Thiệt thòi vì thiếu hiểu biết

10:09 | 17/04/2014
LĐTĐ - Thiếu kiến thức và không được tiếp cận nguồn thông tin chính thống khiến nhiều người đi xuất khẩu lao động bị thiệt thòi quyền lợi.

Vất vả để… nuôi “cò”

Cuối tháng 3/2014, tại Thanh Hóa, Trung ương Đoàn phối hợp với Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), Quỹ chấm dứt buôn bán người và bóc lột lao động đã tổ chức các hoạt động truyền thông về di cư an toàn đối với thanh niên. Số liệu khảo sát của ILO cho thấy, không người lao động (NLĐ) nào từ Thanh Hóa và Quảng Ngãi dự định đi làm việc ở nước ngoài biết được thông tin cụ thể về chi phí cũng như các quy định về tiền dịch vụ, tiền môi giới, việc hoàn trả các khoản tiền này... 50% trong số 300 NLĐ được hỏi cho biết, họ không biết các kênh để đi làm việc ở nước ngoài; 95% không biết về quyền được giữ hộ chiếu khi làm việc ở nước ngoài.  Chị Tống Thị Oanh, ở xã Hà Bắc, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa cho biết, chị đi xuất khẩu lao động (XKLĐ) ở Malaysia trong 3 năm, mới hết hạn tháng 11/2013. Trước đó, qua một công ty môi giới ở Hà Nội, chị đi XKLĐ với chi phí 1.300 USD theo dạng nợ phí (công ty môi giới sẽ khấu trừ vào tiền lương hằng tháng). Cày cục làm việc cả năm, tiết kiệm chi tiêu, chị mới trả hết khoản nợ này.

Bi đát hơn là trường hợp chị Tống Thị Thanh, cũng ở huyện Hà Trung. Qua một công ty môi giới, cuối năm 2012, chị lên Hà Nội học tiếng Hoa và đi XKLĐ, làm CN cơ khí tại Đài Loan. Chị Thanh cũng bị công ty môi giới bắt chẹt khi tính phí 6.500 USD (quy định của Bộ LĐ-TB-XH chỉ 4.500 USD). Chị Thanh cho hay, điều kiện ăn ở, làm việc quá tệ, lại bị ông chủ đánh đập thậm tệ mà không rõ nguyên nhân khiến chị chán nản. Sau 10 tháng làm việc, chị Thanh đến công ty môi giới xin chuyển chỗ làm nhưng bị từ chối, chị đành chọn cách kết thúc hợp đồng trước thời hạn. May mắn là khi về nước, chị còn đòi lại được 3.000 USD.

Mất tiền tỉ vì thiếu hiểu biết

Trung tuần tháng 3/2014, Công an huyện Yên Thành, Nghệ An đã lật tẩy đường dây lừa đảo đưa người đi xuất khẩu lao động tại Hàn Quốc, Canada. Cầm đầu đường dây là Ngô Thu Lý (SN 1983), trú tại Tân Yên, Bắc Giang. Với những thủ đoạn tinh vi, trong 6 tháng cuối năm 2013, chỉ tính riêng địa bàn tỉnh Nghệ An, bọn chúng đã lừa gạt được 39 hộ dân ở nhiều xã thuộc các huyện Yên Thành, Diễn Châu, Tân Kỳ, Hưng Nguyên cùng với số tiền chiếm đoạt trên 7 tỷ đồng, khiến cho nhiều gia đình lâm vào cảnh trắng tay, nợ nần chồng chất.

Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ LĐTB&XH cho rằng: Những trường hợp lừa đảo đã lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người lao động. Những kẻ lừa đảo thường về các vùng nông thôn, miền núi, tiếp cận với những gia đình đang có nhu cầu cho con em đi XKLĐ. Thậm chí, chúng còn liên hệ làm việc với chính quyền địa phương với vỏ bọc là các doanh nghiệp, trung tâm có chức năng thực hiện việc XKLĐ...Một thủ đoạn phổ biến nữa là thông qua các trang mạng rao tuyển người XKLĐ, mời chào với nhiều hứa hẹn hấp dẫn như làm việc ở các nước tiên tiến, công việc lương cao, không nặng nhọc... để thuyết phục người lao động. Những chiêu lừa như vậy không phải là mới, nhưng vẫn dụ dỗ được những người nhẹ dạ do nhận thức của người lao động ở nông thôn, miền núi còn hạn chế.

Chỉ nên tin vào các thông tin chính thống

Nhằm ngăn chặn, phòng ngừa và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động xuất khẩu lao động, Cục Quản lý lao động ngoài nước, Thanh tra Bộ LĐTBXH và Thanh tra các Sở LĐ-TBXH đã tiến hành nhiều cuộc thanh, kiểm tra định kỳ về hoạt động xuất khẩu lao động tại các doanh nghiệp được cấp giấy phép hoạt động. Đồng thời, các cơ quan chức năng đã tổ chức nhiều cuộc thanh, kiểm tra bất thường tại các doanh nghiệp xuất khẩu lao động khi nhận được thông tin phản ánh từ các tổ chức, cá nhân, từ các phương tiện thông tin đại chúng, qua đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân. Tuy nhiên, những giải pháp trên dù được thực hiện thường xuyên vẫn khó ngăn chặn được triệt để bởi các hình thức lừa đảo ngày càng tinh vi. Vì vậy, theo ông Phan Văn Minh, giám đốc Trung tâm lao động ngoài nước, các doanh nghiệp XKLĐ cần công bố thông tin công khai, minh bạch về các điều kiện, thủ tục, tiêu chuẩn tuyển chọn, mức lương và nhất là chi phí đối với từng thị trường, chỉ đạo và quản lý chặt chẽ các chi nhánh, trung tâm hoạt động theo đúng quy định của pháp luật. Người lao động khi nhận được thông tin xuất khẩu lao động cần kiểm tra lại thông tin từ cơ quan chức năng, đến Sở LĐ-TBXH địa phương để được giải đáp thông tin, hoặc liên hệ với đường dây nóng của Cục Quản lý lao động ngoài nước để được giải đáp theo số máy 04 38249517, các số máy lẻ: 511, 512, 513.

Ngọc Tú

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này