Tạo dựng mối quan hệ lao động hài hòa

10:26 | 10/04/2014
LĐTĐ - Không né tránh mà trực tiếp đối thoại là một biện pháp hiệu quả để phát hiện mâu thuẫn và giải quyết mâu thuẫn, xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa trong DN. Đó là nhận định của hầu hết đại biểu tại hội thảo “Nâng cao chất lượng đối thoại tại nơi làm việc” trong các KCN, KCX, khu kinh tế các tỉnh, thành phố phía Bắc.

Bức xúc của CNLĐ được thấu hiểu  

Theo báo cáo của Công đoàn các khu công nghiệp 13 tỉnh phía Bắc, từ đầu năm 2014 đến nay, số lượng và chất lượng các buổi đối thoại trong DN ở khu vực này tăng rõ rệt. Đây là yếu tố quan trọng để khắc phục sự thiếu thông tin giữa các bên tham gia quan hệ LĐ và để giải quyết những thắc mắc, bức xúc của NLĐ. Bởi đối thoại tại nơi làm việc là phương pháp tốt nhất nhằm xây dựng mối quan hệ lao động hài hoà, ổn định và tiến bộ trong từng DN. Thông qua đối thoại sẽ giúp cho người sử dụng lao động và NLĐ hiểu nhau hơn góp phần nâng cao đời sống NLĐ, thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội nói chung và DN nói riêng.

Được đối thoại thẳng thắn nơi làm việc , NLĐ sẽ yên tâm công tác (Ảnh minh họa)

Trên thực tế, có nhiều DN đã thực hiện một cách thường xuyên, định kỳ hình thức đối thoại tại nơi làm việc. Ông Đinh Quốc Toản, Chủ tịch CĐ các KCN và chế xuất Hà Nội  cho biết, chủ trương của TP và CĐ các KCN - KCX Hà Nội là tăng cường các hình thức đối thoại và hiện có tới 4 hình thức đối thoại được tổ chức thường xuyên. Hằng năm, lãnh đạo TP đối thoại với CNLĐ, CBCĐ và các chủ DN một lần. Hội nghị đối thoại giữa người sử dụng LĐ với BCH CĐCS được tổ chức mỗi tháng một lần và tổ chức đột xuất khi có yêu cầu của mỗi bên. Hội nghị đối thoại giữa chủ DN với CNLĐ được tổ chức 3 tháng một lần và hội nghị NLĐ tại các DN được tổ chức mỗi năm một lần vào quý I. Từ các cuộc đối thoại, TP đã kịp thời giải quyết 5 kiến nghị của NLĐ, chủ yếu là đầu tư thêm cơ sở hạ tầng tại các KCN và nhà trọ phục vụ CN.Với nhiều DN, nhờ có đối thoại định kỳ, những thông tin được trao đổi qua lại giúp chủ DN nắm vững tình hình và có sự bàn bạc với CĐ để triển khai khắc phục những tồn tại. Điểm cơ bản là CNLĐ được hưởng lợi, được đảm bảo chế độ sau khi những kiến nghị của họ được giải quyết tốt qua đối thoại.  “Tổ chức hiệu quả đối thoại tại nơi làm việc sẽ nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, những kiến nghị đề xuất của CNLĐ để kịp thời giải quyết những vướng mắc phát sinh trong quan hệ lao động, từ đó sẽ giữ được mối quan hệ lao động hài hòa. Căn cứ Bộ luật Lao động, NLĐ làm việc trong các DN nếu có vấn đề không hài lòng cần hoà giải và đề đạt ý kiến”, ông Toản khẳng định.  

Ở Cty TNHH SWCC Showa VN, sau đối thoại mức thưởng tháng lương thứ 13 của CN được điều chỉnh tăng từ 1,8 lên 2 lần lương tháng trong năm. Qua đối thoại, NLĐ thoả mãn những thông tin mà họ cần biết nên an tâm, hăng hái lao động sản xuất,  nâng cao năng suất lao động nhằm tạo thêm thu nhập cho bản thân và tăng doanh thu cho DN. Tại Công ty TNHH ChunFun Khu CN Quang Minh, Mê Linh, Hà Nội đã đặt hộp thư để tiếp nhận ý kiến, nguyện vọng của CN. Những thắc mắc của CN đều được ban giám đốc giải đáp thẳng thắn và đầy đủ. Nhờ vậy, có giai đoạn công ty gặp khó khăn, CN đã đồng ý không tăng lương mà tăng năng suất. Công ty  điện Stanley Việt Nam (Dương Xá, Gia Lâm) định kỳ 6 tháng 1 lần tổ chức đối thoại với CNLĐ để lắng nghe và giải đáp những khúc mắc, kiến nghị về lương, bữa ăn giữa ca, chế độ ngày nghỉ, chuyên cần của CN…Tại các cuộc đối thoại CN nêu kiến nghị như tăng tiền ăn đêm để bảo đảm sức khỏe; thay áo BHLĐ do áo đang dùng không thấm mồ hôi…Hầu hết những thắc mắc của CNLĐ được giải quyết thỏa đáng, thông qua đó khoảng cách giữa ban giám đốc và CN xích lại gần nhau, hiểu nhau hơn.

Vai trò của CĐCS trong đối thoại

Có thể nói từ các cuộc đối thoại, mọi vấn đề trong DN, từ tiền thưởng đến những vấn đề NLĐ quan tâm đều được đề cập và công khai biện pháp giải quyết. Tuy nhiên, hiện nay bên cạnh các DN quan tâm và thực hiện việc tổ chức đối thoại tại nơi làm việc theo quy định của Bộ luật Lao động sửa đổi năm 2012 vẫn còn có nhiều DN chưa tổ chức được hội nghị đối thoại tại nơi làm việc, hoặc có nhưng nội dung và chất lượng chưa đảm bảo; thành phần tham gia chưa đầy đủ theo quy định; Ban chấp hành CĐCS ở một số đơn vị, DN vẫn chưa phát huy được hết vai trò của mình trong việc phối hợp với DN tổ chức đối thoại tại nơi làm việc.

Theo ông Đinh Quốc Toản, với tư cách là người đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, CĐCS phải luôn phối hợp tốt cùng với DN trong việc tổ chức những cuộc đối thoại tại nơi làm việc. Tuỳ theo tính chất, nội dung của cuộc đối thoại mà CĐ tham gia với tư cách là người đại diện hoặc với tư cách một tổ chức độc lập cùng trao đổi với DN để tìm ra một lời giải chung cho một vấn đề thực tế đặt ra. CĐ cần có sự chuẩn bị đầy đủ về nội dung, hình thức, nắm vững các quy định của pháp luật để tham gia tổ chức đối thoại định kỳ tại nơi làm việc giữa người sử dụng lao động và tập thể lao động. “Đây là việc làm hết sức có ý nghĩa của công đoàn,  nhằm bảo vệ có hiệu quả quyền lợi của NLĐ, góp phần thực hiện tốt chức năng đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của đoàn viên, CNLĐ, xây dựng quan hệ lao động hài hoà, ổn định và tiến bộ trong DN”, ông Toản chia sẻ.

Trần Vũ
 

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này