Tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2019 - 2020 ở Hà Nội:

Sốt sắng tìm kiếm tài liệu, lớp ôn thi môn lịch sử

09:41 | 15/03/2019
(LĐTĐ)  Ngay khi Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội chốt môn thi thứ 4 trong kỳ thi tuyển sinh vào 10 THPT năm học  2019 – 2020 là môn Lịch sử, nhiều bậc phụ huynh và học sinh gấp rút tìm kiếm tài liệu, lớp ôn thi khi thời gian còn lại chỉ là hơn 2 tháng.
sot sang tim kiem tai lieu lop on thi mon lich su Giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa qua các chuyến đi thực tế
sot sang tim kiem tai lieu lop on thi mon lich su Giáo viên tư vấn cách học tốt môn Lịch sử

Sở GD&ĐT Hà Nội đã có công văn số 802/SGDĐT-QLT gửi các Phòng GD&ĐT, các trường THPT, các trung tâm nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên về thông báo các môn thi tuyển sinh vào lớp 10 các trường THCS công lập năm học 2019 - 2020.

Theo đó, kì thi sẽ được tổ chức vào ngày 2 - 3/6 với 4 môn thi bắt buộc, độc lập bao gồm: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và Lịch sử. Được biết, năm học 2019-2020, Hà Nội có 101.460 học sinh tốt nghiệp THCS.

Trong đó có khoảng 60-62% số học sinh được tuyển vào trường THPT công lập, 20% vào cấp III tư thục, 10% vào học tại trung tâm giáo dục nghề nghiệp - GDTX, số còn lại tham gia học nghề.

Với việc Sở GD&ĐT Hà Nối “chốt” lịch sử là môn thi thứ tư tại kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 các trường THPT công lập tại Hà Nội trong năm học 2019-2020 khiến không chỉ học sinh, nhiều phụ huynh hiện rất băn khoăn, lo lắng cho việc ôn thi của con em mình khi thời gian còn lại chỉ là hơn 2 tháng.

Bởi với đặc thù là môn học đòi hỏi ghi nhớ nhiều nên đa phần học sinh đều lo lắng về phương pháp học, làm sao để nhớ được khối lượng kiến thức khổng lồ trên trong khi thời gian không còn nhiều và cách nào để nghiên cứu tài liệu được hiệu quả.

sot sang tim kiem tai lieu lop on thi mon lich su
Học sinh lớp 9 tìm đến các nhà sách tìm kiếm tài liệu

Quan sát tại nhiều nhà sách thời điểm này có sự xuất hiện của nhiều bậc phụ huynh và học sinh tìm kiếm tài liệu và sách tham khảo. Em Thu Giang (trường THCS Láng Thượng) chia sẻ: "Năm nay dự định của em thi vào trường THPT Yên Hóa, do năm ngoái điểm của trường tương đối cao nên em gặp chút lo lắng.

Ngay từ khi biết môn thi thứ 4 chúng em đã bắt đầu ôn luyện tại trường, các tiết học Sử được tăng lên tuy nhiên để chắn chắn hơn em vẫn đến các nhà sách tìm thêm các loại sách tham khảo hoặc các bạn có tài liệu nào khác em đều mượn để đi photo".

Không chỉ gấp rút tìm kiếm tài liệu, đề luyện thi, nhiều bậc phụ huynh cũng đang "chạy đôn chạy đáo" tìm lớp cho con học ôn thi. Chị Thu Hà (Cầu Giấy, Hà Nội) trong những ngày qua phải tạm ngừng công việc kinh doanh gia đình để mong sao tìm được nơi cho con ôn luyện bởi con trai chị năm nay sẽ dự thi lớp 10.

Chị Hà cho hay, trước đây gia đình chị đầu tư thời gian và tiền bạc cho con học nhiều môn, tuy nhiên không chú ý đến môn Lịch sử. Các phụ huynh hầu hết đều cho các con đi học thêm các môn tự nhiên như vật lý, hóa học, sinh học chứ không ai nghĩ đến cho con học Lịch sử. Thời gian 2 tháng cũng không phải nhiều để ôn tập kĩ cho lượng kiến thức khá lớn. Do đó tôi cùng nhiều phụ huynh khác đang gấp rút tìm thầy, tìm lớp tại các trung tâm cho con học.

Theo khảo sát của PV báo Lao động Thủ đô tại các Trung tâm bồi dưỡng văn hóa trong thời điểm này đang “nóng lên” khi rất nhiều phụ huynh tìm đến. Thậm chí ngay khi có công bố thi Sử, không ít lò luyện thi đã thông báo mở lớp luyện thi cấp tốc môn học này với nhiều lời quảng cáo hấp dẫn.

Tìm đến một Trung tâm bồi dưỡng văn hóa tại đường Lương Thế Vinh (quận Nam Từ Liêm) được quảng cáo chuyên ôn tập cho học sinh cuối cấp, nơi này cho biết những ngày qua đã nhận rất nhiều cuộc điện thoại của phụ huynh muốn đăng kí học cho con.

Trong đó, nhiều phụ huynh đã đề xuất trung tâm này mở lớp cho nhóm khoảng 4-5 học sinh với mức học phí tương đương với lớp có số lượng tiêu chuẩn để các con ôn luyện được “kĩ” hơn. Cùng với trung tâm này, không ít trung tâm khác cũng đang gấp rút liên hệ, tìm thầy cô để đáp ứng nhu cầu của phụ huynh và học sinh ngày càng lớn.

Trước những lo lắng, băn khoăn của phụ huynh và học sinh về những khó khăn khi học tập môn Lịch sử, Thạc sĩ lịch sử Nguyễn Thị Quỳnh Mai (Hệ thống giáo dục Hocmai) chia sẻ "bí kíp" ôn tập hiệu quả và đạt điểm số cao ở môn thi này. Theo đó, các thí sinh cần nắm chắc cấu trúc đề thi gồm 40 câu hỏi với 27 câu hỏi thuộc phần lịch sử Việt Nam và 13 câu hỏi thuộc phần lịch sử thế giới.

Với thời gian làm bài 60 phút, trung bình thí sinh sẽ có 1,5 phút cho mỗi câu trả lời. Trên cơ sở nắm vững cấu trúc đề tham khảo và thời gian làm bài, học sinh sẽ xây dựng lộ trình ôn thi cho hiệu quả.

Để nắm vững kiến thức căn bản, các học sinh cần sử dụng các sơ đồ tư duy. Đó là công cụ giúp các học sinh nhớ lâu, nắm chắc kiến thức. Sau khi nắm chắc kiến thức trong chương trình phổ thông, học sinh bắt tay vào luyện tập và thực hành thông qua việc luyện đề.

Cũng theo Thạc sĩ Quỳnh Mai, việc ôn luyện đề sẽ giúp học sinh làm quen với cấu trúc đề, rèn được phản xạ với từng loại câu hỏi, kiểm tra được mức độ nắm vững kiến thức hoặc thiếu hụt kiến thức ở từng vấn đề hoặc từng chương. Và cuối cùng, việc giải đề sẽ giúp học sinh nhớ bài lâu hơn.

Ngoài ra, học sinh cần ôn tập thật kỹ các bài tổng kết chương, bám theo chương trình sách giáo khoa phổ thông theo tinh thần "học đến đâu chắc kiến thức đến đó". Các học sinh cần nhớ các dấu mốc sự kiện lịch sử chính, các mốc đánh dấu bước chuyển của mỗi thời kỳ để có thể xử lý những câu hỏi mang tính liên chương hoặc những câu hỏi mức độ tương đối khó.

Minh Hà

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này