Tổ chức CĐ sát cánh cùng công nhân lao động

10:57 | 29/04/2014
LĐTĐ - Giai cấp công nhân (GCCN) Việt Nam ngày càng trưởng thành, có vị trí đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp CNH-HĐH đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tuy nhiên, so với yêu cầu thực tế, GCCN Việt Nam vẫn còn không ít hạn chế. Tổ chức CĐ Việt Nam, trong đó có CĐ Thủ đô đã và đang có nhiều hoạt động thiết thực nhằm góp phần xây dựng GCCN không ngừng lớn mạnh.

Đời sống CNLĐ còn khó khăn

Qua hơn 20 năm đổi mới, cùng với quá trình CNH-HĐH đất nước, GCCN nước ta đã có những chuyển biến quan trọng, tăng nhanh về số lượng, đa dạng về cơ cấu, chất lượng được nâng lên, và ngày càng có đông CN trí thức. Tuy nhiên, sự phát triển của GCCN chưa đáp ứng được yêu cầu về số lượng, cơ cấu và trình độ học vấn, chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp của sự nghiệp CNH-HĐH và hội nhập kinh tế quốc tế; thiếu nghiêm trọng các chuyên gia kỹ thuật,  CN lành nghề. Tác phong công nghiệp và kỷ luật lao động trong một bộ phận CNLĐ còn hạn chế. Đa phần CN từ nông dân, chưa được đào tạo cơ bản và có hệ thống. Việc làm, đời sống vật chất và tinh thần của CN đang có nhiều khó khăn, bức xúc, đặc biệt là ở bộ phận CNLĐ giản đơn tại các DN tư nhân và DN có vốn đầu tư nước ngoài. Theo tiến sĩ Đặng Quang Điều, Trưởng ban Chính sách kinh tế xã hội và Thi đua khen thưởng Tổng LĐ, hiện nhiều vấn đề bức xúc cấp bách của GCCN như lương, thưởng, nhà ở… vẫn chưa giải quyết được là bao. Trong đó bức xúc nhất của CNLĐ là tiền lương và cần được giải quyết ngay thì sau nhiều lần điều chỉnh đến nay lương tối thiểu vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu cuộc sống của NLĐ. Lương tăng nhỏ giọt trong khi giá cả  tăng chóng mặt.

Phó chủ tịch TLĐLĐVN Nguyễn Văn Ngàng và Chủ tịch LĐLĐ TP HN Trần Văn Thực (Giữa) thăm hỏi CNLĐ tại khu công nghiệp Bắc Thăng Long tại lễ phát động Tháng công nhân - 2014

Cùng với đó thực trạng DN nợ BHXH, BHYT và các các khoản bảo hiểm khác, không giảm mà ngày một tăng. Nợ BHXH đã tác động xấu đến cuộc sống của NLĐ. Đó là CNLĐ nghỉ ốm đau, thai sản, hưu trí không được giải quyết  chế độ. Nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất mọc lên nhưng khu nhà ở cho CN lại không có. Công nhân phải tự đi thuê nhà trong điều kiện không đảm bảo, ảnh hưởng đến sức khỏe. Nhà trẻ, trường học cho con CN ở các khu công nghiệp, khu chế xuất vẫn rất bức xúc. Công nhân có con đều phải gửi về quê hoặc gửi ở những nhóm trẻ gia đình không đảm bảo an toàn. Đã vậy đời sống văn hóa tinh thần của CNLĐ cũng gặp không ít khó khăn. Trong các khu CN không có khu vui chơi giải trí, văn hóa văn nghệ, TDTT.

Vai trò của tổ chức CĐ       

Với chức năng đại diện, chăm lo bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của CNVCLĐ, tổ chức CĐ luôn sát cánh cùng GCCN. Tổ chức CĐ đã tham gia có hiệu quả vào công tác quản lý nhà nước, quản lý kinh tế-xã hội, chăm lo, bồi dưỡng cán bộ công đoàn, xây dựng tổ chức công đoàn. Các cấp CĐ đã chủ động tham gia cùng chính quyền tìm việc làm và tạo điều kiện làm việc cho CNLĐ; công đoàn tham gia trong lĩnh vực tiền lương, tiền thưởng, nhà ở, trong việc ký kết HĐLĐ của CNLĐ; đại diện CNLĐ ký kết thoả ước lao động tập thể. Chỉ tính riêng trong  năm 2013, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã gửi 21 kiến nghị của NLĐ và các cấp CĐ cả nước tới Chính phủ. Trong đó có nhiều vấn đề bức xúc trong đời sống của NLĐ, như ban hành cơ chế chính sách đối với việc đầu tư xây dựng các công trình phúc lợi công cộng trong các khu công nghiệp - khu chế xuất; về “Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao phục vụ công nhân ở các khu công nghiệp giai đoạn 2012-2015 và định hướng 2020”; chính sách cải cách tiền lương phù hợp, đảm bảo đời sống cho công nhân viên chức, NLĐ; việc giải quyết chính sách lao động dôi dư theo Nghị định 91/2010/NĐ-CP của Chính phủ. Qua đó đã có nhiều ý kiến đóng góp vào việc tái cơ cấu lao động phù hợp với nhu cầu sản xuất kinh doanh của DN, hạn chế lao động mất việc làm, giải quyết chế độ cho lao động dôi dư. Đến nay, đã có 17 kiến nghị đã thực hiện; 3 kiến nghị đang thực hiện và 1 kiến nghị chưa thực hiện.

Tổ ấm của NLĐ

Tổ chức công đoàn Thủ đô trong những năm qua không ngừng đổi mới về nội dung, phương thức hoạt động hướng về cơ sở; giải quyết những vấn đề bức xúc của NLĐ, xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa ổn định, tiến bộ trong DN, và thực sự là tổ ấm của NLĐ. Để cơ sở pháp lý bảo vệ quyền lợi NLĐ thêm vững chắc, LĐLĐ thành phố và CĐ các cấp đã chủ động, tích cực tổ chức cho cán bộ, đoàn viên, CNVCLĐ nghiên cứu, tham gia đóng góp ý kiến xây dựng, hoàn thiện nhiều dự án, văn bản pháp luật, chính sách, chế độ có liên quan đến quyền, lợi ích của đoàn viên và NLĐ. LĐLĐ cũng phối hợp với UBND thành phố chỉ đạo các  đơn vị xây dựng, thực hiện tốt quy chế dân chủ, phát huy tối đa sức sáng tạo và quyền làm chủ của NLĐ. Đồng thời qua đó xây dựng quy chế dân chủ, ký kết, sửa đổi, bổ sung thỏa ước lao động tập thể với nhiều điều khoản có lợi cho NLĐ. LĐLĐ thành phố phối hợp với các ngành chức năng kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật lao động, Luật BHXH và Luật Công đoàn tại các DN.  Đặc biệt, UBND và LĐLĐ thành phố đã phối hợp tổ chức hội nghị tiếp xúc, đối thoại với CNLĐ trong các khu công nghiệp, khu chế xuất. Tại hội nghị tiếp xúc, kiến nghị của CNLĐ và đại diện các DN đã được lãnh đạo thành phố chỉ đạo các sở ngành có kế hoạch giải quyết các vấn đề mà CNLĐ và DN kiến nghị trong thời gian sớm nhất.

Suy thoái kinh tế nhiều DN phải giải thể, tạm ngừng sản xuất, kéo theo hàng ngàn lao động thiếu việc làm, các cấp CĐ Thủ đô đã triển khai cho CNVCLĐ vay tiền để phát triển kinh tế gia đình từ Quỹ quốc gia giải quyết việc làm,  Quỹ trợ vốn CNVCLĐ nghèo Thủ đô. Các hoạt động xã hội như hỗ trợ mái ấm CĐ, trao tặng điểm vui chơi cho thiếu nhi các trường mầm non, tặng học bổng cho con CNVCLĐ được các cấp CĐ Thủ đô được duy trì. Đặc biệt, trong dịp tết nguyên đán, công tác chăm lo cho NLĐ được các cấp CĐ Thủ đô đẩy lên mức cao trào với hàng loạt các hoạt động  như đôn đốc các DN thực hiện việc trả lương, thưởng tết; thăm hỏi, trợ cấp, tặng quà tết cho CNLĐ có hoàn cảnh khó khăn, tặng vé xe và tổ chức các chuyến xe đưa CNLĐ về quê ăn tết...

Không chỉ quan tâm chăm lo đời sống vật chất, các cấp CĐ Thủ đô còn chú trọng  nâng cao đời sống tinh thần cho NLĐ. Ở khía cạnh này, LĐLĐ TP và các cấp CĐ Thủ đô xây dựng và triển khai thành công những mô hình hoạt động mới như điểm sinh hoạt văn hóa công nhân, tổ tự quản khu nhà trọ công nhân … Việc xây dựng, đưa các điểm sinh hoạt văn hóa CN vào hoạt động vừa đáp ứng được một phần nhu cầu sinh hoạt tinh thần của CNLĐ vừa là nơi kết nối, tạo mối quan hệ giữa CNLĐ với người dân, địa phương và đặc biệt điểm sinh hoạt văn hóa là nơi tuyên truyền, phổ biến pháp luật hiệu quả. LĐLĐ thành phố chỉ đạo các cấp công đoàn Thủ đô phát động “Tháng công nhân” 2014  với chủ đề “Công đoàn đồng hành vì sự phát triển bền vững của doanh nghiệp” với 5 nội dung nhiệm vụ trọng tâm; đồng thời tiếp tục chỉ đạo các phong trào thi đua như: Lao động giỏi, công nhân giỏi; sáng kiến sáng tạo, giỏi việc nước - đảm việc nhà…LĐLĐ Thành phố sẽ tổ chức tôn vinh 120 công nhân giỏi Thủ đô tiêu biểu. Đồng thời chỉ đạo các cấp công đoàn phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu phát triển 42 ngàn đoàn viên, thành lập 400 CĐCS, duy trì củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của các CĐCS khu vực ngoài nhà nước, làm chỗ dựa, cầu nối của người lao động với người sử dụng lao động

Với những hoạt động thiết thực hướng về cơ sở, NLĐ, tổ chức CĐ Việt Nam trong đó có CĐ Thủ đô ngày càng tạo dựng vững chắc lòng tin trong đoàn viên CNVCLĐ; vai trò đồng hành cùng DN tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh, đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ ngày càng được khẳng định.

   Trần Vũ

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này