Công đoàn tham gia đảm bảo trật tự ATGT: Nhiều sáng kiến, mô hình hay

12:06 | 21/03/2019
(LĐTĐ) Giai đoạn 2019 - 2024, Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam sẽ tiếp tục phối hợp Uỷ ban An toàn Giao thông (ATGT) Quốc gia đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, vận động cán bộ, đoàn viên công nhân, viên chức, lao động tham gia bảo đảm trật tự an toàn giao thông, qua đó góp phần kéo giảm tai nạn giao thông. 
tao chuyen bien manh me tu nhan thuc den hanh dong Phát động Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động TP Hà Nội năm 2019
tao chuyen bien manh me tu nhan thuc den hanh dong Prudential cam kết luôn “Lắng nghe. Thấu hiểu. Hành động”.
tao chuyen bien manh me tu nhan thuc den hanh dong Triển khai Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động năm 2019

Nhiều mô hình, cách làm hiệu quả

Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Bùi Văn Cường cho biết: Từ năm 2014, nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác tuyên truyền đảm bảo trật tự ATGT trong cán bộ, công nhân viên chức lao động (CB,CNVCLĐ), Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam và Ủy ban ATGT Quốc gia đã ký kết chương trình phối hợp về “Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, phổ biến và giáo dục pháp luật về bảo đảm trật tự ATGT đối với CB, CNVCLĐ cả nước” giai đoạn 2014 - 2018.

tao chuyen bien manh me tu nhan thuc den hanh dong
Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Bùi Văn Cường và Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, Phó Chủ tịch Thường trực Uỷ ban ATGT Quốc gia Nguyễn Văn Thể ký chương trình phối hợp giai đoạn 2019-2024.

Căn cứ chương trình phối hợp, Tổng Liên đoàn đã chỉ đạo các LĐLĐ tỉnh, thành phố chủ động phối hợp với Ban ATGT địa phương ký kết chương trình, kế hoạch phối hợp với nội dung cụ thể phù hợp với đặc điểm địa bàn; triển khai đồng bộ các giải pháp thực hiện; tổ chức hơn 120.000 cuộc tuyên truyền, vận động CNVCLĐ thực hiện tốt các quy định về đảm bảo trật tự ATGT; đưa nội dung chấp hành pháp luật ATGT vào tiêu chuẩn xét thi đua cho cá nhân, tập thể, xét công nhận công đoàn cơ sở vững mạnh, phong trào xây dựng cơ quan, đơn vị đạt chuẩn văn hóa.

Qua đó, tạo chuyển biến rõ nét trong nhận thức và hành động của đội ngũ CB, CNVCLĐ về chấp hành pháp luật ATGT, góp phần kéo giảm tai nạn giao thông, từng bước xây dựng văn hóa giao thông trong đội ngũ đoàn viên, người lao động.

Nội dung phối hợp giữa Tổng LĐLĐ Việt Nam và Ủy ban ATGT Quốc gia giai đoạn 2019-2024

*Tập trung phổ biến pháp luật giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, đường hàng không đến CNVCLĐ tại các khu, cụm công nghiệp trong cả nước; trọng tâm là Luật giao thông đường bộ và các nghị định, thông tư hướng dẫn Luật;

*Nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật trật tự ATGT và hướng dẫn các kỹ năng điều khiển xe an toàn cho CNVCLĐ. Tuyên truyền, vận động CNVCLĐ thực hiện “3 phải” (phải đội mũ bảo hiểm; phải đi đúng phần đường, làn đường; phải giảm tốc độ từ đường phụ ra đường chính) và “3 không” (không lái xe sau khi uống rượu, bia; không phóng nhanh vượt ẩu; không chở quá số người quy định) khi đi mô tô, xe gắn máy.

*Tuyên truyền, vận động CNVCLĐ thực hiện “Văn hóa giao thông”, tự giác chấp hành các quy định của pháp luật về trật tự an toàn giao thông, ứng xử có văn hóa khi tham gia giao thông.

*Đặc biệt, sẽ xây dựng các mô hình điểm về công tác tuyên truyền bảo đảm trật tự ATGT, văn hóa giao thông tại các khu, cụm công nghiệp; vận động các cơ quan chức năng có liên quan và các doanh nghiệp triển khai tốt công tác vận chuyển, đưa đón người lao động; thí điểm tổ chức việc giảm giá vé xe buýt (theo tuyến, lộ trình) cho CNVCLĐ tại khu, cụm công nghiệp, khu chế xuất có đông CNLĐ. Thí điểm xây dựng mô hình đoạn đường tổ công nhân tự quản an toàn giao thông và kiến nghị với các cơ quan chức năng có cơ chế chính sách để tổ công nhân tự quản bảo đảm trật tự ATGT được duy trì và hoạt động tốt.

Cụ thể, sau 5 năm triển khai thực hiện, đã có 100% LĐLĐ các tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành trung ương, Công đoàn Tổng Công ty trực thuộc ký kết chương trình phối hợp với Ban ATGT cùng cấp...

Tổ chức công đoàn các cấp đã phối hợp với Ban ATGT các tỉnh, thành và ngành chức năng tổ chức 71.872 cuộc tuyên truyền trực tiếp cho CNLĐ tại các khu công nghiệp, khu chế xuất (KCN-KCX) về những nội dung cơ bản của Luật giao thông và các quy định cụ thể về xử phạt đối với các hành vi vi phạm pháp luật về đảm bảo trật tự ATGT; tổ chức 51.640 cuộc míttinh, hội thi, hội thảo, tọa đàm, ngày hội về công tác bảo đảm trật tự ATGT, thu hút hơn 6.297.670 lượt đoàn viên công đoàn, CNLĐ trực tiếp tham gia…

Bên cạnh các hoạt động tuyên truyền, các cấp công đoàn đã tổ chức các phong trào thi đua, vận động CNVCLĐ và gia đình thực hiện nghiêm túc các quy định của luật giao thông và các biện pháp của chính quyền địa phương, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong công tác đảm bảo trật tự ATGT; phát động phong trào “Văn hóa giao thông và nếp sống văn minh đô thị” với phương châm “Mỗi cá nhân là hạt nhân tích cực, gương mẫu trong phong trào xây dựng văn hóa giao thông”; phong trào “3 có - 4 không” (gồm: Có hiểu biết đầy đủ đúng và tự giác chấp hành các quy định của pháp luật về giao thông; có trách nhiệm với bản thân và cộng đồng khi tham gia giao thông; có hành vi ứng xử văn hóa, hợp tác giúp đỡ người bị tai nạn giao thông. Không uống rượu bia, phóng nhanh, vượt ẩu, vượt đèn đỏ; không lấn chiếm lòng đường, vỉa hè, hành lang bảo vệ ATGT; không có thói hư, tật xấu trong ứng xử với mọi người cùng tham gia giao thông cũng như xảy ra tai nạn giao thông; không để xảy ra tai nạn giao thông khi tham gia giao thông)...

Phát biểu tại Hội nghị ký kết chương trình phối hợp về đảm bảo ATGT trong CB,CNVLĐ giữa Tổng LĐLĐ Việt Nam và Ủy ban ATGT Quốc gia giai đoạn 2019-2024, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình ghi nhận và đánh giá cao vai trò của tổ chức Công đoàn, đã có nhiều sáng kiến, mô hình, cách làm hay trong công tác tuyên truyền vận động CNVCLĐ chấp hành pháp luật ATGT, điển hình như: Thành lập các đội tuyên truyền nòng cốt về ATGT, thường xuyên đến các khu KCN-KCX, khu nhà trọ có đông CNLĐ tại các khu, cụm dân cư, CNLĐ ở vùng sâu, vùng xa mới về làm việc tại các khu, cụm công nghiệp để tuyên truyền; phát động phong trào “Văn hóa giao thông và nếp sống văn minh đô thị” với phương châm “Mỗi cá nhân là hạt nhân tích cực, gương mẫu trong phong trào xây dựng văn hóa giao thông”... qua đó góp phần hiệu quả kéo giảm các vụ tai nạn giao thông về cả 3 tiêu chí (số vụ, số người chết và số người bị thương).

Đề cao vai trò người đứng đầu

Nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác đảm bảo ATGT luôn là mối quan tâm của Đảng, của cả hệ thống chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình khẳng định: Những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng và sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của cả hệ thống chính trị, công tác bảo đảm trật tự ATGT đã có nhiều chuyển biến tích cực; liên tục từ năm 2012 đến hết năm 2018 tai nạn giao thông đã được giảm cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương.

Nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật giao thông, đảm bảo trật tự ATGT trong CB,CNVCLĐ, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đề nghị: Cần đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị đối với công tác bảo đảm trật tự, ATGT.

Cụ thể, cần tổ chức quán triệt sâu sắc đến cán bộ, đoàn viên, CNVCLĐ gương mẫu thực hiện, tích cực vận động gia đình và người thân chấp hành nghiêm túc các quy định về đảm bảo trật tự, ATGT. Đưa tiêu chí việc chấp hành pháp luật về trật tự ATGT là một tiêu chuẩn đánh giá kết quả công tác hàng năm của các cơ quan, đơn vị và cán bộ, CNVCLĐ; động viên, khen thưởng kịp thời những tập thể, cá nhân làm tốt, đấu tranh phê phán các hành vi vi phạm.

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình cũng yêu cầu cần đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự ATGT trong các cấp công đoàn. Đưa nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự ATGT vào sinh hoạt định kỳ, là nhiệm vụ thường xuyên của các cấp công đoàn; đưa việc xây dựng “Văn hoá giao thông” vào nội dung cuộc vận động “Xây dựng cơ quan, đơn vị đạt chuẩn văn hóa” để tuyên truyền, vận động cán bộ, CNVCLĐ thực hiện...

Bảo Duy

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này