Ấm áp nghĩa tình Hà Nội - Điện Biên

10:08 | 29/04/2014
LĐTĐ - Vào những ngày cuối tháng tư, đoàn cán bộ công nhân viên là những cựu chiến bình dân quân tự vệ cơ quan Liên đoàn lao động thành phố Hà Nội do đồng chí Lê Thanh Đà, Phó chủ tịch thường trực làm trưởng đoàn, đã có chuyến thăm và công tác tại tỉnh Điện Biên. Đây cũng là chuyến đi về nguồn, thăm lại chiến trường xưa nhân kỷ niệm 60 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.

Đoàn cán bộ Công đoàn Hà Nội “hành quân” lên Tây Bắc  trên con đường quanh co, uốn lượn. Phần đông thành viên trong đoàn là những cựu chiến binh, họ là pháo thủ của binh chủng pháo binh, là chiến sĩ bộ binh, thông tin liên lạc, hậu cần…từng vào sống, ra chết trên các chiến trường trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Trong đoàn có cả những người là dân quân, tự vệ của các cơ quan, đơn vị, chưa một lần đến Điện Biên. Tất cả đã mang theo niềm háo hức, bồi hồi xúc động được đến và trở về chiến trường xưa để cùng nhau ôn lại khí phách hào hùng của dân tộc.

Đoàn cán bộ cơ quan LĐLĐ TP tại di tích Đồi A1

Điểm đến đầu tiên trong hành trình của đoàn là nhà tù Sơn La, với cây đào mang tên Tô Hiệu, người chiến sĩ cộng sản trung kiên, bất khuất, đã hy sinh anh dũng ngay trên mảnh đất này. Nhìn những phòng giam chật hẹp, tối tăm, những gông cùm bằng sắt đen lạnh, không khác mấy với chuồng cọp ở Côn Đảo; nghe giọng thuyết minh truyền cảm của cô hướng dẫn viên, nhiều người trong đoàn không kìm được cảm xúc, trong lòng trào dâng niềm tiếc thương, cảm phục và tự hào về những chiến sĩ cộng sản, những người con ưu tú của nhân dân. Một đêm ở lại Sơn La, giao lưu cùng với những cán bộ công đoàn, nhân viên khách sạn Công đoàn Sơn La trong chương trình văn nghệ, chúng tôi cảm nhận được tình cảm, lòng mến khách của họ. Ông Cà Văn Chiu, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Sơn La cùng giám đốc khách sạn Công đoàn Sơn La đón tiếp chúng tôi rất thân tình, chu đáo. Chúng tôi rời Sơn La mà nhớ mãi những ánh mắt, nụ cười thân thiện, hình ảnh những cô gái Thái vẫy chào tạm biệt, hẹn dịp trở lại…

Ngày hôm sau, đoàn rời Sơn La đi Điện Biên. Trước khi vào thành phố Điện Biên, đoàn vào thăm Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ tại Mường Phăng. Sở chỉ huy Mường Phăng nằm giữaa đại ngàn nguyên sinh. 60 năm qua, “Rừng Đại tướng” - cái tên trìu mến và tự hào mà người dân Mường Phăng vẫn thường gọi, được bà con gìn giữ như vật báu trong nhà. Đến với mỗi điểm trong quần thể di tích Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ được tái hiện trầm mịch trong tiếng nhạc rừng, suối reo, chim hót, quá khứ như trở về. Di tích cấp quốc gia Mường Phăng vẫn còn lưu giữ được nhiều công trình có giá trị lịch sử như lán ở và làm việc của Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam, Đại tướng Võ Nguyên Giáp; lán ở và làm việc của Phó Tổng tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái; trạm gác tiền tiêu, lán ngủ điện báo viên; ban thông tin, nhà tác chiến; hầm trú ẩn và bếp Hoàng Cầm… Tất cả đều được làm nên từ tre, lứa và cỏ cây từ núi rừng Tây Bắc, gần gũi và quen thuộc với người dân nước Việt anh hùng. Trong những năm tháng chiến đấu, những mái nhà tranh, những căn lán đơn sơ ấy đã chở che cho cả bộ đội bất chấp hy sinh, gian khổ đập tan chiến lũy, lô cốt vững chắc của kẻ thù.

Lãnh đạo LĐLĐ TP  Hà Nội và Điện Biên tại Lễ bàn giao nhà “Mái ấm công đoàn”.

Đặt chân đến thành phố Điện Biên Phủ, đoàn chúng tôi dâng hương tại Nghĩa trang liệt sỹ Điện Biên Phủ, nơi yên nghỉ của hàng chục ngàn cán bộ, chiến sỹ hy sinh trên chiến trường Điện Biên và thăm đồi A1, vị trí chiến lược, quyết định đến chiến thắng Điện Biên Phủ hơn 60 năm qua vẫn sừng sững nghiêng mình trong lòng chảo Điện Biên. Đồi A1 nhìn xuống con sông Nậm Rốm chia đôi cánh đồng Mường Thanh trù phú. Hồng Cúm, Him Lam, Độc Lập vẫn còn trong câu hát, lời thơ. Những địa danh ấy đã làm nên 56 ngày đêm kiên cường “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt” của quân và dân ta đã đi vào trang sử hào hùng. Hiện trên đồi A1 còn lưu giữ gần như nguyên vẹn hệ thống hầm chỉ huy, giao thông hào, lô cốt và hầm trú ẩn của thực dân Pháp, hệ thống hầm hào, hố bộc phá của quân đội ta trong những ngày chiến đấu ác liệt. Ngay cạnh hầm chỉ huy của Đờ Cát là cây cầu Mường Thanh bắc qua sông Nậm Rốm. Cây cầu đi vào lịch sử đã chứng kiến những cuộc hành quân, những trận đánh 60 năm về trước, nay nhộn nhịp cảnh mua bán, đi lại tấp nập của người dân ở hai bên đường lên cầu. Đoàn chúng tôi không quên ghé thăm tượng đài quyết chiến quyết thắng tại quảng trường ở trung tâm thành phố Điện Biên. Tại đây, đoàn được chứng kiến lễ khai mạc tuần văn hóa Hà Nội tại Điện Biên.

60 năm đã trôi qua, nhưng mỗi thành viên của đoàn qua mỗi địa danh vẫn như nghe đâu đây âm vang của chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, trào dâng niềm tự hào về đất nước, về nhân dân, về những người con bất tử của dân tộc Việt Nam. Ai cũng cố ghi lại để lưu giữ những tấm hình, những kỷ niệm về Điện Biên một thời máu lửa, một thời dựng xây. Ngày kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ năm nay vắng bóng vị Đại tướng trong lòng dân. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã về cùng đồng chí, đồng đội, hòa vào dòng lịch sử muôn đời. Tháng Tư, chúng tôi đến Điện Biên như để được gần Người hơn.                                              

Trong chuyến đi ngắn ngủi này đã chứa đựng hai công việc ý nghĩa, tri ân những người đã ngã xuống vì độc lập, tự do của Tổ quốc và hỗ trợ những người đang khó khăn trong dựng xây cuộc sống mới ở Điện Biên với tinh thần Hà Nội với Điện Biên, Điện Biên với Hà Nội. LĐLĐ thành phố Hà Nội đã trao 3 “mái ấm công đoàn” trị giá 90 triệu đồng cho LĐLĐ tỉnh Điện Biên. Trong men say của văn hóa ẩm thực vùng Tây Bắc, trong tiếng nhạc dập dìu, rộn rã của điệu xòe Thái, chúng tôi cảm nhận được tình đất, tình người Điện Biên, và chuyến về nguồn như là chuyến đi của những người con ở xa lâu ngày trở về nhà…

Ngô Văn Minh
Trưởng ban Tuyên Giáo LĐLĐ thành phố Hà Nội

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này