Ngăn ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em:

Nâng cao nhận thức của cả cộng đồng

17:48 | 15/03/2019
(LĐTĐ) Lao động trẻ em vẫn xuất hiện trong nhiều ngành và tồn tại chủ yếu ở khu vực kinh tế phi chính thức. Việc phải lao động sớm sẽ để lại nhiều hậu quả không nhỏ, gây ảnh hưởng tới sự phát triển về thể chất và tâm lý của các em, cản trở việc tiếp cận giáo dục; tác động tiêu cực tới tương lai của chính trẻ em và làm ảnh hưởng tới nguồn nhân lực tương lai của đất nước.  
nang cao nhan thuc cua ca cong dong Tập huấn phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em cho cán bộ công đoàn Thủ đô
nang cao nhan thuc cua ca cong dong Hội nghị tập huấn phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em
nang cao nhan thuc cua ca cong dong 4 vấn đề nóng được trẻ em quan tâm

Đây là thông tin được đưa ra tại cuộc Đối thoại chính sách về các tiêu chuẩn lao động quốc tế về lao động trẻ em trong bối cảnh các cam kết quốc tế về thương mại, do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) và Văn phòng Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) Việt Nam phối hợp tổ chức mới đây.

nang cao nhan thuc cua ca cong dong
Các đại biểu chụp ảnh chung tại buổi đối thoại.

Nhiều nỗ lực nhưng lao động trẻ em vẫn tồn tại

Tại buổi đối thoại, Thứ trưởng Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà khẳng định: Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong giải quyết vấn đề lao động trẻ em. Việt Nam là nước đầu tiên ở châu Á và nước thứ 2 trên thế giới phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về Quyền trẻ em.

Thông qua hệ thống luật pháp, chính sách hỗ trợ xã hội, xây dựng và thực hiện các chương trình, dự án, các hoạt động hội nhập quốc tế đã thể hiện cam kết của Việt Nam về vấn đề lao động trẻ em, hướng tới phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em. Kết quả điều tra quốc gia về lao động trẻ em năm 2012 cho thấy, hiện có 1,75 triệu lao động trẻ em.

Theo ước tính của ILO, trên thế giới hiện có khoảng 152 triệu trẻ em độ tuổi từ 5 - 17 tuổi là lao động trẻ em. Lao động trẻ em vẫn tập trung chủ yếu trong ngành nông nghiệp (chiếm 70,9%), tiếp đến là ngành dịch vụ (chiếm 17,1%), trong khi 11,9% lao động trẻ em làm việc trong ngành công nghiệp.

Tại Việt Nam, kết quả Điều tra quốc gia về lao động trẻ em cho thấy, hiện có 1,75 triệu lao động trẻ em, tồn tại đặc biệt trong khu vực kinh tế phi chính thức, với khoảng 1,7 triệu trẻ em, trong đó có đến 34% các em làm việc kéo dài trên 42 giờ/tuần.

Còn theo khảo sát của Viện Khoa học lao động xã hội, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tại 3 tỉnh, thành phố, hơn 7% hộ gia đình có người từ 5-17 tuổi tham gia hoạt động kinh tế. Gần 2% hộ gia đình có thành viên từ 5-17 tuổi tham gia công việc có tính chất nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.

Tỷ lệ lao động trẻ em tại Việt Nam thấp hơn tỷ lệ trung bình của toàn thế giới và rất gần với tỷ lệ của khu vực. Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà cũng cho biết, để giảm thiểu lao động trẻ em từ kết quả điều tra lao động trẻ em, Việt Nam đã ban hành hệ thống pháp luật, chính sách nhằm đảm bảo hiện thực hóa quyền của trẻ em. Bộ luật Lao động cũng có các quy định về độ tuổi lao động tối thiểu, thời giờ và điều kiện làm việc đối với người chưa thành niên. Luật Trẻ em có các quy định cụ thể về nghiêm cấm bóc lột trẻ em.

Cũng trong năm 2016, Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt Chương trình phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em giai đoạn 2016 - 2020. Điều này có ý nghĩa thiết thực khi toàn cầu đang cam kết triển khai việc phòng ngừa lao động trẻ em nhằm thực hiện mục tiêu phát triển bền vững đã cam kết, trong đó có mục tiêu phát triển bền vững về xoá bỏ cưỡng bức lao động, chấm dứt chế độ nô lệ hiện đại, mua bán người và xóa bỏ các hình thức lao động trẻ em nặng nhọc, nguy hiểm.

Đến thời điểm này, theo đánh giá của ILO, pháp luật Việt Nam về cơ bản đã nội luật hóa các công ước cơ bản mà Việt Nam đã phê chuẩn. Các quy định của pháp luật Việt Nam rất tốt và đầy đủ, tuy nhiên, hiện tại lực lượng thanh tra lao động còn mỏng và khối lượng công việc nhiều, cùng với tình trạng nghèo đói, thiếu hiểu biết về quyền trẻ em của người dân, nhất là ở khu vực nông thôn, dẫn đến vẫn còn vấn đề về sử dụng lao động trẻ em, trong đó bao gồm cả các hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất như trẻ em làm công việc độc hại, trẻ em là nạn nhân của lạm dụng tình dục, trẻ em nghiện ma túy, trẻ em là nạn nhân của buôn bán người…

Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục trẻ em (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) nhận định, lao động trẻ em vẫn tồn tại nhiều trong khu vực kinh tế phi chính thức. Nhiều trẻ em sẵn sàng tham gia vào thị trường lao động nên người sử dụng lao động đã tận dụng lợi thế này để tăng cường lao động trẻ em với giá nhân công rẻ. Ngoài ra, việc sử dụng lao động trẻ em trong các chuỗi cung ứng cũng là một vấn đề nguy cơ cần được quan tâm để phòng ngừa.

Còn ông Chang – Hee Lee - Giám đốc Văn phòng ILO Việt Nam thì cảnh báo, lao động trẻ em chủ yếu tồn tại ở khu vực kinh tế nông thôn và phi chính thức, ngoài tầm kiểm soát của các thanh tra lao động, ở những nơi công đoàn và các tổ chức của người sử dụng lao động thường rất mỏng hoặc không có. Đặc biệt, trong sản xuất hộ gia đình, trẻ em thường rất dễ bị tổn thương do thu nhập của bố mẹ các em không đủ hoặc bởi các doanh nghiệp gia đình phi chính thức không đủ tiền thuê lao động trưởng thành nên phải để con em mình lao động không được hưởng lương.

Ngăn ngừa lao động trẻ em- trách nhiệm của cả cộng đồng

Đánh giá những hậu quả của lao động trẻ em, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà nhìn nhận: Thực tế trên thế giới cho thấy hàng hóa được sản xuất với sự tham gia của lao động trẻ em, dù được phát hiện ở bất cứ công đoạn nào cũng sẽ gây thiệt hại cả về kinh tế và uy tín của doanh nghiệp và thậm chí của cả ngành hàng trong nhiều năm.

Lao động sớm trước tuổi để lại nhiều hậu quả không nhỏ, gây ảnh hưởng tới sự phát triển về thể chất và tâm lý của các em, đồng thời cản trở việc tiếp cận giáo dục; từ đó tác động tiêu cực tới tương lai của chính trẻ em cũng như tới việc thực hiện các quyền cơ bản của trẻ em, làm ảnh hưởng tới nguồn nhân lực tương lai của đất nước.

Do đó, để giải quyết vấn đề lao động trẻ em, đặc biệt là bảo vệ các em khỏi các hình thức lao động nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, rất cần sự tham gia phối hợp chặt chẽ của tất cả các đối tác trong xã hội, các cơ quan Nhà nước, doanh nghiệp, công đoàn, các tổ chức xã hội, gia đình và cộng đồng.

Ông Chang – Hee Lee - Giám đốc Văn phòng ILO Việt Nam cho rằng, phòng chống lao động trẻ em đòi hỏi phải có các chính sách đồng bộ. Đó là nền giáo dục với chất lượng tốt, bảo trợ xã hội và việc làm bền vững cho cha mẹ. Riêng với các doanh nghiệp, cần phải chú ý để đảm bảo rằng chuỗi cung ứng của họ không có lao động trẻ em, nếu không sẽ bị mất uy tín và ảnh hưởng xấu đến công việc kinh doanh.

Ông cho rằng nhiệm vụ ngăn ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em cũng là trách nhiệm của cả cộng đồng doanh nghiệp và các cơ quan quản lý đặc biệt khi Việt Nam được lựa chọn là một trong những quốc gia tiên phong đi đầu trong liên minh 8.7.

Liên minh 8.7 – Alliance 8.7 (là một đối tác toàn cầu cam kết đẩy nhanh hành động, thúc đẩy sự đổi mới, tạo ra kiến thức và tận dụng các nguồn lực nhằm thực hiện mục tiêu phát triển bền vững đã cam kết, trong đó có mục tiêu phát triển bền vững về xoá bỏ cưỡng bức lao động, chấm dứt chế độ nô lệ hiện đại, mua bán người và xóa bỏ các hình thức lao động trẻ em nặng nhọc, nguy hiểm).

Đồng quan điểm cách thức góp phần giải quyết vấn đề lao động trẻ em, đặc biệt là bảo vệ các em khỏi các hình thức lao động nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, các chuyên gia đều cho rằng cần có sự tham gia thường xuyên, liên tục, bền vững, sự liên kết, phối hợp chặt chẽ của tất cả các đối tác trong xã hội, các cơ quan Nhà nước, doanh nghiệp, công đoàn, các tổ chức xã hội, gia đình và cộng đồng.

Ngọc Tú

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này