

da den luc cung hanh dong de cham dut benh lao
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam phát biểu tại sự kiện

Ngày Thế giới phòng, chống lao 24/3 năm nay là cơ hội cho tất cả mọi người chung tay giúp sức, nâng cao nhận thức về bệnh lao.

Riêng tại Việt Nam, chủ đề Ngày Thế giới phòng, chống lao của năm nay là: “Đã đến lúc cùng hành động để chấm dứt bệnh lao tại Việt Nam vào năm 2030”. Chủ đề muốn nêu rõ định hướng và mục tiêu cụ thể đó là cơ bản chấm dứt bệnh lao tại Việt Nam vào năm 2030, tức là với dân số 100 triệu thì cả nước chỉ còn 1.000 người mắc lao 1 năm.

Hiện nay, bệnh lao vẫn là một trong các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên thế giới. Mỗi ngày, khoảng 4.500 người tử vong vì căn bệnh trên và có đến gần 30.000 người nhiễm bệnh.

Việt Nam vẫn nằm trong top 30 quốc gia có gánh nặng bệnh lao cao nhất thế giới, đứng thứ 16 về số người mắc lao cao và đứng thứ 15 gánh nặng lao kháng đa thuốc. Trong đó, 64% bệnh nhân lao thường và 98% bệnh nhân lao kháng thuốc phải chịu gánh nặng chi phí thảm họa. 70% người mắc lao ở trong độ tuổi lao động. Vì vậy, lao thực sự là một vấn đề ảnh hưởng đến kinh tế từng gia đình nói riêng và đất nước nói chung.

Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) năm 2018, ước tính số liệu năm 2017, Việt Nam có 124.000 người mắc lao mới. Chương trình Chống lao Quốc gia đã phát hiện được khoảng hơn 100.000 người mắc lao, còn lại hơn 20.000 người chưa được phát hiện trong cộng đồng. Số người chết do lao năm 2017 ở Việt Nam ước tính là 12.000 người, cao hơn nhiều so với con số tử vong do tai nạn giao thông.

Tuy nhiên, chúng ta có nhiều điều kiện thuận lợi chấm dứt căn bệnh này. Trong 10 năm qua, dựa trên các nghiên cứu điều tra toàn quốc lần 1 năm 2007 và lần 2 năm 2017 và các nghiên cứu phụ trợ, bệnh lao ở Việt Nam đã giảm được 31%, trung bình 3,8% một năm. Những năm gần đây tốc độ giảm nhanh hơn, nhất là sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược Quốc gia phòng, chống lao đến năm 2020, tầm nhìn 2030.

Bên cạnh đó, đến nay chúng ra đã làm chủ được các kỹ thuật phát hiện, chẩn đoán, điều trị với kết quả cao, đã xây dựng được một hệ thống mạng lưới mạnh từ trung ương đến địa phương. Đây là một kết quả rất đáng mừng, nếu so sánh với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới.

Tổ chức Y tế thế giới nhận định Việt Nam đang trên con đường chấm dứt bệnh lao. Chúng ta đã hội tụ gần đủ các yếu tố để chấm dứt bệnh lao vào năm 2030.

Dù vậy, Chương trình Chống lao hiện nay vẫn gặp nhiều thách thức. Nhất là duy trì bền vững tất cả những điều kiện thuận lợi hiện nay, những thành quả đã đạt được cho đến năm 2030. Thách thức thứ hai cùng vô cùng quan trọng đó là sự vào cuộc và hưởng ứng của cả cộng đồng, chủ động tham gia tìm kiếm dịch vụ khám và điều trị bệnh lao, vượt qua mọi rào cản từ cả phía người bệnh cũng như thầy thuốc và xã hội.

Để Việt Nam sớm hoàn thành sứ mệnh phòng, chống lao, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý bổ sung công tác phòng chống lao vào Uỷ ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng chống tệ nạn ma tuý, mại dâm. Để kiện toàn Ủy ban Quốc gia theo hướng trên, Thủ tướng Chính Phủ đã giao Văn phòng Chính phủ chủ trì phối hợp cùng Bộ Y tế, Bộ Công an, Bộ Lao động- Thương binh và xã hội nghiên cứu, triển khai thực hiện.

da den luc cung hanh dong de cham dut benh lao
Lãnh đạo Bệnh viện Phổi Trung ương trao giải nhất cho tác giả tham gia Cuộc thi sáng tác về chủ đề “Cùng hành động để chấm dứt bệnh lao ở Việt Nam”. (Ảnh: Quang Huy).

Trong sự kiện lần này, thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chính thức phát động hưởng ứng Ngày Thế giới phòng, chống lao năm 2019 và giao nhiệm vụ xây dựng Chiến lược và Chương trình hành động quốc gia chấm dứt bệnh lao đến năm 2030.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nhấn mạnh, Việt Nam phải có những hành động mạnh mẽ, hiệu quả hơn để tiến tới chấm dứt bệnh lao vào năm 2030.

Phó Thủ tướng cho rằng việc phát hiện và phát hiện sớm bệnh lao là vô cùng quan trọng và có tính quyết định với tỷ lệ chữa khỏi khoảng 52% trên thế giới và 75% ở Việt Nam. Thậm chí, ở Việt Nam nếu người mắc lao lần đầu được phát hiện thì tỷ lệ chữa khỏi hoàn toàn trong vòng 4-6 tháng lên tới 90%.

Những kết quả của công tác phòng chống lao ở Việt Nam từ năm 1986 đến nay rất đáng khích lệ. Một hệ thống phát hiện, điều trị bệnh nhân lao đã được hình thành với sự tham gia của ngành Y tế, sự vào cuộc cộng đồng, nhiều tổ chức xã hội.

Cùng với đó, một cơ chế tài chính cũng từng bước hình thành cơ bản bảo đảm cho công tác phòng chống và chữa trị bệnh lao từ nguồn ngân sách nhà nước, bảo hiểm y tế, tài trợ quốc tế, Quỹ hỗ trợ người bệnh chiến thắng bệnh lao… Đến thời điểm này, nguồn kinh phí dành cho hoạt động chống lao ở Việt Nam khoảng 60 triệu USD/năm, và để chữa chị cho 1 bệnh nhân lao chỉ cần chưa đến 10 triệu đồng, trong đó có 2 triệu đồng tiền thuốc.

“10 triệu đồng thì cứu được 1 mạng người. Tôi rất mong rằng toàn xã hội sẽ quan tâm, hỗ trợ cho Quỹ hỗ trợ người bệnh chiến thắng bệnh lao, tiến tới thật nhanh mục tiêu 100% số người nhiễm lao ở Việt Nam được phát hiện, chữa trị ngay từ đầu,” Phó Thủ tướng bày tỏ.

Để thực hiện cam kết của Việt Nam với cộng đồng quốc tế về mục tiêu chấm dứt bệnh lao vào năm 2030, Phó Thủ tướng nhấn mạnh trách nhiệm của ngành Y tế cùng cả hệ thống làm sao để người dân nhận thức đầy đủ về bệnh lao.

"Đây là căn bệnh lây nhiễm nhưng không đáng sợ, thậm chí với tiến bộ của y học ngày hôm nay không còn là “bệnh nan y.” Bản thân người bệnh khi có triệu chứng thì chủ động đi kiểm tra để được phát hiện, điều trị theo đúng lộ trình, phác đồ," Phó Thủ tướng cho hay.

Phó Thủ tướng yêu cầu làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động để mọi người dân thấy rằng bệnh lao sẽ cướp đi sinh mạng của rất nhiều người nếu không được phát hiện, điều trị. Đồng thời củng cố cơ chế tài chính, ứng dụng các kỹ thuật phát hiện, điều trị mới, hình thành các chương trình hỗ trợ người bệnh huy động sự tham gia của toàn xã hội thông qua các công cụ công nghệ thông tin.

Đồng thời, tại Sự kiện, Bệnh viện Phổi Trung ương - Chương trình Chống lao Quốc gia cũng tổ chức trao giải Cuộc thi sáng tác về chủ đề “Cùng hành động để chấm dứt bệnh lao ở Việt Nam”. Cuộc thi đã nhận được gần 100 tác phẩm dự thi, Ban Tổ chức đã lựa chọn 20 tác phẩm xuất sắc nhất để trao giải.

Nằm trong khuôn khổ hưởng ứng Ngày Thế giới phòng, chống lao, nhằm vận động nhân dân cả nước ủng hộ, giúp đỡ người bị bệnh lao vượt qua bệnh tật, hòa nhập cộng đồng, Bệnh viện Phổi Trung ương - Chương trình Chống lao Quốc gia - Quỹ Hỗ trợ người bệnh chiến thắng bệnh lao (PASTB) đã phối hợp với Cổng thông tin nhân đạo Quốc gia 1400 mở cổng nhắn tin ủng hộ Quỹ PASTB.

Thời gian: Bắt đầu từ 00h00 ngày 10/3/2019 đến 24h00 ngày 09/5/2019. Cú pháp soạn tin nhắn: TB gửi 1402. (18.000 đồng/tin nhắn, không giới hạn số lượng tin nhắn).

Minh Khuê

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này