Cha mẹ “tẩy chay” vắc xin: Con gánh hậu quả

13:58 | 21/03/2019
(LĐTĐ) Thờ ơ, thậm chí “tẩy chay” vắc xin đang diễn ra ở một số phụ huynh thiếu hiểu biết và có suy nghĩ cực đoan. Các chuyên gia y tế cảnh báo điều này sẽ gây ra những hệ lụy khôn lường khi trẻ không được bảo vệ khỏi các dịch bệnh nguy hiểm, thậm chí sự sống bị đe dọa.
cha me tay chay vac xin con ganh hau qua Tiêm đủ 2 mũi vắc xin phòng sởi cơ hội bảo vệ lên đến 90%
cha me tay chay vac xin con ganh hau qua Cục Quản lý Dược: Không để thiếu vắc xin phòng bệnh

Hệ lụy khôn lường

Thời gian vừa qua, trên các mạng xã hội, xuất hiện nhiều trang “chống vắc xin”, “anti vắc xin”, “tẩy chay vắc xin… đưa ra hàng loạt thông tin sai lệch về hiệu quả của vắc xin. Những người theo phong trào này cho rằng, tiêm vắc xin có thể sẽ gây nguy hiểm cho sức khỏe, tính mạng của con em họ. Thay vì chủ động tiêm, phòng vi rút gây bệnh, họ để hệ thống miễn dịch của cơ thể tự đề kháng với dịch bệnh.

Ngoài ra, sự thiếu thông tin, thiếu hiểu biết và bảo thủ của một số người dân cũng là căn nguyên khiến phong trào tẩy chay vắc xin lan rộng. Hậu quả khiến nhiều bệnh như quai bị, chân tay miệng,… đặc biệt là sởi bắt đầu quay lại bùng phát gây nguy hiểm cho sức khỏe của cộng đồng, đặc biệt là trẻ nhỏ.

Theo các bác sĩ tại Khoa Truyền nhiễm - Bệnh viện Nhi Trung ương, hầu hết số trẻ nhiễm bệnh sởi vào khám và điều trị tại Bệnh viện đều chưa tiêm phòng. Điều đáng nói là trong số này, có cả những trường hợp trẻ mắc bệnh do cha mẹ “tẩy chay” nhất định không cho con tiêm vắc xin.

Đơn cử như trường hợp bé Diệp (17 tháng, ở Hà Nam) mới đây nhập viện điều trị vì bệnh sởi. Trước đó, bé bỗng nhiên lên cơn sốt kèm theo nổi các nốt đỏ li ti trên mặt. Ban đầu, bé chỉ sốt nhẹ nhưng hôm sau thì nhiệt độ cơ thể tăng cao kèm theo biểu hiện mệt li bì.

cha me tay chay vac xin con ganh hau qua
Tiêm chủng là cách phòng bệnh sởi đơn giản và hiệu quả cho trẻ em.

Các nốt ban từ mặt đã lan xuống ngực, cánh tay và hai bàn chân của cháu. Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, sau khi thăm khám, cháu được các bác sĩ kết luận mắc sởi. Qua khai thác bệnh sử, các bác sĩ phát hiện đây là trường hợp bệnh nhân chưa được tiêm vắc xin phòng bệnh. Khi được hỏi nguyên nhân, bà cháu Diệp chia sẻ: “Bố mẹ cháu đọc nhiều bài báo trên mạng xã hội, lo sợ phản ứng sau khi tiêm nên nhất định không cho cháu tiêm phòng. Khuyên thế nào cũng không được”.

Tương tự, chị Lường Thị Lan (21 tuổi, ở Lào Cai), mặc dù con gái đã 10 tháng tuổi nhưng chưa tiêm mũi vắc xin phòng bệnh nào, kể cả sởi. Nguyên nhân, do chị nghe nhiều người nói có cháu đi tiêm phòng bị tiêm tiêm nhầm thuốc, con bị câm, điếc nên sợ hãi và lo lắng không cho con đi tiêm.

“Tôi có đọc báo, tìm hiểu trên internet về tiêm vắc xin, thấy nhiều người cũng không cần cho con đi tiêm. Và tôi nhận thấy, từ lúc sinh ra đến giờ dù chưa tiêm lần nào nhưng con vẫn khỏe mạnh, nên tôi nghĩ không tiêm cũng không sao” chị Lan chia sẻ.

Đừng để trẻ mang bệnh do cha mẹ thiếu hiểu biết

Chia sẻ về vấn đề này, Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Văn Lâm, Trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, đây chỉ là hai trong rất nhiều trường hợp cha mẹ “tẩy chay” vắc xin sởi. Trong khi đó, sởi là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút gây ra. Bệnh lây truyền qua đường hô hấp, do dịch tiết mũi họng của người nhiễm bệnh theo không khí thoát ra khi người bệnh ho hoặc hắt hơi, nói chuyện… Bệnh dễ lây lan ở những khu vực đông người như: Nhà trẻ, trường học, khu đông dân cư và dễ bùng phát thành dịch.

Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, từ đầu năm 2019 đến nay, một số dịch bệnh trên địa bàn thành phố như: Sởi, tay chân miệng, sốt xuất huyết, ho gà có số mắc tăng so với cùng kỳ năm 2018. Theo số liệu thống kê mới nhất, thành phố đã ghi nhận 412 ca mắc sởi, phân bố tại 29/30 quận, huyện, thị xã và 183/584 xã, phường, thị trấn.

Số ca mắc sởi tập trung chủ yếu ở khu vực nội thành (chiếm 73%). Một số quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân sởi như: Hoàng Mai, Thanh Xuân, Nam Từ Liêm, Hà Đông, Ba Đình. Điều đáng nói là 92% bệnh nhân mắc sởi chưa được tiêm chủng hoặc tiêm chủng không đầy đủ, hoặc không rõ tiền sử tiêm chủng do mất sổ tiêm chủng.

Hiện nay, phương pháp phòng bệnh hiệu quả nhất là tiêm đủ liều vắc xin phòng sởi mũi đầu khi trẻ được 9 tháng, mũi 2 khi trẻ được 18 tháng. Tuy nhiên, gần đây, trên các mạng xã hội xuất hiện nhiều thông tin tự phát khuyến khích cha mẹ không tiêm vắc xin phòng bệnh cho con.

Điều này khiến nhiều phụ huynh lo lắng, không dám cho con đi tiêm phòng. Và hệ quả là nhiều bé không được bảo vệ khỏi những bệnh lây nhiễm nguy hiểm, trong đó có sởi, đồng thời dịch bệnh có cơ hội hoành hành trong cộng đồng.

Công tác tại Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi Trung ương nhiều năm, bác sĩ Lâm gặp rất nhiều trường hợp trẻ nhập viện do các biến chứng nặng sau khi mắc sởi. Trường hợp điển hình là một bé trai 20 tháng tuổi vào viện trong tình trạng sốt cao khó thở, nghe phổi có nhiều âm ran phế quản, bạch cầu tăng, phim chụp X-quang có hình ảnh nốt mờ rải rác hai phổi. Cháu bé được chẩn đoán viêm phổi-suy hô hấp một trong những biến chứng nguy hiểm, nguyên nhân gây tử vong cao ở trẻ nhỏ mắc sởi. May mắn, sau gần ba tuần được các bác sĩ tích cực điều trị, cháu bé đã qua cơn nguy kịch. Điều đáng nói là dù đã gần 2 tuổi, nhưng bé chưa được gia đình cho tiêm phòng.

Đồng quan điểm trên, bác sĩ Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai cho rằng, những người có tư tưởng chống lại tiêm vắc xin là do chưa hiểu hết vấn đề. Bởi vì, bất kỳ loại vắc xin nào dù tốt đến đâu cũng không bảo đảm an toàn tuyệt đối như mong muốn, bởi vì tiêm vắc xin tức là đưa một kháng nguyên lạ vào trong cơ thể. Mỗi cá thể sẽ có phản ứng với vắc xin ở các mức độ khác nhau và hầu hết chỉ có các phản ứng nhẹ như sốt, sưng đau tại chỗ tiêm và tự khỏi trong 24 giờ.

Tuy nhiên một số rất ít cơ thể lại có phản ứng mạnh với vắc xin như sốt cao, co giật, quấy khóc kéo dài, tím tái, thậm chí là sốc phản vệ và tử vong. “Thực tế, nhiều trường hợp tiêm cùng một lô vắc xin, thậm chí tiêm cùng một lọ vắc xin lại có trẻ có phản ứng rất nghiêm trọng, trong khi tất cả các trẻ khác hoàn toàn bình thường và đó là do phản ứng cá thể cơ địa của từng người với vắc xin chứ không phải do chất lượng vắc xin. Do vậy cha mẹ không nên cực đoan, thiếu hiểu biết, ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng trẻ”, bác sỹ Dũng khuyến cáo.

Để phòng ngừa các bệnh sởi hiệu quả, PGS.TS Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội cho biết thêm trong thời gian tới Hà Nội phấn đấu khống chế dịch bệnh sởi trong quý II/2019; giảm dần số ca mắc sởi. Theo ông Nguyễn Nhật Cảm, để thực hiện mục tiêu này, vấn đề quan trọng nhất hiện nay là triển khai tốt công tác tiêm phòng. Vì vậy, các quận, huyện có tỷ lệ tiêm chủng thấp cần phải rà soát đối tượng trẻ trong độ tuổi tiêm chủng; đặc biệt, cần có sự tham gia phối hợp của đội ngũ cộng tác viên dân số cùng vào cuộc, rà soát lập danh sách cụ thể trẻ cần tiêm chủng theo hộ gia đình.

Đồng thời, đối với việc phòng chống dịch bệnh, Hà Nội cũng sẽ tăng cường giám sát phát hiện ca bệnh, kiểm soát chặt chẽ, phát hiện sớm từ các trường hợp dịch bệnh trên địa bàn; tổ chức cách ly, khoanh vùng, xử lý triệt để ổ dịch; cách ly trường hợp bệnh; rà soát tiền sử tiêm chủng các đối tượng xung quanh, tổ chức tiêm vét với tiêm chủng mở rộng, khuyến cáo tiêm chủng dịch vụ với trẻ trên 5 tuổi; ra quân xử lí môi trường, phòng dịch như mở cửa thông thoáng, lau chùi bằng chất tẩy rửa thông thường... Thực hiện tổ chức tiêm chủng tốt, đảm bảo an toàn trong tiêm chủng, tăng cường theo dõi trước, trong và sau tiêm; khuyến cáo và tổ chức tiêm vắc xin dịch vụ cho trẻ trên 5 tuổi và người dân, phụ nữ trong tuổi sinh đẻ và có con trên 9 tháng tuổi.

Minh Khuê

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này