Công nhân thèm đọc

10:20 | 06/05/2014
LĐTĐ - Bận rộn, mệt mỏi vì công việc và những lo lắng mưu sinh, đa số CNLĐ không có thời gian và nhu cầu đọc sách, báo. Thêm vào đó, trong điều kiện thu nhập hạn hẹp, phải tằn tiện đủ thứ, việc chi tiền mua sách báo càng trở nên xa xỉ đối với công nhân. Tuy nhiên, sách báo vẫn là nguồn vui, là món ăn tinh thần của không ít CNLĐ. Đối với họ, một cuốn sách, một tờ tạp chí dù cũ đến mấy cũng vô cùng quý giá.

Món ăn tinh thần

Khi tôi đến chơi, Hằng (công nhân KCN Sài Đồng, ở trọ tại Thạch Bàn, Long Biên) đang loay hoay với mấy quyển tạp chí đã ố vàng. Cô lọ mọ cắt từng miếng băng dính dán lại rồi vuốt phẳng phiu để vào góc phòng. Thấy tôi ngạc nhiên, Hằng cười: “Em làm vậy để giữ được lâu hơn, còn cho các bạn khác mượn”. Tôi nhìn kỹ mấy quyển tạp chí của Hằng. Chúng cũ quá, xuất bản những năm 2009, 2010! Trả lời cho câu hỏi “đọc thế này thì còn gì là thời sự?”Hoa- bạn cùng phòng với Hằng cười: “Cái gì chưa đọc là mới hết chị à. Không có tiền, tụi em chỉ mua những tạp chí cũ, giá chỉ 1.000 đồng/quyển”.  Đối với công nhân mấy quyển tạp chí của người đẩy xe bán dạo quanh khu nhà trọ là một kho chuyện “trên trời, dưới đất”. Hôm nào lĩnh  lương, mấy đứa tụi em lại rủ nhau góp tiền mua cả chục quyển. Phòng này đọc xong lại chuyền sang phòng khác, có khi quyển tạp chí trở về với chủ nhân không còn bìa”- Hằng bảo. Nếu như Hằng, Hoa thích tạp chí cũ thì Duyên, Hà cũng là công nhân trong KCN Sài Đồng lại mê tiểu thuyết diễm tình- mà cũng toàn sách đã cũ. Duyên bảo: “Chúng em đâu biết chỗ nào để vui chơi, mà ra đường thì tốn tiền lắm! Thôi cứ về nhà, mấy đứa góp tiền thuê một bộ tiểu thuyết đọc được mấy đêm”.

Thèm đọc sách, công nhân chỉ có cách tranh thủ đọc nhờ.

Dẫu sao thì  việc Hằng, Hoa chủ yếu đọc những chuyện yêu đương, làm đẹp, nội trợ... như vậy cũng còn có ích, chứ những công nhân khác đọc tiểu thuyết diễm tình nhiều thành ra nghiện, đâm ra mơ mộng y như trong truyện. Duyên- cô bạn thích đọc tiểu thuyết diễm tình kể, trong khu nhà trọ công nhân mà cô ở, có không ít chuyện bi hài quanh việc đọc tiểu thuyết. Có cô công nhân mê tiểu thuyết đến nỗi về nhà là ôm quyển sách, quên cả tắm rửa, nấu ăn.

Để việc đọc sách thật sự hữu ích

Trong điều kiện lương thấp, giá cả tiêu dùng vùn vụt tăng cao, dành tiền để mua sách báo quả là việc quá xa xỉ đối với công nhân. Tuy vậy, nhiều công nhân cũng đã biết cách để thỏa mãn nhu cầu thèm đọc, làm giàu thêm kiến thức của mình, đó là đọc nhờ tại các nhà sách, các sạp sách báo vỉa hè. Quan sát một cửa hàng sách báo trên đường Vĩnh Tuy vào buổi tối thấy đông nghẹt người,  trong đó có rất nhiều khách hàng vẫn mặc đồng phục công nhân. Minh Thu (công nhân khu công nghiệp Vĩnh Tuy) là khách hàng thường xuyên tại đây cho biết: “Em rất thích truyện của Nam Cao, Ngô Tất Tố, Vũ Trọng Phụng... Bất kỳ tác phẩm nào của các tác giả này tái bản, em đọc cho hết”.  Nhưng được một vốn liếng văn học kha khá như thế, Thu cũng phải nhiều lần ê mặt khi nhân viên cửa hàng sách nhắc nhở: “Chị thông cảm, đừng đọc lâu quá!” Cũng như Thu, Hoàng (khu công nghiệp Sài Đồng) cũng là một chuyên gia đọc nhờ nhà sách. Gặp Hoàng tại nhà sách Minh Trí trong siêu thị BigC vào một ngày cuối tuần, Hoàng cho biết: “Em rất thích các sách dạy làm người: Tâm hồn cao thượng, Sống đẹp... nhưng cũng chẳng dám mua quyển nào vì “lương công nhân có hạn”.  

Thiết nghĩ sách báo đem đến những thông tin rất bổ ích cho việc bồi dưỡng tâm hồn, nâng cao kiến thức cho công nhân. Tuy nhiên, nếu không có sự vào cuộc tích cực của công đoàn, của doanh nghiệp, toàn xã hội với những biện pháp hữu hiệu như dành kinh phí mua sách báo, tặng sách báo miễn phí, tổ chức đọc sách báo tập thể... thì văn hóa đọc sẽ mãi mãi là xa xỉ với công nhân- những người có đồng lương quá eo hẹp. Tại Hà Nội, nhằm nâng cao đời sống tinh thần cho CNLĐ, UBND Thành phố đã có chủ trương phát hành báo miễn phí, trong đó có báo Lao động Thủ đô tới CNLĐ các khu công nghiệp và chế xuất. LĐLĐ Thành phố cũng đã xây dựng nhiều điểm sinh hoạt văn hóa công nhân tại các doanh nghiệp, các khu, cụm công nghiệp. Tại các điểm sinh hoạt văn hóa công nhân đều được trang bị sách, báo, tạp chí để phục vụ nhu cầu đọc của công nhân. Tuy nhiên, qua phản ánh của một số cán bộ CĐCS và CNLĐ lượng báo phát hành miễn phí tới công nhân còn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế; sách, báo, tạp chí tại các điểm sinh hoạt văn hóa công nhân còn ít cả về số lượng và đầu sách, báo, tạp chí... Các công nhân mong muốn, tổ chức CĐ, cơ quan liên quan, các đơn vị, doanh nghiệp tiếp tục ủng hộ sách, báo cho các điểm sinh hoạt văn hóa công nhân với số lượng phong phú, đa dạng hơn, để công nhân được đến gần hơn với văn hóa đọc, không chỉ để giải trí mà còn nâng cao nhận thức, hiểu biết về mọi mặt, nhất là kiến thức pháp luật.

Ngọc Tú
 

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này